Kiên Giang: Chú trọng phát triển kinh tế tập thể, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên nông dân

09/04/2024 20:37

Theo dõi trên

Việc phát triển, nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể của Hội Nông dân các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên nông dân, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

2-kien-giang-1712669266.jpg
Phát triển Kinh tế tập thể góp phần xây dựng nông thôn mới

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết, phát triển Kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội.

Hiểu được tầm quan trọng của việc phát KTTT, HTX trong phát triển kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX. Đến nay, Hội Nông dân 03 cấp đã phối  hợp với các ngành chức năng thành lập được 543 HTX (Hội trực tiếp thành lập 198 HTX) với tổng vốn điều lệ 426,1 tỷ đồng và 2.220 THT (Hội trực tiếp thành lập 781 THT) vốn góp 17,9 tỷ đồng và 64.720 ha canh tác; lợi nhuận bình quân 350 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập 51,5 triệu đồng/năm/thành viên.

Quỹ Hỗ trợ nông các cấp đã hỗ trợ vay vốn để đầu tư mô hình nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể cho 39 HTX và 96 THT ở các huyện, thành phố trên 31 tỷ đồng; vốn ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội cho 1.021 tổ/47.751 hộ vay vốn với tổng số tiền 1.422 tỷ đồng.

Hội cũng đã phối hợp với các ban, ngành xây dựng 14 nhãn hiệu tập thể cho các HTX và THT như: Khóm Vĩnh Phước A, Hồ Tiêu Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Tôm càng xanh Gò Quao (Gò Quao); sò huyết An Minh- An Biên, Cua biển An Minh (An Minh); Khóm Tắc Cậu (Châu Thành); “Ghẹ Hàm Ninh” (Phú Quốc); “Khoai lang Mỹ Đức”, “Cá bóp Tiên Hải” (Hà Tiên); Cua biển Vĩnh Thuận, Dưa Hoàng Kim, Khóm Ba Đình, Tôm khô, Dưa lê (Vĩnh Thuận).

Hiện nay, một số HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số, tìm kiếm doanh nghiệp, mở rộng thị trường trong nước nhằm tiêu thụ nông sản cho thành viên như HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 (huyện U Minh Thượng). Một số THT tiêu biểu được thành lập từ chi Hội nông dân nghề nghiệp, như Chi hội “Nuôi lươn không bùn” (xã Hòa An, huyện Giồng Riềng) nâng lên thành THT “Nuôi lươn không bùn”, được huyện chọn làm điểm nhân rộng mô hình, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Hưng Farm và được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn cho THT đầu tư 95 triệu đồng, Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay vốn 350 triệu đồng.

Cùng với đó, Hội đã phối hợp các ban, ngành liên quan chuyển giao mô hình sản xuất mới, phù hợp với tình hình phát triển ở địa phương trên 60 mô hình, như: Mô hình nuôi vịt Grimaud; mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng; mô hình nuôi tôm sú kết hợp với nuôi cua; mô hình nuôi cá trê vàng xen canh trên ruộng lúa; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh 2 giai đoạn; mô hình nuôi cá bè vẫu cho HTX nuôi trồng thủy sản ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu,… tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.

4-kien-giang-1712669790.jpg
Bà Tô Diễm Thúy, hội viên nông dân xã Hòn Tre chăm sóc bè cá nuôi của gia đình

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng sâu rộng trong nông dân, trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh cần đẩy mạnh phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp lên mô hình HTX kiểu mới.

Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và nguồn nhân lực của THT, HTX nông nghiệp, trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc trở thành giám đốc HTX nông nghiệp.

Hội khuyến khích hội viên nông dân thành lập các loại hình hoạt động phù hợp để trao đổi việc sản xuất, kinh doanh, liên kết trong sản xuất, giao thương, như:  Hội quán nông dân, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú, Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi,…

Hội tư vấn, vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thành lập THT, HTX nông nghiệp, định hướng phát triển từng giai đoạn, từng năm về quy mô sản xuất, ngành nghề hoạt động, mở rộng đối tượng tham gia; liên kết với doanh nghiệp quy trình mở, từng bước đi đến khép kín.

Hội hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển giao khoa học, công nghệ cho hội viên nông dân là thành viên THT, HTX nông nghiệp. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hỗ trợ vốn tín dụng đối với THT và HTX nông nghiệp có các dự án khả thi, đạt hiệu quả cao để nhân rộng mô hình.

Phát triển và nhân rộng các mô hình THT, HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành mạng lưới THT, HTX nông nghiệp điển hình do Hội Nông dân hỗ trợ.

Nguyễn Quí (Hội nông dân tỉnh Kiên Giang)
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Chú trọng phát triển kinh tế tập thể, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên nông dân" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.