Kiến trúc chùa Việt Nam Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh

14/07/2019 23:03

Theo dõi trên

Chùa Nam Bộ là sự tích hợp giữa nghệ thuật kiến trúc truyền thống và văn hóa Nam Bộ. Tự thân mỗi công trình kiến trúc chùa ở Nam Bộ, đã chuyển tải giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của người dân nơi đây. Chùa Nam Bộ xuất hiện rất sớm, theo dấu chân khẩn hoang của lưu dân người Việt.

Theo đó, tôn giáo và văn hóa truyền thống nảy nở trên vùng đất mới. Trong đó, niềm tin Phật giáo luôn được trân trọng, giữ gìn. Vì thế, chùa trở thành ngôi nhà tâm linh và là một bộ phận văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ.
 
 
Chánh điện chùa Giác Lâm, Q. Tân Bình - TP.HCM Ảnh Thanh Hoa

Đặc điểm kiến trúc

Với tinh thần tùy duyên nhập thế, Phật giáo đã dung hợp một cách tự nhiên với môi trường sống của người dân và văn hóa bản địa. Chùa Việt ở Nam bộ phần lớn có khuôn viên rộng. Trong không gian kiến trúc của chùa thường có hồ sen và nhiều cây xanh. Kiến trúc chùa tập hợp thành quần thể: chùa và vườn chùa. Về cấu trúc, cơ bản có: tam quan, sân chùa, chính điện, giảng đường, trai đường, hành lang… Toàn bộ kiến trúc chùa bố cục đăng đối trên một trục chính trung. Trục chính trung chia làm 3 phần: chính điện, giảng đường, trai đường. Bên cạnh đó, còn có: tăng xá, nhà bếp, nhà khách và các hạng mục công trình khác, được bố trí hài hòa với tổng thể khuôn viên chùa.
 
Kiến trúc chùa Việt Nam Bộ toát lên vẻ đẹp tôn nghiêm, thanh thoát và tĩnh lặng. Khối công trình chính đặt ở giữa, quay mặt về hướng nam hoặc hướng mặt chùa ra sông. Các công trình được bố trí theo chức năng, phương vị của chùa và kết hợp với kinh nghiệm xây chùa của người xưa. Vườn cây ăn trái nằm ở phía tây và phía bắc. Nhằm mục đích làm giảm bớt ánh nắng và gió lạnh. Sân cảnh ở hướng đông, thường có ao sen hoặc hồ sen, với những lối đi thông thoáng. Vườn và mộ tháp được bố trí ở hướng Đông Bắc. Cách bố trí này ảnh hưởng từ kiến trúc nhà ở truyền thống Nam Bộ. Vì vậy, chùa Việt Nam Bộ rất gần gũi và thân thiện với mọi tầng lớp dân chúng.
 
Kiến trúc chùa Nam Bộ khá đa dạng, mỗi chùa là một mẫu số riêng. Nhưng phổ biến nhất là kiểu chùa chữ tam hoặc kiểu chùa phức hợp, có bố cục của nhiều khối công trình. Chùa kiểu chữ tam thường bố trí: ba dãy nhà song song theo chiều ngang; giữa hai dãy nhà có sân thiên tỉnh; phía trước mỗi dãy nhà có hành lang bao quanh, tạo nên một không gian chuyển tiếp để ánh sáng có thể lan tỏa vào bên trong.
 
Chánh điện đặt ở vị trí trung tâm, mặt bằng hình vuông, mái bánh ít… Đây là đặc trưng kiến trúc chùa truyền thống. Một số chùa xây chánh điện theo hình chữ nhật, bốn mái (hai mái dài và hai mái ngắn). Phía sau chánh điện là hậu tổ. Giảng đường, trai đường, tăng xá, nhà khách, được bố trí hai bên. Ngoài ra, các hạng mục khác như nhà nghỉ của vị trụ trì, nhà bếp, nhà vệ sinh… được bố trí phù hợp với không gian kiến trúc.
 
Thời hiện đại, kiến trúc chùa Việt Nam Bộ thường xây lên nhiều tầng lầu nên còn gọi là trùng lâu. Vì thế, mặt bằng kiến trúc cũng thay đổi để phù hợp với chức năng sử dụng. Do vậy, tầng trên, ở vị trí trung tâm là khối chánh điện và hậu tổ. Phía dưới thường là giảng đường hoặc trai đường. Tăng xá, phòng khách, phòng phát hành, thư viện, nhà bếp… và các hạng mục khác được chia thành các khối ở hai bên.
 
