Kiên Giang: Phát huy vai trò của đảng viên trong nêu gương, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm

25/10/2024 11:19

Theo dõi trên

Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đề cao sự cần thiết vai trò của việc nêu gương đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nêu gương được coi là một trong những cách thức quan trọng để cán bộ, đảng viên phát huy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân.

1-kien-giang-1729829836.jpeg

Bài 1: Tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người đặt lên hàng đầu công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, trước hết là về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trong đó có vai trò nêu gương. Bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đề cập về vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Để được nhân dân tin yêu, quý trọng và xứng đáng là người lãnh đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. 

Kế thừa tư tưởng của Người, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng và Đảng ta chỉ rõ: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị”.

Qua đó, chúng ta nhận thấy, nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước Nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình, phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ.

Tuy nhiên, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, trong những năm qua, ở một số địa phương trong tỉnh còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một bộ phận cán bộ, đảng viên không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, thiếu sáng tạo và không dám làm.

Theo ThS. Nguyễn Thị Hường, giảng viên Khoa xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, do bản thân cán bộ thiếu trình độ, năng lực trong thực thi nhiệm vụ; bản lĩnh chính trị không vững vàng; thiếu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ; sợ sai, sợ bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp. Đây là những biểu hiện suy thoái mà nhiều cán bộ, đảng viên không tự giác nhận diện, trong khi tổ chức quản lý cán bộ, đảng viên không nghiêm khắc chỉ ra.

Cán bộ, đảng viên không làm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau vì nhiều quy định chưa rõ ràng, cụ thể; chưa nêu rõ nội dung công việc phải làm; chưa chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm, việc phối hợp, cách thức tiến hành, quy trình, thủ tục thực hiện; thời gian thực hiện; trách nhiệm cụ thể; biện pháp bị xử lý đối với tập thể, cá nhân nếu không làm, làm không đúng, gây thiệt hại.

Nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay không gương mẫu trong việc dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung. Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm về hành vi thiếu trách nhiệm, không dám chưa nghiêm, chưa triệt để, vẫn còn nể nang. Một số cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm nhờ thân quen, chạy chức, chạy quyền, "ngồi không đúng chỗ", không thể thực thi công việc được giao.

ThS. Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, nhận định, một số tổ chức đảng, nhất là ở cấp cơ sở và không ít cán bộ, đảng viên năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu trong học tập tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Những hạn chế, khuyết điểm trên đã và đang bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng chống phá, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhất là bôi nhọ, xuyên tạc, thổi phồng khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo để hạ thấp uy tín, chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Một số cán bộ lãnh đạo xuất hiện tâm lý không dám ký, không dám làm vì sợ trách nhiệm. Cán bộ, đảng viên có tư tưởng “thà bị phê bình vì chậm trễ còn hơn bị kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự”; làm việc cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ.

Một số cán bộ lãnh đạo, đảng viên còn rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình; lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, với tâm lý chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”; ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.

ThS. Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thuận, cán bộ và công tác cán bộ của tỉnh còn một số hạn chế nhất định. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ chưa nhiều. Một bộ phận cán bộ chưa dám đột phá, không dám làm, làm việc cầm chừng, an phận, sợ trách nhiệm, trong khi huyện luôn cần một tinh thần quyết tâm lớn, một ý chí tự lực tự cường, một khát vọng vươn lên, xong pha vào những điểm nghẽn, nút thắt; trình độ, năng lực, uy tín chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

2-kien-giang-1729829899.jpg
Tỉnh ủy Kiên Giang giao ban công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng quý III và 09 tháng năm 2024 (Ảnh: Tỉnh ủy Kiên Giang)

Ông Trần Quốc Việt, Bí thư Huyện ủy Kiên Hải, chia sẻ, tại huyện Kiên Hải, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý vẫn còn những hạn chế, bất cập; cơ cấu giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa thực sự cân đối và hợp lý; còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) cấp huyện còn ít.

