Từ chủ trương đúng, hợp lòng dân…
Từ giữa thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế do bao vây cấm vận, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (Tháng 12/1986) - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp tồn tại ở Việt Nam trong nhiều năm, Đảng ta hoạch định đường lối, chính sách cho thời kỳ đổi mới, khôi phục và phát triển sau chiến tranh. Năng lượng là mạch máu để phát triển kinh tế, Đảng, Chính phủ rất quyết liệt trong việc tự chủ nguồn năng lượng, cụ thể là xây dựng NMLD đầu tiên của đất nước.
Tháng 7 năm 1989 tỉnh Quảng Ngãi được tái lập. Thời điểm này, Quảng Ngãi là một tỉnh thuần nông, một trong những tỉnh nghèo của cả nước, hàng năm tỉnh thường bị thiên tai do bão lụt; cơ sở hạ tầng thấp kém; nguồn ngân sách hạn hẹp và mất cân đối, việc đầu tư phát triển còn hạn chế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Quảng Ngãi một vùng đất phù hợp xây dựng nhà máy lọc dầu, xây dựng khu công nghiệp, cảng nước sâu. Với tầm nhìn nhằm vực dậy cho các tỉnh miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng là vùng đất nghèo nhưng rất kiên cường, bất khuất, một lòng một dạ với cách mạng, đặc biệt là trong ciộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lập bao chiến công hiển hách. Vùng đất và con người nơi đây xứng đáng được Đảng, Nhà nước đầu tư thúc đẩy kinh tế phát triển cũng như tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống… như ý kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần đã phát biểu trong chuyến về thăm Quảng Ngãi, chính vì thế NMLD đầu tiên của đất nước đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn xây dựng ở Khu công nghiệp Dung Quất - nay là KKT Dung Quất.
Ngày 09/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 658/QĐ-TTg về địa điểm xậy dựng NMLD số 1 tại Dung Quất và quy hoạch KKT trọng điểm miền Trung; Ngày 11/4/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/TTg “Về việc phê duyệt quy hoạch chung KCN Dung Quất”; Đầu tháng 12/1997 Quốc hội khóa X ban hành Nghị quyết số 07/1997-QH quyết định xây dựng NMLD số 1 Dung Quất; Ngày 14/6/2005, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 44/2005/QH11 Về việc tập trung chỉ đạo xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất với yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả tổng hợp của dự án. Khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chính thức quyết định, Nghị quyết cho xây dựng NMLD Dung Quất đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đây là những Quyết định, Nghị quyết đúng, hợp lòng dân! Niềm hy vọng về một sự thay đổi của tỉnh Quảng Ngãi, niềm hy vọng, niềm vui ấy được lan tỏa đến tất cả cán bộ và người dân trong tỉnh, hàng nghìn gia đình nằm trong vùng dự án đã được di dời đến nơi ở mới để xây dựng NMLD Dung Quất và các công trình của dự án; Từ dự án MNLD đã mở ra bước ngoặc mới trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung. Chính vì thế NMLD Dung Quất được xem là “Trái tim” của KKT Dung Quất và là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư hàng trăm dự án vào KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh, chính vì vậy tạo nên sự thay đổi cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang một tỉnh phát triển công nghiệp.
… đến hình thành và phát triển kinh tế
Ngày 08/01/1998, lễ khởi công xây dựng NMLD Dung Quất được diễn ra với sự hân hoan của cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau khi khởi công xây dựng lại gặp cuộc đại khủng hoảng kinh tế tại châu Á và nhiều lý do khác, phải đến ngày ngày 22/02/2009, NMLD Dung Quất đã cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một mốc lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam, từ thời điểm này Việt Nam đã chính thức ghi tên trên bản đồ các nước chế biến dầu mỏ của thế giới và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn chỉnh, đồng bộ các lĩnh vực sản xuất chính từ khâu thăm dò đến khai thác và chế biến dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện… NMLD Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Và từ đây, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi có bước phát triển mới.
