Khúc tráng ca thành cổ: Những huyền thoại viết nên bằng máu

17/03/2021 22:31

Theo dõi trên

Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ tại Quảng Trị bắt đầu được tái hiện qua lời kể của Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Sùng Lãm, của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, của Đại tá Nguyễn Việt…



Thành cổ Quảng Trị bị phá hủy bởi bom mìn năm 1972. Ảnh: Internet

Có bạn trẻ nói với tôi rằng, cuốn sách này cảm động quá, đọc xong em thấy mình phải sống nhân hậu hơn. Còn tôi, sau khi đọc xong, tôi cảm thấy trân trọng hơn cuộc sống của mình, trân trọng hơn những phút giây mình được sống yên ả cạnh những người thân yêu, trân trọng hơn những lúc được làm việc, được vui chơi, hay chỉ là được hưởng một làn gió mát thanh bình từ phía dòng sông Hồng thổi lại…

Tôi tin có nhiều độc giả sẽ có chung tâm trạng ấy khi đọc cuốn “Khúc tráng ca Thành Cổ”.

Một buổi sáng bình yên bên quán cà phê cạnh chân Cột Cờ Hà Nội, một người đàn ông ngồi lặng lẽ. Từng giọt cà - phê nhỏ xuống đáy của cái cốc thủy tinh trong veo. Từng giọt, từng giọt... Chợt, những ngón tay anh, những ngón tay chưa từng run trước bom đạn khốc liệt của kẻ thù, bỗng run run khi nghe tiếng nhạc vừa cất lên, thoáng nghe đã biết đó là bản tình khúc “Besame Mucho”. Bản nhạc anh đã từng nghe trong đêm đầu tiên bên chiến hào Thành Cổ, từ trong căn hầm của những người lính đang chốt giữ bảo vệ Thị xã - Thành Cổ Quảng Trị vào mùa hè khốc liệt của năm 1972. Những kí ức bỗng dội vào trong anh, kí ức về đồng đội, bao năm rồi vẫn như vừa mới hôm qua…

Không chỉ riêng anh, mà với tất cả những đồng đội của anh còn sống trở về đều có chung một nỗi niềm như thế. Cái khắc khoải đau đáu ấy của các anh đã khởi nguồn cho một ý tưởng: Viết lại những câu chuyện về cuộc chiến đấu huyền thoại vì độc lập dân tộc, về những người đồng chí, đồng đội của mình.

Khúc tráng ca Thành Cổ ra đời như vậy.

Không viết theo một mạch liền, mỗi bài viết, mỗi bức ảnh, mỗi bài thơ, mỗi bản nhạc là một câu chuyện của những nhân chứng sống về cuộc chiến khốc liệt mà các anh và đồng đội mình đã trải qua. Không tô vẽ cầu kì, không được thể hiện bằng những kĩ thuật viết điêu luyện nhưng thành công của cuốn sách lại chính từ những điều thô mộc ấy. Dù theo như lời Ban biên soạn giới thiệu, cuốn sách mới chỉ nói lên được một phần rất nhỏ so với thực tế cuộc chiến khốc liệt tại Quảng Trị, nhưng với độc giả, cuốn sách đã mang đến cho họ một cái nhìn đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về cuộc chiến bi hùng này.
 
Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ tại Quảng Trị bắt đầu được tái hiện qua lời kể của Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Sùng Lãm, của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, của Đại tá Nguyễn Việt… những vị chỉ huy dũng mãnh tại cuộc chiến bảo vệ Thị xã - Thành Cổ Quảng Trị với trọng trách chiến đấu cho nhiệm vụ chính trị và yêu cầu trực tiếp của cuộc đấu tranh ngoại giao đang rất cam go trên bàn Hội nghị Pa-ri. Tình hình chiến trận cũng cực kỳ cam go, kẻ thù có thế mạnh hơn hẳn về không quân, bom đạn và phi pháo; quân ta phải đối diện với kẻ thù từ ba mặt, sau lưng là dòng sông Thạch Hãn cách trở khó khăn với tuyến sau, trên không hoàn toàn bị kẻ thù khống chế. Những câu chuyện và tư liệu thông tin của cuốn sách có tính chân thực, tin cậy và chính xác vì vậy được nhiều độc giả đánh giá cao và rất trân trọng.
 
