Hẹn gặp anh thật khó. Anh cứ như con thoi xuôi ngược trong và ngoài tỉnh để vận động các nhà mạnh thường quân, nhà hảo tâm chung sức chung lòng chia sẻ yêu thương giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, giúp đỡ các địa phương trong huyện làm đường, dựng cầu. Sau nhiều lần hẹn gặp bất thành cuối cùng anh cũng sắp xếp quãng thời gian ít ỏi của mình để gặp tôi tại nhà riêng ở ấp Sư Nam, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất.
Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông tầm thước, nước da ngăm đen, gương mặt chữ điền với đôi mắt cương nghị nhưng không quá khó gần, không như người ta bảo “ông Dốn khó tính lắm, gặp ông là phải cẩn thận, khéo léo, tế nhị chứ không thể xuề xòa, dễ dãi được đâu, không cẩn thận là ông “quạt” cho đấy”. Tôi đem lời “cảnh báo ấy” bên mình để “giữ kẽ” tránh không làm phật lòng, không tạo ấn tượng xấu trong buổi gặp gỡ đầu tiên.
Buổi gặp mặt diễn ra cởi mở, chân thành, thoải mái phá tan sự lo lắng ban đầu của tôi. Bắt đầu câu chuyện của mình, anh kể mình sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 1989, anh được gia đình chia cho 6,3 ha đất nông nghiệp để canh tác, sản xuất nhưng bị nhiễm phèn nặng. Đất thì xấu, trồng cây gì cũng què quặt ốm yếu nên năng suất chẳng được là bao, gia đình luôn phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau.
Cuộc sống gia đình khó khăn khiến anh phải suy nghĩ, tìm tòi hướng đi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo. Với diện tích đất hiện có anh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật cải tạo 6,3 ha đất nhiễm phèn nặng thành đất trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao. Sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, sau nhiều năm tích luỹ, gia đình anh đã có của ăn của để. Kinh tế gia đình khá giả, anh mạnh dạn mua thêm 3 ha đất và chuyển sang sản xuất đa canh theo mô hình vườn, ao, chuồng và ruộng.
Với diện tích đất hiện có, anh dành 8,2 ha trồng lúa chất lượng cao 4.900, lúa thơm 2 vụ/năm, áp dụng chương trình 1 phải, 5 giảm, IPE, kiểm soát dịch hại trên lúa nên mỗi vụ cho năng suất từ 6,5 đến 7 tấn/ha. Diện tích 1,1 ha đất còn lại anh đào ao, lên liếp trồng cây ăn trái theo phương châm lấy ngắn nuôi dài với ổi, mít, mận, đu đủ xen canh mùa nào thứ ấy trĩu quả. Trong vườn anh đổ đan rộng 2,5m dọc khu vườn để tiện lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch quả. Ở cuối vườn, ngay sát bờ ao anh dựng một lầu vọng lâu để nghỉ ngơi tĩnh trí sau mỗi buổi làm việc vất vả. Mô hình VAC - R hiệu quả đã đem đến cho gia đình anh lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
Đi nhiều nơi, chứng kiến những mái nhà xiêu vẹo, dột nát, người già neo đơn không nơi nương tựa, người nghèo bệnh tật không tiền thuốc thang, học sinh nghèo không được đến trường,... anh thương cảm, đau xót lắm. Ở họ, mỗi người mỗi cảnh đã gieo vào tâm trí anh lòng trắc ẩn khiến anh luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để có thể giúp đỡ họ nhiều nhất, giảm bớt phần nào khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Năm 1989, để có thể giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh được thuận lợi, chính danh ngôn thuận, anh đã tham gia Hội chữ thập đỏ thị trấn Hòn Đất. Sau đó, anh thôi làm ở Hội chữ thập đỏ thị trấn Hòn Đất và tham gia Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo huyện Hòn Đất vào năm 2008 với cương vị Chi hội trưởng. Ở cương vị mới, anh luôn xông xáo, xốc vác công việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, đưa phong trào hoạt động từ thiện của Hội hoạt động hiệu quả, thiết thực giúp người nghèo cải thiện hoàn cảnh của mình vươn lên ổn định cuộc sống. Tại đây, anh cùng mọi người vận động các nhà hảo tâm ở địa phương giúp đỡ hàng (áo quan) cho người quá cố; gạo, tiền,... cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của anh và mọi người trong chi Hội không vì mục đích vụ lợi cá nhân nên những gói hàng tài trợ của các nhà hảo tâm luôn đến đúng địa chỉ của người nghèo đã tạo uy tín đối với các nhà tài trợ, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Mọi người tin tưởng anh, luôn đồng hành sát cánh cùng anh trong công tác nhân đạo góp phần vơi đi nỗi đau, sự vất vả của những người nghèo.