Một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ; thiếu tư duy, tầm nhìn, chưa chủ động để tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo những vấn đề chiến lược, dài hạn. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị giỏi, chuyên sâu trên một số lĩnh vực chuyên ngành, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Một số cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; chưa phát huy hết khả năng, hiệu quả làm việc chưa cao; chưa có nhiều cán bộ dám đột phá, có sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; còn trường hợp cán bộ vi phạm kỷ luật.

Ông Trần Ngọc Khải, Bí thư Đảng ủy xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, một số đảng viên không rõ trách nhiệm, quyền hạn của bản thân; việc phát huy vai trò, thể hiện trách nhiệm, uy tín của đảng viên trước quần chúng nhân dân còn hạn chế. Có những đảng viên và gia đình chưa tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước làm giảm uy tín đối với quần chúng nhân dân nên việc vận động các hộ nhân dân tác dụng không cao. Mặt khác, thực tế một bộ phận đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và thiếu tâm huyết với nhiệm vụ được giao.

Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, Tỉnh ủy Kiên Giang đánh giá, qua rà soát, sàng lọc 3.148 đảng viên đã đưa ra khỏi Đảng 880 đảng viên, trong đó, xóa tên 492, xin ra khỏi Đảng 388. Cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát 8.466 tổ chức đảng và 52.142 đảng viên, phát hiện, xử lý kỷ luật 06 tổ chức đảng, khiển trách 03, cảnh cáo 03 và 722 đảng viên vi phạm, khiển trách 536 đảng viên, cảnh cáo 152 đảng viên, cách chức 26 đảng viên, khai trừ 58 đảng viên.

Ngày 27/6/2024 và ngày 5/8/2024, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang đã họp Kỳ thứ 25 và 26. Tại hai kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị thi hành kỷ luật đảng đối với đồng chí Trần Văn Việt, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc vì đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Việt bằng hình thức “Khai trừ".

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang quyết định thi hành kỷ luật ông Chung Tấn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang với hình thức khiển trách, bởi trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Biên, ông Thịnh chịu trách nhiệm chung trong việc thực hiện các gói thầu mua sắm để xảy ra sai phạm; trong lãnh đạo, chỉ đạo mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch để xảy ra xung đột lợi ích, ký 6 hợp đồng mua bán hàng hóa do người có quan hệ gia đình làm người đại diện bên bán hàng.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang xem xét, xử lý kỷ luật đảng đối với đồng chí Nguyễn Minh Quân, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang. Với vai trò Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang, đồng chí chịu trách nhiệm trong quản lý và điều hành thu, chi tài chính sai quy định số tiền 3.769.400.069đ. UBKT Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Minh Quân bằng hình thức “Khiển trách”.

Năm 2023, Tỉnh ủy Kiên Giang đã thực hiện 6/6 cuộc kiểm tra, 2/2 cuộc giám sát theo kế hoạch năm 2023. Các cấp ủy kiểm tra, giám sát 1.280 tổ chức đảng và 12.518 đảng viên, tăng 58 tổ chức, giảm 1.447 đảng viên so cùng kỳ. Qua kiểm tra, giám sát đã xử kỷ luật 04 tổ chức và 224 đảng viên, tăng 02 tổ chức và 40 đảng viên so cùng kỳ, bằng các hình thức: Khiển trách 04 tổ chức đảng và 154 đảng viên; cảnh cáo 53 đảng viên; cách chức 10 đảng viên; khai trừ 07 đảng viên.

Tại hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024 khu vực địa bàn VIII tại Kiên Giang, ngày 17-10, ông Mai Văn Huỳnh - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết, 9 tháng qua, các tổ chức Đảng đã tiến hành kiểm tra, giám sát 1.256 tổ chức đảng, tăng 89 tổ chức với gần 1.500 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó đã phát hiện, xử lý 2 tổ chức Đảng và 177 đảng viên bị kỷ luật, giảm 4 tổ chức và 49 đảng viên so với cùng kỳ năm trước. 

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Phát huy vai trò của đảng viên trong nêu gương, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.