Qua từng trang viết, cuộc sống chiến trường của các chiến sĩ Thành Cổ được vẽ lên từ bằng những trang hồi ức về ngày đầu nhập ngũ với những hình ảnh cảm động về cuộc tiễn đưa các anh lên đường, những lời dặn dò, những tiếng sụt sịt, những giọt nước mắt cố nén lại… Ngay sau đó là những trang viết về trận đánh chớp nhoáng, hào hùng: “Đúng 1h30 rạng sáng ngày 22 tháng 8 năm 1972, Trung đội 1 Đại đội 1 Tiểu đoàn 19 Sư đoàn 325 của tôi áp sát mục tiêu… chúng tôi đồng loạt tấn công. Trong đêm tối, quân ta tung hoành dùng pháo thủ và lựu đạn quăng chính xác về các lều bạt và công sự của địch khiến chúng không kịp trở tay… Trận đánh quá bất ngờ nên 15 phút chúng tôi đã cơ bản tiêu diệt sinh lực địch”. Những trang viết về sự khốc liệt: “Chiếc xe tăng M48 từ bên trái bắn chéo sang, đạn 12,8 li từ chiếc xe lội nước M113 bên phải bắn xối xả, rồi cối cá nhân và đạn tiểu liên cực nhanh của chúng từ trong bắn ra chặn đường…” (Tiếng gọi chiến trường - Trần Lê An).. Những trang viết về lần vượt sông bi tráng: Mở mắt ra, tôi thấy mình lại nằm ở chỗ vừa xuất phát, cách mặt nước gần 2 mét. Bên kia sông dưới anh sáng như ban ngày của pháo sáng địch rất nhiều ba lô, mũ cối của đồng đội tôi nhấp nhô trên mặt sông bị băm nát, họ đã không kịp sang bờ bên kia…”.(Quảng Trị những ngày đầu - Lê Xuân Tường)
 
Hình ảnh quả cảm của người chiến sĩ Thành Cổ trong mưa bom bão đạn, giữa ranh giới sự sống và cái chết được kể lại trong rất nhiều câu chuyện của các cựu chiến binh: Có anh chiến sĩ sau trận đánh đã cố gắng thoát khỏi hàng rào thép gai và làn hỏa lực dữ dội của địch, ngoảnh lại nhìn thấy đồng đội của mình đang bị kẹt lại trong cứ địch, lại tiếp tục bò vào, lấy súng của đồng đội bị thương nhằm thẳng quân thù yểm trợ cho đồng đội rút ra. Khi bị thương, được quay về miền Bắc điều trị nhưng vết thương chưa bình phục anh lại xin về lại chiến trường nơi những đồng đội mình đang chiến đấu, để san sẻ cùng đồng đội. Anh kể lại: “Giữa vùng chiến địa nhỏ nhoi, chỉ mấy km vuông, những người lính chúng tôi đã hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn, hàng nghìn lần phám hạm, pháo kích dội vào… Mặt đất cũng tứa máu, ngôi Thành Cổ cũng tan nát thịt da… Chúng tôi chiến đấu kiên cường ngay bên xác đồng đội đã hy sinh, vừa khóc thương đồng đội vừa bắn trả kẻ thù…”(Tiếng gọi chiến trường – Trần Lê An). Rồi những ngày mưa bão, địch đánh chặn hết các ngả tiếp tế vào thành, nước sông đổ về ngập các hầm trú ẩn, các chiến sĩ lại vừa củng cố, vừa tát nước trong hầm vừa chiến đấu quyết liệt. Có chiến sĩ bị thương ba bốn lần vẫn không rời vị trí, có chiến sĩ kẹp trung liên bật dậy xả súng vào đội hình địch. Có những trường hợp cả hai anh em ruột gặp nhau trên cùng một trận địa, họ nhận ra nhau, chỉ kịp ôm nhau rồi lao lên chặn đường tấn công của giặc. Cả hai anh em đều vĩnh viễn không về. Có chiến sĩ bật hầm nhằm thẳng máy bay địch xả đạn cứu đồng đội. Máy bay địch cháy bùng và tan xác nhưng ngực anh cũng hứng trọn một băng tiểu liên từ chiếc máy bay kia… Tám mươi mốt ngày đêm chiến đấu là tám mươi mốt ngày đêm hy sinh và đổ máu. Tám mươi mốt ngày đêm chia cho nhau từng giây phút của sự sống hiếm hoi. Những người lính Thành Cổ đã chiến đấu và sẵn sàng hy sinh như thế.
 