Con đường đất đỏ đến nhà anh Nguyễn Hoàng Đông, ngụ tại xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất thỉnh thoảng lại bị gồ lên bởi những mô đất đắp cao để làm ống cống tưới tiêu nước cho đồng ruộng khiến tay lái chiếc xe máy cà tàng của anh em tôi loạng choạng suýt té mấy lần nhưng rợp mát bóng tràm. Những bông tràm tinh khôi màu trắng đung đưa trong gió ướp không khí đầy ăm ắp hương thơm dịu ngọt. Hít một hơi thật sâu cái hương thơm dịu ngọt ấy ta cảm thấy người mình sảng khoái, thư thái lạ thường. Cái mùi hương tinh khôi thổi bay cái nóng nực oi ả của buổi trưa hè với những khó bụi khiến con người luôn cảm thấy ngột ngạt, bức bối. Hai bên bờ kênh, những bông lúa oằn bông vàng ươm chín rộ báo hiệu một mùa bội thu. Xa xa, những chiếc nón trắng nhấp nhô thăm đồng xem lúa nhà mình đến bao giờ thì gặt. Những cánh cò trắng dập dờn, nô dỡn đuổi nhau trên sóng lúa.
Phải mất 30 phút chúng tôi mới tới gia đình anh Đông. Đón ngay từ ngõ, anh Đông ôm chầm lấy người ân nhân của mình với cái bắt tay nắm chặt. Chia sẻ về ân nhân của mình với tấm lòng xúc động và biết ơn sâu sắc, anh Đông cho biết “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, không có mảnh đất cắm dùi, thường phải đi làm thuê, làm mướn quần quật tối ngày mà vẫn không đủ ăn. Thương cảm trước cảnh nghèo khó của gia đình, anh Dốn đã mướn cho gia đình 12 công đất để sản xuất với giá 12 triệu đồng/năm và cung cấp giống lúa để giúp gia đình tôi canh tác nhờ vậy mà gia đình thoát nghèo”. Anh Dốn bảo, mình không cung cấp cho họ con cá, bởi nếu cho họ con cá họ ăn xong là hết, nghèo vẫn hoàn nghèo. Bởi vậy, mình tạo điều kiện giúp đỡ họ bằng cách cho họ cái cần câu để họ tự kiếm lấy cái ăn. Ruộng đất mình mướn cho, đến mùa thu hoạch họ phải trả lại số tiền mướn đất lại cho mình, số tiền lời trong sản xuất lúa họ được hưởng. Chỉ cơ ngơi của mình, anh Đông bảo, có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ chí tình của anh Dốn, nếu không gia đình anh mãi mãi không bao giờ ngẩng mặt lên với đời. Sau nhiều năm tích lũy gia đình anh đã mua được nhà, sắm sửa phương tiện nghe nhìn, có xe gắn máy, mua được đất sản xuất, con cái được học hành đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình vươn lên khá giả.
Đâu chỉ giúp đỡ người nghèo có “cần câu cơm” để vươn lên thoát nghèo, anh còn giúp những “mầm măng” tương lai của đất nước không bị “đứt gánh giữa đường” trên con đường đi tìm “tri thức” hướng tới “tương lai”. Nhận thấy những mầm măng tương lai của đất nước có gia cảnh nghèo khó có thể phải nghỉ học bất cứ lúc nào, tương lai của các em sẽ ra sao khi rời xa mái trường, khi không được bồi bổ, vun đắp hoàn thiện nhân cách. Nếu các em phải nghỉ học, vào đời lao động sớm, tương lai của các em sẽ ra sao khi những cạm bẫy của cuộc sống luôn rình rập lôi cuốn các em sớm sa vào con đường sa ngã, phạm pháp. Lúc ấy các em sẽ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Cuộc đời và tương lai của các em sẽ ra sao? Với những suy nghĩ sâu xa, trăn trở, thấm đẫm tình người vì lo lắng cho tương lai của các em, anh đã quyết định nhận đỡ đầu cho 150 em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 300 triệu đồng/năm, 22 sinh viên nghèo mỗi em nhận hỗ trợ 1.200.000đ/năm để các em có điều kiện được ngồi trên ghế nhà trường thắp lên ước mơ, khát vọng thắp sáng tương lai.