Năm 1996, xác định được NMLD Dung Quất sẽ là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư vào công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Khu công nghiệp Dung Quất; Giai đoạn từ năm 1996-2001 là thời gian khởi động của KCN Dung Quất, qua đó đã cho thấy những thành tựu bước đầu của KCN này như đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn của các ngành kinh tế mũi nhọn: Dầu khí, vật liệu xây dựng… Quan trọng hơn đó là những lợi thế của KCN Dung Quất có hệ thống cơ sở hạ tầng vào loại hiện đại so với các KCN khác, áp dụng những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, đã thu hút hàng chục dự án đầu tư ngày càng phát triển, công nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn 2001-2005, đây là giai đoạn mà KCN Dung Quất có bước đột phá về thu hút đầu tư.
Ngày 20/01/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 với tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là 45.332 ha, trong đó phần diện tích KKT hiện hữu là 10.300 ha, phần diện tích mở rộng khoảng 24.280 ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển. Quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất sẽ trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cụm cảng nước sâu Dung Quất và sân bay Chu Lai (Quảng Nam) cách trung tâm KKT Dung Quất gần 10 km.
Với hệ thống hạ tầng đã được đầu tư cơ bản, gồm: Các tuyến giao thông trục chính trong đô thị Vạn Tường và các khu công nghiệp; hệ thống cảng biển (3 cảng tổng hợp, 4 cảng chuyên dùng); hệ thống thoát nước mưa và thu gom xử lý nước thải; khu xử lý chất thải rắn; hệ thống cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông, phòng cháy chữa cháy; trường cao đẳng kỹ nghệ; bệnh viện; trung tâm truyền hình, văn hoá, thể thao, lâm viên Vạn Tường và các khu tái định cư,… tương đối hoàn chỉnh.
Đầu tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1915/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp (BQL) Quảng Ngãi. Theo Quyết định, BQL được thành lập trên cơ sở hợp nhất BQL KKT Dung Quất đã được thành lập theo Quyết định số 72/2005/QĐ-TTg ngày 5/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ và BQL các KCN Quảng Ngãi được thành lập theo Quyết định số 830/TTg ngày 7/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ. BQL là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Đến cuối tháng 10/2022, toàn tỉnh có 658 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn hơn 367 nghìn tỷ đồng (tương đương 15,6 tỷ USD); trong đó có 380 dự án đã đi vào hoạt động, 268 dự án đang triển khai và 10 dự án đang tạm dừng. Riêng đối với dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đến nay toàn tỉnh có 63 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 1,878 tỷ USD, hiện có 47 dự án đã đi vào hoạt động.
Đến nay KKT Dung Quất đã thu hút được 85 doanh nghiệp với 10,3 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư; nguồn vốn đã thực hiện đạt hơn 6 tỷ USD. Trong đó, những dự án lớn đang hoạt động hiệu quả cao như: NMLD Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn, tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD; Công ty công nghiệp nặng Doosan Việt Nam qua hơn 10 năm hoạt động đã sản xuất nhiểu sản phẩm thiết bị nặng xuất khẩu hơn 10 nước trên thế giới thu về gần 2,5 tỷ USD; Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại KKT Dung Quất với công suất 04 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động. Hiện nay Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đang xin tỉnh cấp giấy phép đầu tư Dự án Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với quy mô 5,6 triệu tấn sản phẩm/năm (4,6 triệu tấn thép dẹt và 01 triệu tấn thép thanh, dây chất lượng cao) với tổng số vốn đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng. Sự hình thành và phát triển 2 Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh. 2 Dự án này không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu của tỉnh, giúp nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có các KCN VSIP, Tịnh Phong, Quảng Phú, Phổ Phong với tổng diện tích trên 540ha. Các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã thu hút được 99 dự án đầu tư với vốn đăng ký trên 6.877 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, riêng KCN VSIP Quảng Ngãi đóng tại xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh), với diện tích đầu tư phát triển hạ tầng 478ha, đã thu hút được 33 nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 995,7 triệu USD. Hầu hết các dự án đầu tư thứ cấp vào KCN VSIP Quảng Ngãi là nhà đầu tư FDI, đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ, Mỹ, Philippines, Hồng Kông... Trong đó, có 22 nhà đầu tư đã có dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnhtạo ra các sản phẩm mới như: giày da các loại, vải, sợi bông, túi xách, đồ gỗ nội ngoại thất... Dự kiến sau khi 33 nhà đầu tư đã được cấp giấy phép đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi đi vào hoạt động, sẽ tạo ra trên 53 nghìn việc làm cho lao động địa phương.