Kiếp rong buồn

22/01/2015 14:04

Theo dõi trên

Họ là những ông bố, bà mẹ, người vợ từ khắp các chốn vùng quê ở miền đất Nam Trung Bộ tha phương cầu thực đến với Huế để mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Hằng ngày những bước chân lặng lẽ ấy rảo bước trên khắp các con đường, ngõ hẻm ở nội thành, các phố huyện để mời chào khách mua hàng kiếm nhặt từng đồng lẻ mưu sinh.




Phần lớn những người bán hàng rong ở Huế đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định

Nhọc nhằn mưu sinh

Nói sinh nghề tử nghiệp thì hơi quá, nhưng sự thật không ít những người bán hàng rong ở TP.Huế đã trải qua những tháng năm thăng trầm trên đất “thành kinh”.

Xung quanh công viên Kim Đồng - đối diện Bệnh viện Trung ương Huế (TP.Huế) có rất nhiều người bán hàng dạo. Phần lớn họ đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định vì gia cảnh nghèo túng nên mới phiêu bạt đến “nước Huế”.

Trước đây tôi đã từng gặp nhiều người như thế ở những con đường khác trong thành phố như: Đường Bà Triệu, đường Phạm Văn Đồng, đường Hùng Vương, đường Hà Nội... Họ ra bán ở Huế vào mùa hè, đến mùa mưa thì họ vào Buôn Hồ (Đăk Lăk) để bán. Vì ở Huế mùa mưa còn ở Đăk Lăk là mùa khô nên bán được hơn.


Đang nhấp ngụm cà phê sữa thì một người phụ nữ tiến gần về phía tôi rồi dừng lại mời hàng với giọng Quảng Ngãi đặc sệt: “Mua cho dì đi con! Dì bán rẻ cho”. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Thảo (41 tuổi, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), dáng dấp nhỏ bé, áo quần xọc xệch, đôi mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ. Dì mang trên vai một cái giá bằng gỗ đã mốc thếch treo mấy thứ đồ lỉnh kỉnh. Nào là mắt kính, nào là bật lửa, đế lót giày, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện thoại di động… Vai bên kia là một cái túi xách đã sờn vì bụi đường, sương gió đựng gì đó có vẻ nặng.

Duy chỉ có những nếp thời gian là “ưu đãi” trên gương mặt vốn gầy gò, hốc hác của dì, chằng chịt những mối lo toan với làn da cháy nắng. "Hoàn cảnh quá khó khăn nên dì phải xa nhà. Thằng cả năm nay đã 22 tuổi, nó phải bỏ học giữa chừng đi làm công nhân ở Đà Nẵng để giúp mẹ kiếm tiền, đứa thứ hai học lớp 9, còn đứa út mới 2 tuổi nhờ bà ngoại nuôi. Chồng dì bị tai nạn trong khi làm việc nên bị mất sức lao động. Hiện tại chồng con đều nhờ cậy vào hai bên nội - ngoại chăm sóc", dì Thảo sụt sùi.
 

Mỗi năm dì chỉ về quê được một dịp đó là Tết Nguyên Đán. Ở nhà được được vài ba hôm là phải nén nước mắt xa chồng xa con. “Dì cũng muốn ở lại lâu hơn với con và chăm lo cho chồng nhưng khổ nỗi ở lâu thì tiền đâu ra mà ăn. Tiền thuốc men cho chồng, tiền học của con không thể thiếu được. Ở nhà được mười ngày, dì lại khăn gói ra đi” – Giọng dì run run, đôi mắt xa xăm hướng ra dòng sông Hương đang chầm chậm trôi.

Theo lời dì kể - những người phụ nữ bán hàng rong này đều lấy hàng từ những cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm bán dạo ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng du nhập từ TP Hồ Chí Minh nhờ các mối "ruột".

Đa số những người bán hàng rong ở Huế là phụ nữ, đàn ông chiếm số lượng nhỏ. Chuyện ăn uống khá thất thường, bạ đâu ăn đó chứ không ổn định. Nghề này phải đi cả ngày, nên buổi tối mới về thuê trọ ở đường Hải Triều gần chợ An Cựu (TP.Huế) với giá tiền phòng 17.000 – 20.000 đồng/ buổi để ngủ.

Tôi phải tận mắt mục kích mới thấy được "xóm trọ" của những người bán hàng rong như dì thảo thuê ở là như thế nào. Dãy trọ của dì và các "bạn đồng nghiệp" nằm sâu trong hẻm, phải đi quanh co một hồi lâu mới tới. Mỗi phòng khoảng mười mét vuông chỉ đủ chỗ cho một chiếc giường mà có ba đến bốn người ở. Hình như lâu lắm không có ai dọn dẹp nên trong phòng ngai ngái mùi ẩm mốc khiến không ít lần tôi phải rùng mình.

Và những gốc khuất nghiệt ngã

Dưới những bóng cây đại thụ trong công viên, vài người bán hàng rong tụ tập lại để tranh thủ nghỉ trưa cũng luôn tiện hỏi han nhau đôi ba câu về gia đình, buôn bán. Bà thì kể là hôm nay bán được vài trăm, ông thì bán được vài chục ngàn, có bà không bán được thì ngồi tiu ngỉu, mặt buồn rầu chả nói câu nào.

Chị Nguyễn Thị Len (36 tuổi, người huyện An Lão, Bình Định), lân la từ tỉnh này qua tỉnh khác để kiếm sống mấy năm nay, cuối cùng chị cũng chọn "nước Huế" làm điểm dừng chân và bám trụ lại đây đã hai năm tròn. Mỗi ngày, chị đi bộ gần hai mươi cây số. Dấu chân của chị đã đến hầu khắp TP.Huế.