Để có tiền hỗ trợ các em, anh đã mướn đất để trồng lúa nhằm lấy kinh phí hỗ trợ. Anh mướn 7 ha đất của cô Trần Hồng Yến, Việt kiều Đức để trồng giống lúa cho lợi nhuận từ 90 đến 150 triệu đồng. Năm 2012, cô Yến bán đất, anh mướn 12 ha đất của người khác để trồng lúa nên nguồn học bổng luôn ổn định. “Làm nhân đạo phải có cái TÂM, nếu không có tâm sáng thì không thể làm công tác nhân đạo được, hạnh phúc là cho đâu chỉ nhận riêng mình, sau mỗi chuyên đi, giúp được người nghèo cải thiện cuộc sống tôi thấy lòng mình thanh thản, bình yên và hạnh phúc. Tôi nguyện với lòng sẽ gắn bó với công tác nhân đạo đến suốt đời bởi hoạt động nhân đạo đã gắn bó máu thịt, là hơi thở trong cuộc sống của tôi” anh Nguyễn Văn Văn Dốn chia sẻ.
Bên cạnh đó, chứng kiến thấy bệnh nhân nghèo tại Trung tâm y tế huyện Hòn Đất không có cơm ăn, nước uống, anh và ông Bảy Luông thương lắm, suy nghĩ cần phải giúp đỡ họ có bữa ăn đàng hoàng để ăn uống đủ chất dinh dưỡng nâng cao thể chất, hỗ trợ công tác điều trị bệnh. Để đạt được điều này cần phải xây dựng một bếp ăn tình thương gần bệnh viện để bệnh nhân tiện qua lại dùng cơm, lấy nước uống. Anh và ông Bảy Luông vận động các mạnh thường quân đóng góp xây dựng bếp ăn tình thương. Thấy đây là việc làm hết sức ý nghĩ vì cộng đồng, vì người nghèo nên đông đảo mạnh thường quân nhiệt tình hưởng ứng. Sau một thời gian vận động, tháng 6 năm 2010 Bếp ăn tình thương Bệnh viện huyện Hòn Đất được ra đời trên diện tích khoảng 150m2 gồm 5 phòng với kinh phí đầu tư 240 triệu đồng trong niềm vui khôn tả của đông đảo bệnh nhân nghèo.
Bếp ăn đi vào hoạt động đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo tiết kiệm chi phí chi tiêu để dành tiền mua thuốc thang điều trị bệnh tật. Tại đây, bệnh nhân được phục vụ ngày 3 bữa: Sáng cháo lá dứa, trưa và chiều phục vụ cơm chay gồm các món canh, kho, xào luôn thay đổi đảm bảo chất dinh dưỡng. Bình quân một ngày bếp ăn phục vụ từ 300 đến 400 suất cơm miễn phí, mỗi tháng chi phí nấu nướng từ 60 triệu đồng đến 75 triệu đồng, tuỳ theo lượng bệnh nhân nhiều hay ít, tổng kinh phí từ 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng/năm. Bà Nguyễn Thị Lụa, tình nguyện viên bếp ăn tình thương Trung tâm Y tế huyện Hòn Đất, tâm sự, tôi thấy bếp ăn tình thương giúp ích cho những bệnh nhân nghèo nên đã sát cánh cùng với bếp ăn tình thương vận động người dân ủng hộ rau, củ, quả và ngày công để duy trì bếp ăn hàng ngày. Còn bà Thị Đẹp, ngụ tại xã Thổ Sơn, cho biết, gia đình tôi nghèo khó phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Mấy bữa nay tôi bị bệnh phải nằm viện, nhà thì ở xa, con cái không có điều kiện đưa cơm nước nuôi bệnh nên tôi qua bếp ăn tình thương ăn cơm. Cơm canh ở bếp ăn tình thương nấu rất ngon, tôi và các bệnh nhân rất biết ơn anh Dốn đã giúp đỡ bệnh nhân chúng tôi vơi bớt gánh nặng chi phí điều trị bệnh tật để yên tâm điều trị bệnh. Mười lăm năm qua, bếp ăn chưa bao giờ ngừng đỏ lửa để trao hàng trăm phần cơm, suất cháo, nước sôi nghĩa tình cho người bệnh, thân nhân người bệnh vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Trong quá trình điều trị bệnh, nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền chuyển viện lên tuyến trên anh Dốn đều biếu họ từ 400 ngàn đến 500 ngàn đồng ca chuyển viện, người bị tai nạn không có thân nhân bên cạnh, người bệnh không có tiền mua thuốc điều trị bệnh cũng được anh nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ mà không hề so đo tính toán thiệt hơn.
