Kiên Giang: Lan toả phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

23/04/2024 20:49

Theo dõi trên

Năm 2023, Kiên Giang có 77.906 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp Trung ương 232 hộ, cấp tỉnh 3.049 hộ, cấp huyện 10.996 hộ và cấp cơ sở 63.629 hộ. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ 2.127 hộ hội viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

hinh-1-1713879900.jpg
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (thứ 2, từ trái qua phải) Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kiên Giang cùng các đại biểu tham quan mô hình sản xuất của hội viên

Giúp nhau làm giàu

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thực sự lan toả, hiệu quả, đi vào chiều sâu, các cấp Hội nông dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hội thảo, tập huấn, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng chọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hàng hóa từ nông sản; mở các lớp nghề nông nghiệp, xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu... cho hội viên, nông dân trong tỉnh. Từ đó, nhận thức của nông dân trong sản xuất, kinh doanh có sự thay đổi rõ rệt.

Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa, canh tác cánh đồng lớn, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cuối năm 2023, hội viên nông dân tham gia canh tác trong 1.334 cánh đồng lớn (tăng 641 cánh đồng so cùng kỳ), tổng diện tích 167.255,69 ha (tăng 57.893,69 ha so cùng kỳ), trong đó có 1.026 cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, diện tích 46.257,58ha. Sản lượng lúa cả năm đạt 4,55 triệu tấn. Mặt khác, hội viên nông dân cũng đã nâng cao nhận thức và tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản Sản phẩm OCOP, cuối năm 2023 toàn tỉnh có 220 sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Kiên Giang. Năm 2023, Hội Nông dân huyện An Minh chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn phát động mỗi hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tự nguyện giúp đỡ 1 đến 2 hộ khó khăn để họ vươn lên thoát nghèo về vốn, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất, công lao động,…Kết quả, huyện An Minh có 9.916 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, cấp cơ sở 8.394 hộ, cấp huyện 1.201 hộ, cấp tỉnh 274 hộ, cấp Trung ương 47 hộ. Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, điển hình như: Mô hình kinh doanh thu mua nông sản xuất khẩu của anh Nguyễn Văn Chiến ở xã Thuận Hoà; mô hình nuôi sò giống và sò huyết thương phẩm của anh Nguyễn Hoàng Lương ở xã Tân Thạnh; mô hình kết hợp tôm - cua - lúa của anh Nguyễn Văn Mừng ở xã Đông Hoà,… có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Vụ lúa Đông xuân 2023-2024, huyện Giang Thành đã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa của 39 cánh đồng với diện tích 8.031ha của các giống lúa ĐS1, giá giao động từ 7.500 – 8.800đ/kg, tăng bình quân 300đ/kg so với cùng kỳ, Đài thơm 8, OM 18, giá giao động từ 7.800 – 9.800đ/kg, tăng bình quân 1.000-1.500đ/kg so với cùng kỳ, phần diện tích còn lại được tiêu thụ bởi các thương lái. Người dân giảm chi phí so các hộ đối chứng từ 1,8 – 4 triệu đồng/ha, năng suất cao hơn từ 0,1-0,3 tấn/ha, giá bán cao hơn từ 100-200đ/kg, lợi nhuận cao hơn bình quân 2,4 -4 triệu đồng/ha.

Với 26 ha lúa, ông Trần Văn Vững, ngụ ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, đã mạnh dạn cải tạo mặt bằng đồng ruộng, tháo chua, rửa phèn, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thay đổi giống lúa có chất lượng cao, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 8 tấn/ha, doanh thu từ sản xuất lúa và các dịch vụ khác đạt trên 5 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho 16 lao động với mức thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Tứ, xã Thạnh Lộc, Huyện Giồng Riềng, chia sẻ, với 6000 m2 trồng lúa, trồng màu, tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến như: Sạ lúa bằng máy để giảm chi phí giống lúa, áp dụng 3 giảm, 3 tăng, 4 đúng,…Với 6.000 m2 của 3 vụ lúa gia đình tôi có thu nhập 50 triệu đồng. Qua nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư nuôi ếch thương phẩm, nuôi ếch bố mẹ sinh sản, một năm 4 lần thu hoạch. Mô hình nuôi ếch thịt, ếch giống, lúa cho tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình tôi còn giúp đỡ 5 đến 7 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn kỹ thuật nuôi ếch giúp họ có nguồn thu nhập ổn định.

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần khơi dậy khối đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong mỗi hội viên, nông dân làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững cả về bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là động lực khích lệ hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và xây dựng nông thôn mới.

hinh-4-1713880087.jpg
Người dân mạnh dạn canh tác theo hướng mới với Cánh đồng lớn

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Đồng chí Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, phát huy thành tích đã đạt được trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, năm 2024, các cấp hội nông dân của tỉnh vận động hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn gắn với xây dựng, phát triển mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu,...

Các cấp Hội tập trung tư vấn, hướng dẫn nông dân đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong mô hình kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên, những người tham gia kinh tế tập thể, hộ nông dân.

Các cấp hội phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và nhà khoa học hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, thông tin thị trường, giá cả hàng hóa, vật tư nông nghiệp, quảng bá sản phẩm... cho hội viên, nông dân; vận động nông dân và doanh nghiệp ký kết các hợp đồng hỗ trợ sản xuất gắn với bao tiêu đầu ra sản phẩm nông sản, hàng hóa, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm và giao dịch thương mại điện tử; phối hợp với các nhà khoa học chuyển giao tựu khoa học, kỹ thuật mới, công nghệ sinh học công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản cho nông dân. Xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ theo chuỗi giá trị, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng Viet GAP, Global GAP nhằm thu hút hội viên nông dân tham gia.

Cùng với đó tư vấn, đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và cung ứng lao động có chất lượng ra thị trường trong và ngoài nước. Chú trọng liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp; xây dựng mô hình sản xuất, dịch vụ, du lịch, thương mại nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động phát huy tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình mới trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp; nâng cao nhận thức của nông dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò và hiệu quả tích cực của phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm cơ sở và động lực, tạo sức lan tỏa cho các cá nhân học tập góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững.

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Lan toả phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.