Cuộc chiến Thành Cổ cũng được kể lại qua lời những chiến sĩ tải thương, những o du kích và cả những lời của người ngụy quân sống sót trở về. Đọc lại những trang viết ấy mới thấy hết nhiều góc nhìn mà báo chí chưa hề nói đến. Những ngày hè trong trận địa hiếm hoi khô khát, những bi đông nước của các mẹ chuyển vào trận địa phải trả giá bằng máu. Có chiến sĩ bị thương rất nặng, tay vẫn bịt chặt lỗ thủng chiếc bi đông nước, chỉ khi trao lại được cho đồng đội mình anh mới chịu hy sinh; có những o du kích xả thân bảo vệ thương binh dưới làn bom đạn giặc; có những chiến sĩ tải thương hy sinh vì bảo vệ thương binh; có những bác sĩ giành giật từng phút với tử thần để cứu thương binh trong bom đạn địch, có những chiến sĩ phá bom, có những ông già lái đò chở bộ đội qua sông, có những bà má hết lòng lo cho bộ đội… Mỗi trang viết như một cuốn phim quay chậm, rõ nét, chói gắt về sự hy sinh mất mát nhưng cũng đậm lòng nhân ái về nghĩa tình của các chị, các anh.
 
Cuộc chiến Thành Cổ trong cuốn “Khúc tráng ca Thành Cổ” còn được tái hiện qua những dòng nhật kí của những người chiến sĩ Thành Cổ mà ban biên soạn đã rất dày công sưu tầm. Những dòng nhật kí viết về khoảng lặng của các anh trong chiến tranh: “Bây giờ đã là bảy giờ tối, thế mà vẫn không dứt tiếng máy bay Mĩ, tiếng đại bác đì đùng. Tiểu đội tôi bốn người đã đào được ba hầm vòm. Bây giờ chỉ còn mình tôi với ba ngọn đèn. Gió nhẹ đưa đẩy bản hợp xướng của hàng trăm chú muỗi... và việc của tôi lại bắt đầu. Những lúc như thế này thì việc lí thú nhất vẫn là việc bắt muỗi bằng ngọn đèn làm bằng vỏ hộp cocacola Mĩ. Những chú muỗi gầy có, béo có, nhỏ có, to có lần lượt lao vào ngọn đèn đầy muội đen. A! OV10 này. A! M19 này, con này B52, con này bay nhanh quá phong cho nó là F4 vậy. Cứ thế mỗi con là một cái tên ứng với không lực Hoa Kì lần lượt lao qua ngọn đèn của tôi” (Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Kì Sơn). Những dòng nhật kí khao khát ước vọng hòa bình: “Tuổi thanh niên của tôi đang sống và chiến đấu ở mặt trận. Tôi đang cống hiến sức lực của mình cho cuộc chiến tranh vì độc lập tự do của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Tôi nguyện sẵn sàng hy sinh tất cả. Song bất cứ lúc nào lòng ham học và ước mơ trong khoa học cũng ấp ủ trong tôi… ”. (Nhật kí của Đào Chí Thành). Những dòng nhật kí là tình yêu là niềm tin vào sức mạnh của tương lai: “Tôi là một trong số hàng nghìn sinh viên khác phải tạm rời sách bút và sự nghiệp của mình để lên đường chiến đấu. Tôi cũng như trăm nghìn sinh viên khác đang bước vào thời kì đẹp nhất của cuộc đời. Tôi cũng có người yêu. Chúng tôi yêu nhau chân thành và tha thiết. Chúng tôi vẽ cho nhau hướng đi ngày mai, chúng tôi đã xác định hạnh phúc và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào hạnh phúc vì hạnh phúc nhất định sẽ thuộc về chúng tôi” (Nhật kí của Trần Quốc Hưng). Đọc những dòng nhật kí ấy, không ai có thể lí giải nổi tại sao giữa mưa bom bão đạn người chiến sĩ vẫn viết nên những trang viết hồn nhiên tươi rói khát vọng hòa bình, vẫn viết nên những trang nhật kí đầy căng niềm tin và ước mơ như thế.
 