Nhận thấy nhiều nơi trên địa bàn huyện Hòn Đất và các huyện trong tỉnh, đường giao thông nông thôn được mở rộng thêm nhưng cầu nông thôn lại nhỏ hẹp, không đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong việc vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, anh Dốn đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu bê tông cho các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Hòn Đất để việc đi lại của người dân, đi học của học sinh được thuận lợi góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của nhiều địa phương trong tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Bình quân, mỗi năm anh vận động xây từ 6 đến 7 cây cầu bê tông nông thông. Trong 20 năm qua, từ năm 2003 đến năm 2023, dưới sự lãnh đạo của anh, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo huyện Hòn Đất đã vận động xây hơn 100 cây cầu bê tông, riêng anh vận động xây được gần 200 cây cầu bê tông. Cầu bê tông tuỳ theo vị trí mà có chiều dài, trọng tải, số tiền khác nhau, nhưng thường thì có chiều dài 35m, ngang 3,5m, trọng tải 5 tấn do anh tự thiết kế bản vẽ, chỉ đạo xây cầu để tiết kiệm chi phí đầu tư, ngày công xây dựng do người dân địa phương đóng góp, mỗi cây cầu xi măng có trị giá 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Cầu Kênh 6 ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất được đầu tư xây dựng ông Hồ Văn Quang rất vui vì cây cầu mới đã thay thế cây cầu cũ xệp xệ gây nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua cầu, nhất là vào mùa mưa bão. Khi xây cầu được xây dựng, bà con phụ giúp ngày công để xây dựng cầu nông thôn vừa tiết kiệm chi phí, vừa giám sát được chất lượng cây cầu, vừa đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cây cầu, giúp người dân đi lại thuận tiện. Cũng 20 năm qua, anh đã vận động cất hơn 100 cây cầu sắt bắc ngang kênh rạch các khu dân cư, trị giá mỗi cây cầu trên 30 triệu đồng.
Thương cảm những người nghèo khi rời xa cõi tạm không có áo quan, anh đã vận động thành lập 2 cơ sở áo quan từ thiện tại thị trấn Hòn Đất và xã Sơn Kiên, mỗi năm cung cấp từ 150 đến 200 cái áo quan cho những gia đình nghèo, khó khăn có người thân qua đời với kinh phí gần 2 tỷ đồng/năm. Trước đây, anh cũng đã nhận giúp đỡ 51 cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 10 kg gạo/cụ, hiện trong số đó chỉ còn 29 cụ già neo đơn với tổng số gạo gần 300kg/tháng. Ngoài ra, anh còn giúp người nghèo bộ khung gỗ dựng nhà; cho vay vốn sản xuất không tính lãi; phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng xe lăn, khám chữa bệnh, mổ tim, mổ mắt miễn phí, chuyển viện miễn phí cho người nghèo, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Đặc biệt trong thời kỳ dịch Covid -19 hoành hành trong tỉnh và cả nước, anh đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm để cung cấp cho các khu cách li trong tỉnh mặc dù anh hiểu rằng tính mạng của mình cũng sẽ gặp nguy hiểm nếu không cẩn thận cũng sẽ bị lây nhiễm. Nhưng với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “máu chảy ruột mềm”, anh vẫn nỗ lực hết mình vì mọi người mà không quản ngại khó khăn vất vả. Dịp ấy, anh đã điện cho tôi, nhờ nhà báo tư vấn để đi qua các chốt để đưa nhu yếu phẩm đến các khu cách ly. Tôi cũng đã tư vấn một vài giải pháp để anh tham khảo xem có thể áp dụng được không. Rồi anh vui mừng thông báo đã thực hiện được rồi, mọi việc đều thuận lợi. Công việc chuyển nhu yếu phẩm của các mạnh thường quân đến với người dân vùng bị cách li đều suôn sẻ cả. Thiệt mừng hết lớn! Trong đợt dịch Covid -19, anh đã vận động nấu ăn cung cấp 136.215 suất ăn cho bệnh nhân khu cách ly Covid-19 tại thành phố Rạch Giá, 100 tấn rau củ quả,115 thùng sữa hộp, 100 máy đo nồng độ ô xy, 400 bộ đồ bảo hộ y tế, 1.000 hộp thuốc cảm sốt, 1.000 chai thuốc C dạng sủi, 10 thùng thuốc khử trùng và găng tay y tế, 341 cái áo quan cho người nghèo, người neo đơn qua đời,…
Từ năm 2008 đến nay, anh cùng các thành viên trong chi hội đã vận động trên 30 tỷ đồng, trong đó, vận động hỗ trợ quà tết “Vì người nghèo” trên 10.000 suất quà; chi phí mổ mắt trên 300 bệnh nhân; mổ tim 2 bệnh nhân. Từ năm 2003 đến năm 2023, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo huyện Hòn Đất đã vận động các nhà hoả tâm, mạnh thường quân cất 247 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho người nghèo, trong đó, riêng anh vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm cất 180 căn nhà. Trong 6 tháng đầu năm 2024, anh đã vận động cất được 20 căn nhà cho người nghèo, sắp tới đây sẽ cất tiếp 20 căn ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang,…
Ông Trương Thắng Trận, Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang, cho biết, Nguyễn Văn Dốn là thành viên tích cực của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang đã có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội tại địa phương, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, được lãnh đạo Hội đánh giá rất cao trong việc nâng cao đời sống vật chất của người nghèo, cải thiện giao thông nông thôn, góp phần không nhỏ vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương trong tỉnh Kiên Giang.