Chùa Việt Nam Bộ ngày nay có xu hướng thay đổi theo nhu cầu thẩm mỹ tâm linh và nghệ thuật kiến trúc đương đại. Một số chùa khi sửa chữa hay xây dựng mới, đều thay đổi cấu trúc của các hạng mục công trình. Tuy nhiên, chánh điện kiểu tứ trụ vẫn được duy trì ở một số chùa. Cũng còn khá nhiều chùa kiến trúc theo kiểu phức hợp, không theo một nguyên tắc nào. Đặc biệt, một số chùa chú tâm đến giảng đường nhiều hơn chánh điện… Và chính những điều này đã tạo nên sự đa dạng phong phú của kiến trúc chùa Việt Nam Bộ.
 
Nghệ thuật điêu khắc và màu sắc
 
Là không gian thiêng liêng, là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, chùa Việt Nam Bộ còn là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc, phản chiếu tâm hồn tính cách người Nam Bộ: “Các công trình kiến trúc chùa Nam Bộ hầu hết được kiến tạo bởi chính công sức, tài chánh, tư duy và sự sáng tạo nghệ thuật của người bình dân Nam Bộ” (1). Có lẽ vì thế mà kiến trúc chùa Việt Nam Bộ đậm chất bình dân. Nhưng điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với nghệ thuật chạm khắc, hội họa, điêu khắc trong các chùa Nam Bộ đạt đến độ tinh xảo. Sự điêu luyện của bàn tay nghệ nhân được thể hiện qua nghệ thuật chạm lộng hai mặt của bao lam (là những thanh gỗ được chạm lộng hai mặt, dùng trang trí trên điện Phật hay bàn thờ). Các bao lam tại bàn thờ chánh điện, thể hiện chủ đề truyền thống: tứ linh, cửu long phún thủy, bát tiên... Bên hông chánh điện và hậu tổ là chủ đề thiên nhiên: trúc điểu, tùng lộc, sóc nho…Những kiểu dáng, nhiều đường nét được chạm khắc sắc sảo, tinh tế làm cho các bao lam mang nét đẹp cổ kính.

Hoành phi, câu đối… được chạm khắc trên cột, trên cổng tam quan, trên chánh điện. Thông thường, trên cổng tam quan sẽ khắc tên chùa, bằng chữ màu đỏ hoặc màu vàng. Mặt trước trụ cổng khắc câu đối. Các chữ đầu thường là tên chùa hoặc có nội dung thể hiện triết lý Nho giáo hay giáo lý nhà Phật. Hoành phi thường bằng gỗ hoặc bằng sơn mài. Bút pháp viết theo chiều ngang. Hoa văn nổi khắc chồng chữ Hán. Hoành phi được chạm khắc hoặc cẩn ốc tùy theo chất liệu. Hầu hết các bức hoành phi sơn đen, thiếp vàng trông rất trang trọng.
 
Tùy nội dung viết mà hoành phi sẽ được chọn treo ở vị trí nào. Thông thường, các bức hoành phi chạm khắc tên chùa hoặc có chữ Đại hùng bửu điện hay Pháp luân thường chuyển, sẽ treo ở chánh điện. Những bức hoành phi có chữ Tổ ấn trùng quang, Tông phong vĩnh chấn...thì treo ở nhà tổ (ở chùa Long Bửu, Đức Quang- Q4). Hoành phi bằng bê tông dạng cuốn thư cũng khá phổ biến ở một số chùa như: Quảng Hương, Già Lam (Q. Gò Vấp), Phổ Quang (Q.Tân Bình). Cũng có chùa, hoành phi được hiện đại hóa bằng vật liệu bê tông. Nghệ thuật chạm khắc trên bê tông cũng rất độc đáo.
 
Đặc biệt, trên các khung cửa, cửa võng và thanh kèo, nghệ thuật chạm khắc rất sắc sảo. Cửa gỗ thường là dạng cửa chấn song hay thượng song hạ bản. Cửa chấn song là kiểu cửa có các song gỗ tiết diện vuông, đặc rỗng xen kẽ. Còn kiểu cửa thượng song hạ bản thì có các con tiện bên trên, bên dưới là đố bản, chạm hoa văn, đường nét tinh xảo. Loại cửa này có chức năng vừa thông gió vừa thoát nhiệt thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Nam Bộ.
 
Ngày nay, do việc khai thác rừng bị nghiêm cấm, gỗ trở thành vật liệu quý hiếm. Vì vậy, các chùa có cửa gỗ không còn phổ biến. Cửa gỗ chấn song hay thượng song hạ bản dần được thay thế bằng kiểu cửa nhôm - kính hoặc sắt - kính theo kiến trúc hiện đại. Màu sắc của cửa thường là nâu, lam hoặc vàng đậm… tùy theo tông màu chung của mỗi chùa.
 
Nghệ thuật điêu khắc trang trí trong chùa, có tính mỹ thuật cao. Những bức phù điêu cảnh thiên nhiên hoặc khắc họa cuộc đời Đức Phật rất tinh tế và sống động. Phù điêu thường dùng để trang trí trên tường chánh điện, giảng đường hay trai đường. Trên bờ nóc hay bờ mái chùa được trang trí bằng một số hình tượng điêu khắc hay họa tiết truyền thống như: rồng, phượng, hoa sen, bánh xe chuyển pháp luân… Màu sắc thường là màu tự nhiên của vật liệu. Đôi chỗ sử dụng màu trắng hoặc lam trắng tạo nên sự nhẹ nhàng, thanh cao, thiền vị.
 