Chị Len thở dài: “Một ngày nếu bán được hàng thì cũng lời năm bảy chục ngàn (50 - 70 ngàn đồng) nhưng cũng không đủ trang trải: nào là tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền điện nước rồi cả tiền gửi về cho gia đình nữa…”. Vì không dùng thẻ ATM nên hàng tháng, chị Len phải hỏi bạn bè, người quen xem có ai vào quê không để gửi số tiền tiện tặn tích cóp được vào cho gia đình.

Nhiều đêm trái gió trở trời, chị nằm trơ trọi một mình trong góc phòng tối không có ai chăm sóc, có gia đình nhưng phải chịu cảnh cô đơn. "Lúc đó chị chỉ muốn bỏ hết việc để về với chồng với con. Nhưng nghĩ lại nếu mình về thì gia đình sẽ mất đi một nguồn thu nhập, thà mình chịu cực chứ không để con cái nhịn đói. Thế là sáng hôm sau lại phải gắng gượng dậy ăn tạm ổ bánh mì rồi tiếp tục công việc nhọc nhằn", chị Len rầu rĩ.
 

Những bước chân thoăn thoắt tìm chỗ trú mưa, anh Nguyễn Tý (39 tuổi, quê ở huyện Núi Thành, Quảng Nam) trải lòng: “Làm nghề ni khổ cực lắm chú à! Đàn ông con trai như bọn tui còn đỡ, những chị em làm nghề bán hàng rong phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều chị em đi bán hàng bị lừa tiền, giật tiền, đời nghèo lại còn gặp eo nữa mới đau! Nhiều khi bị xe đi đường đụng phải, cả gánh hàng tròng trành và đổ ụp xuống đường. Có người phải đi nhà thương điều trị gần tháng trời mới khỏi… còn có cả trường hợp bị người ta cưỡng bức nữa. Không nói đâu xa,  hai năm về trước con bé kia đã bị người ta hãm hiếp". Anh chỉ tay về hướng một bé gái có gương mặt dễ nhìn, tầm mười hai mươi tuổi đang ngồi đếm lại mấy tờ tiền giấy vừa lôi ra khỏi cái túi vải cũ kỹ. Cô bé có gương mặt phúc hậu, lanh lợi nhưng có nét đượm buồn. Cô bé có đôi mắt buồn ấy là Nguyễn Thị N., quê ở Quảng Nam.

Câu chuyện đang tiếp diễn thì bỗng dưng cắt ngang bởi tiếng thở dài của anh Tý - "Tội nghiệp! Còn nhỏ tuổi thế mà đã gặp phải nhiều chuyện quá sức với nó. Tui phải động viên nhiều lắm nó mới lấy lại tinh thần như bây giờ. Nó bảo "Em phải cố gắng làm để gửi tiền về quê cho mẹ chữa bệnh". Thế là mấy tháng sau nó đi làm trở lại. Mấy người bán hàng ở đây ai cũng thương nó lắm". "Những kẻ đã hãm hại em N. có bị pháp luật trừng trị không?" - Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn vì tất nhiên pháp luật sẽ không tha cho những kẻ như vậy. Nhưng anh Tý đã làm cho tôi băn khoăn khi nói: "Vì mấy thằng đó không để lại dấu vết gì, lại không có nhân chứng nên không làm gì được. Giờ con N. Đã bình tâm trở lại nên cũng không ai muốn khơi gợi chuyện xưa của nó nữa".

Người hành nghề bán hàng rong gặp không ít chuyện dở khóc, dở cười. Nhiều lúc gặp những người mua khó tính, xem hết hàng này đến hàng khác nhưng chẳng mua cái nào. Hàng hóa vì thế mà cũ đi nhiều đâm ra khách nghi là hàng cũ nên rất khó bán, còn có trường hợp bị cướp dật mất túi hàng ngay giữa phố.

Tết Nguyên Đán đang đến gần, thiên hạ đổ xô đi đặt mua vé tàu, vé xe để về quê đoàn tụ với gia đình, rồi còn cả mua sắm đồ tết, dọn dẹp nhà cửa... Đủ thứ chuyện để lo. Riêng những người này là vẫn hằng ngày đi bán hàng ở các con hẻm, đường phố mặc trời nắng hay mưa. Dì Thảo vừa sắp lại hàng vừa nói: "Người ta mua hết vé thì mặc kệ. Mình có đi xe chất lượng cao hay đi tàu gì đâu mà sợ. Bán đến khoảng ngày 27 - 28/12 âm là dì với mấy chị em ở đây bắt xe chợ để về. Năm nào cũng vậy cả mà. Việc ở nhà để chồng con làm".

Tôi chia tay dì Thảo lúc trời đã chập choạng tối, bóng dì khuất xa dần nhưng tôi vẫn thấy được dáng người nhỏ bé mang theo cái giá gỗ đã mốc thếch đựng mấy thứ hàng hóa lỉnh kỉnh, bước đi lững thững... Không biết tết năm nay dì có về kịp để cùng gia đình chuẩn bị đón tết không? Không biết em N. có đủ tiền mua thuốc cho mẹ không?

Dì Thảo, chị Len, anh Tý và cả bé N. chỉ là những điển hình về kiếp lang thang ở TP. Huế để mưu sinh. Dẫu biết là nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo họ vẫn chấp nhận lang bạt xứ người, rong ruổi khắp thành phố, vẫn lặng lẽ ngày ngày đi về trên khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của đất cố đô.
 
Tuyền Trần

Bạn đang đọc bài viết "Kiếp rong buồn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.