Người đảng viên 19 năm tuổi đảng, 35 năm làm công tác nhân đạo Nguyễn Văn Dốn hiểu và cảm thông những gia cảnh bất hạnh, luôn suy nghĩ, trăn trở tìm cách giúp đỡ họ vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. Từ những việc làm “nhỏ” nhưng mang “ý nghĩa lớn” của anh đã tạo điều kiện giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo và anh được mệnh danh là “bà đỡ” của những mảnh đời bất hạnh, người nghèo huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Tâm sự với tôi, anh bảo “Làm nhân đạo là hơi thở của tôi”. Đúng vậy, phải là người có tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội mới có thể theo đuổi công việc “Người vác tù và hàng tổng”, “Lo việc người khác hơn lo việc nhà” 35 năm. Anh bảo, việc làm của tôi chẳng thấm tháp gì so với những việc làm của người khác. Tôi chỉ là hạt cát trên sa mạc của những người có tấm lòng từ tâm thơm thảo, nhưng với tôi, việc làm của anh không phải là nhỏ, bởi những việc làm thầm lặng của anh đã giúp đỡ nhiều người thay đổi cuộc sống của mình. Việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn ấy có ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục mọi người. Giáo dục con người ta cần mở rộng lòng yêu thương đến với mọi người, sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội... để xây dựng một xã hội chân - thiện - mĩ.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Sau mỗi chuyến đi thấy những gia đình được giúp đỡ rạng rỡ nụ cười hạnh phúc thì đó là hạnh phúc của mình, hạnh phúc nhân đôi. Anh bảo, từ những câu chuyện “Bát cháo chia ba”, “Phải quan tâm đến mọi người hơn”, “Sinh hoạt ngày thường của Bác Hồ”,... nói về tình yêu thương của Bác Hồ kính yêu với cán bộ chiến sĩ, với mọi người, anh đã noi gương, học tập theo gương Người để hoàn thiện bản thân mình, khắc phục những nhược điểm, phát huy ưu điểm nhằm đóng góp nhiều hơn nữa trong các hoạt động nhân đạo mà mình đã lựa chọn, bởi xung quanh mình còn nhiều cảnh đời bất hạnh rất cần được giúp đỡ.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của anh trong công tác nhân đạo, an sinh xã hội, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen vì có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015-2020 và có thành tích trong công tác từ thiện xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vào năm 2019, TW Hội Chữ thập đỏ tặng 2 bằng khen, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 1 bằng khen, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng 47 bằng khen và nhiều giấy khen, kỷ niệm chương, huy chương.
Chiều muộn. Ngoài trời mưa xối xả trắng trời huyện Hòn Đất. Chia tay tôi, anh vội khoác áo mưa đến xã Lình Huỳnh để khảo sát địa điểm xây cầu bê tông nông thôn. Ở anh, tôi nhận thấy anh làm nhân đạo không chỉ có chữ Tâm và còn có chữ Tín. Hai điều căn bản ấy đã hội tụ trong con người anh, tạo dấu ấn riêng trong lòng những mạnh thường quân và người nghèo, bởi anh là chiếc cầu nối cho họ gặp nhau, cảm thông giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn khi mà xã hội ngày càng có sự phân hóa giàu nghèo trở nên gay gắt, khi mà sự vô cảm của con người với con người vẫn còn xảy ra ở đâu đó trong xã hội thì việc làm của anh chính là niềm tin, là ngọn lửa sưởi ấm những cảnh đời cơ cực để họ thấy rằng trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có tấm lòng nhân ái.
Phía trước vẫn còn nhiều cảnh đời bất hạnh cần lắm những tấm lòng nhân ái như anh giúp đỡ. Anh như con ong cần mẫn bù đắp phần nào những thiếu hụt cho những cảnh đời cơ nhỡ, xứng đáng với tên gọi thân yêu mà mọi người đã dành tặng cho mình “Bà đỡ của người nghèo”.