Mái chùa Nam Bộ, phổ biến lợp bằng ngói máng xối hay ngói vảy cá. Nền chùa lát bằng gạch tàu hoặc gạch bông xi măng bóng láng của vật liệu hiện đại. Màu sắc và hoa văn tùy theo sự lựa chọn của mỗi chùa, sao cho phù hợp với mức độ thẩm mỹ của từng chùa… Đây là kiểu thiết kế chùa phổ biến, trong quá trình tiếp biến văn hóa phương Tây.
 
Hình thức thờ phụng
 
Quá trình tiếp biến văn hóa là sự kết hợp giữa kế thừa và cách tân. Việc thờ phụng trong chùa cũng đáp ứng quy trình tiếp biến này. Hình thức thờ phụng của chùa Nam Bộ khá đa dạng. Mỗi chùa có một nghệ thuật bài trí khác nhau, tạo nên phong cách riêng. Đặc trưng chùa Việt Nam Bộ là thờ phụng Ðức Phật Thích Ca hoặc Phật A Di Đà trên Phật điện, đặt ở vị trí trung tâm. Qua khảo sát, nhận thấy, phần lớn chùa Nam Bộ phổ biến thờ tôn tượng Phật Thích Ca. Số ít chùa còn lại thờ tượng Di Đà Tam Tôn ở bậc phía dưới.
 
Hai bên Phật điện, một bên tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm có chức năng độ sanh. Một bên tôn tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát có chức năng độ tử. Ở phía trong hoặc phía ngoài hai bên cửa ra vào, tôn tượng Hộ Pháp, tượng trưng cho thiện hữu thiện báo và tôn tượng ngài Tiêu Diện, tượng trưng cho ác hữu ác báo. Ngoài ra, chùa Nam Bộ còn thờ tượng Phật Di Lặc, Chuẩn Đề, Vương Bồ Tát, Quan Âm lộ thiên… Do ảnh hưởng văn hóa cộng sinh và tín ngưỡng bản địa, nên một số chùa còn thờ thần và thờ mẫu. Miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trong khuôn viên chùa Giác Lâm là một minh chứng.

Mặc dù hình thức bố trí và tượng thờ ảnh hưởng từ phong cách miền Bắc và miền Trung nhưng chùa Việt Nam Bộ đã sáng tạo và cải biến để phù hợp với văn hóa vùng miền. Nghi cụ thờ cúng như: đỉnh hương, đài nến, lư nhang, bình hoa… làm bằng chất liệu sứ tráng men hay đồng thau, được bài trí theo nguyên tắc nhất quán, ít thay đổi.
 
Trong chùa Nam Bộ, quy thức thờ tổ ngay ở không gian thờ Phật, khá phổ biến. Bàn thờ tổ được đặt ở phía sau lưng điện Phật, nhưng ngăn cách bởi một bức tường chắn ngang. Trên bàn thờ tổ, vị trí ở giữa là tôn tượng hoặc di ảnh của tổ Bồ Đề Đạt Ma. Di ảnh các vị tu sĩ có công, hoặc từng sống tại chùa, được đặt ở bậc phía dưới hoặc hai bên. Ngoài ra, còn có bàn thờ hương linh nam - nữ, sắp đặt ở nơi thích hợp, tùy theo không gian mỗi chùa.
 
Từ nghệ thuật kiến trúc chùa Việt Nam Bộ, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu kiến trúc tịnh xá của hệ phái Khất Sĩ ở TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung. Với sự biến tấu và tích hợp từ nghệ thuật kiến trúc chùa Việt Nam Bộ, mẫu kiến trúc tịnh xá sẽ là một sản phẩm kiến trúc đặc sắc, khẳng định vị thế quan trọng trong lịch sử kiến trúc chùa chiền của Phật giáo Việt Nam.
 
Tựu chung, chúng tôi nhận thấy, chùa Việt Nam Bộ chính là sản phẩm văn hóa đặc trưng của người dân đất phương Nam. Cùng với sự truyền thừa và cách tân sáng tạo, chùa Việt Nam Bộ đã có một lịch sử hình thành phát triển để đạt đến độ hoàn thiện và khẳng định phong cách kiến trúc cũng như nghi lễ thờ phụng. Và vì những điều này, những ngôi chùa Việt Nam Bộ đã trở thành một thực thể văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
 
______________
 
1. Phạm Anh Dũng, Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2013, tr.79.
 
Thích Nữ Huệ Thành
Tạp chí VHNT số 407

Bạn đang đọc bài viết "Kiến trúc chùa Việt Nam Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.