Khúc tráng ca Thành Cổ cũng kể rằng, có một người lính già, trở lại chiến trường xưa, ông nghẹn ngào cất lên tiếng gọi: “các con ơi, bố đây, bố lại về với chúng mày đây, dậy đi để bố điểm mặt nào…”. Những hàng mộ vẫn lặng im, chỉ có khói hương bay trong làn sương nhập nhòa, trong hương rừng thoang thoảng... Rằng có một người đàn ông, hàng năm lại trở về bên dòng sông Thạch Hãn, mua hết hoa ở chợ Đông Hà, chợ Thị xã, kết lại và thả xuống dòng sông. Rồi anh ngồi lặng bên dòng sông ấy. Bao năm rồi lòng anh vẫn chẳng nguôi ngoai nghĩa tình đồng đội. Dòng sông thiêng vẫn rập rờn mênh mang sóng nước.
 
37 năm đã trôi qua, trở lại cuộc sống đời thường, nhưng quá khứ và những mất mát hy sinh chưa bao giờ thôi day dứt trong lòng những cựu chiến binh Thành Cổ: “Trong suốt quãng đời sống sót trở về, nhiều đêm, chúng tôi vẫn bầm lên trong tâm trí những ngày hè đỏ lửa, bất chợt còn nghe tiếng ai gọi mẹ trên sông khi trôi cùng dòng nước, Tai vẫn ong lên bởi những tiếng bom rơi, tiếng pháo, đạn nổ đến rợn người. Không thể nào quên được hình ảnh các anh đã ngã xuống, đã chết, những cái chết không còn được nguyên vẹn, những cái chết của những người bạn những người đồng đội làm tâm trí chúng tôi không thể không day dứt, trái tim chúng tôi không bao giờ được ngủ yên”. Họ đau vì đã bao đồng đội của họ đã không bao giờ trở về được nữa. Những dòng chữ Liệt sĩ “CHƯA BIẾT TÊN” cứ ám ảnh trong tâm trí họ. Những người mẹ lưng còng tóc bạc vẫn chống gậy lần tìm tin tức về phần mộ của con cứ day dứt trong họ. Họ đau khi đồng đội của họ vẫn còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất chiến trường xưa: “Có ai biết rằng khi chạy xe hay đi trên mỗi con đường mỗi mảnh đất Quảng Trị này, có khi là đang đi trên thân xác các anh, bởi dưới những lốt bánh xe ấy, biết đâu chẳng là lớp lớp máu xương của các anh đã bị bom đào, pháo hạm trộn đi, nhào lại…”. Hàng năm, những người đồng đội năm xưa vẫn về lại với chiến trường xưa, về lại bên đồng đội, về lại để tri ân mảnh đất đã một thời họ sống chiến đấu bằng cả sức lực và tính mạng của mình.
 
Chắc chắn vẫn còn những tình tiết chưa kể hết, những câu chuyện chưa được viết ra, nhưng chỉ ngần ấy trang thôi, Khúc tráng ca Thành Cổ đã đủ để là chứng tích về một thời hào hùng bi tráng, chứng tích về sức mạnh của lòng yêu nước và tự hào dân tộc, chứng tích về sức mạnh kì diệu của những con người dũng cảm vô song, là nghĩa là tình của những người đồng đội.
 
Khúc tráng ca Thành Cổ đã cho chúng tôi hiểu thêm và tự hào thêm về thế hệ cha anh đi trước, thế hệ đã viết nên những trang huyền thoại bằng chính máu của mình.
 
Vũ Thị Kim Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Khúc tráng ca thành cổ: Những huyền thoại viết nên bằng máu" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.