Sau hai năm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM đi vào cuộc sống, nhiệm vụ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác đã được triển khai với một số kết quả khả quan.
Hầu hết các cấp ủy đã triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng này trong toàn đơn vị và rộng rãi trong nhân dân. Nhiều cơ quan thuộc hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều cơ sở tôn giáo đã thiết lập các không gian vật chất để trưng bày, giới thiệu tranh ảnh về sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách, báo, tạp chí có nội dung về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều chương trình sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tại các địa điểm lịch sử, văn hóa gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Bến Nhà Rồng, Quảng trường UBND Thành phố, Nhà Thiếu nhi …); các tác phẩm của Bác đã được tổ chức giới thiệu; nhiều cuộc tọa đàm được thực hiện nhằm tìm giải pháp triển khai hiệu quả việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh…
Để TPHCM sớm trở thành “nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”[1], cần tập trung một số vấn đề trọng tâm:
- Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người, trước hết là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ ý nghĩa chính trị về nhiệm vụ này và xác định trách nhiệm của bản thân.
Ý nghĩa chính trị quan trọng nhất của nhiệm vụ này chính là đưa việc học tập và làm theo Bác ngày càng thực chất và lan tỏa mạnh mẽ vào đời sống xã hội ở Thành phố; làm cho đời sống ở TPHCM luôn thấm đẫm những giá trị nhân văn thông qua từng cách nghĩ, mỗi hành vi của từng người đang sinh sống, học tập, làm việc… trên địa bàn Thành phố. Cộng đồng dân cư ở TPHCM hàng ngày, hàng giờ thực hành lối sống nền nếp theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai, cần làm cho mọi tầng lớp Nhân dân nhận thức một cách đúng đắn về vai trò chủ thể của mình đối với việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, đồng thời ý thức được rằng: những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần sẽ thụ hưởng là kết quả do chính mình tạo ra. Hãy làm cho những kiến thức về tư tưởng của Người trong mỗi trang sách, báo luôn được truyền tải vào con tim và khối óc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân… để từ đó biến thành hành động làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.
Thứ ba, phải nhận thức rằng: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải là nơi hiện hữu các giá trị văn hóa được thực hành và sáng tạo bằng lòng kính yêu và tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh; bằng sự kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã chọn lựa; bằng bản lĩnh chính trị vững vàng và thái độ quyết liệt đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch để bảo vệ giá trị cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ tư, cần làm cho mọi người ở Thành phố mang tên Bác, trước tiên là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức luôn thật thà thực hành đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nêu gương trước Nhân dân.