Lần đầu tiên, Liên hoan văn hóa Cồng Chiêng 2017 được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra từ ngày 8- 13/3 với nhiều hoạt động ý nghĩa. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Gia Duẩn- Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.
+ Thưa ông, từ năm 2009, sau khi tổ chức Festival quốc tế Cồng Chiêng đến nay, chúng ta mới tổ chức được Liên hoan văn hóa Cồng Chiêng. Trong khi đó, theo cam kết với UNESCO, 5 năm phải tổ chức một lần. Việc tổng kiểm kê và quảng bá di sản này tại địa phương có gì khó khăn?
- Năm 2007, Đắk Lắk đã tổ chức Festival Cồng Chiêng Tây Nguyên, đến 2009, Gia Lai tổ chức Festival Quốc tế Cồng Chiêng. Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, chủ yếu mỗi tỉnh Tây Nguyên tự tổ chức các lễ hội Cồng chiêng tại tỉnh mình. Ở cấp khu vực, ngoài hai đợt lễ hội trên ra, vẫn chưa tổ chức thêm đợt nào nữa. Đến năm 2015, tổng kết lại 10 năm, khi không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005, và chuyển sang danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2008, thì Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên định kỳ 2 năm một lần tổ chức Festival Cồng Chiêng. Bắt đầu từ năm 2017, Đắk Lắc là tỉnh đầu tiên đăng cai, sau đó luân phiên giữa các tỉnh.
Ông Đặng Gia Duẩn: Ý thức người dân đã được nâng lên một bước trong bảo tồn văn hóa Cồng Chiêng - Ảnh Hồng Hà
Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ và nhờ Bộ VHTTDL bảo trợ Liên hoan này, đồng thời xin chủ chương lồng ghép với lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột lần thứ 6. Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Cồng Chiêng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, tỉnh đã có nghị quyết chuyên đề. Đến năm 2015, nghị quyết này đã kết thúc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, chỉ tiêu chưa thực hiện được. Chính vì vậy, năm 2016 vừa rồi, Sở VHTT DL đã tham mưu cho tỉnh và ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị Cồng Chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016- 2020. Trong đó có những giải pháp rất cơ bản để bảo tồn và phát huy giá trị Cồng Chiêng.
Có một thời gian dài chúng ta nghe đến từ “Nạn chảy máu Cồng Chiêng” ở Tây Nguyên. Hiện tại, người ta không nhắc đến nữa. Chứng tỏ, ý thức người dân đã được nâng lên một bước thông qua công tác tuyên truyền, vận động và giải pháp của chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Hiện nay, số Cồng Chiêng của tỉnh Đắk Lắk đã được tăng lên. Năm 2011, khi kiểm kê, chúng tôi có khoảng 2500 bộ Cồng Chiêng trên địa bàn tỉnh. Nay con số này đã tăng lên nhiều. Tuy chưa có khảo sát chính xác, nhưng thường xuyên có những dự án, hoạt động để làm tăng số lượng Cồng Chiêng, mở các lớp truyền dạy Cồng Chiêng cho các thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Tỉnh để khảo sát, kiểm kê lại và đưa ra giải pháp cho các bước tiếp theo.
- Những nghệ nhân am hiểu về chỉnh Chiêng và đánh Cồng Chiêng theo thời gian chắc chắn có sự mai một, vậy việc đào tạo thế hệ kế cận được tỉnh phát triển như thế nào?
- Đây cũng là giải pháp được nêu ra trong nghị quyết của tỉnh. Những nghệ nhân biết chỉnh Chiêng, có thể truyền dạy về sử dụng Cồng Chiêng thì không có nhiều, họ lớn tuổi và số lượng ngày càng ít đi. Giải pháp là mở các lớp dạy Cồng Chiêng cho thế hệ trẻ. Vậy nên, hiện nay không chỉ có người già mới biết dùng Cồng Chiêng, thậm chí những người trung niên, người trẻ cũng có thể truyền dạy. Điều này sẽ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài, để gìn giữ, phát huy giá trị của Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Trong tất cả các giải pháp, việc tổ chức Liên hoan văn hóa Cồng Chiêng, Đắk Lắc kết hợp lễ hội Cà phê gọi chung là lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên, chúng tôi coi đây là giải pháp quan trọng, để nâng cao nhận thức, đồng thời khơi dậy phong trào học và sử dụng Cồng Chiêng trên địa bàn tỉnh. Nó sẽ là văn hóa của đồng bào các địa phương chứ không phải lên sân khấu. Đó là lí do nội dung của Liên hoan được thiết kế gắn với không gian diễn tấu Cồng Chiêng thật sự, chứ không phải trên sân khấu như trước đây chúng ta đã làm.
Bảo tồn văn hóa Cồng Chiêng cần gắn với bảo tồn không gian diễn tấu - Ảnh minh họa- Hồng Hà
+ Những không gian được phục dựng để tạo nơi diễn tấu Cồng Chiêng trong Liên hoan này gồm những không gian gì, thưa ông?
- Sẽ có một đêm diễn tấu Cồng Chiêng của các tỉnh Tây Nguyên do các đoàn nghệ thuật nước ngoài để quảng bá di sản này trong Lễ hội Cà phê. Ngoài ra, chúng tôi sẽ gắn diễn tấu Cồng Chiêng trong không gian của nó, đó là các nghi thức, nghi lễ. Một trong những điểm chính của Liên hoan lần này là chúng tôi phục dựng những nghi thức, nghi lễ gắn với diễn tấu Cồng Chiêng khi họ thực hiện các nghi thức, nghi lễ đó gồm: Lễ cúng cầu mưa và Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê đê; Lễ bắt máng nước của dân tộc Sê Đăng; Lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho; Lễ cưới xin của dân tộc M’nông; Lễ cúng nhà Rông mới của người Ba na…
+ Ông có thể chia sẻ về những khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa này trên thực tế ở Đắk Lắk?
- Có rất nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó có thể nói đến không gian diễn tấu bởi sự phát triển tự nhiên của kinh tế - xã hội hiện nay. Tây Nguyên đang rất phát triển nhưng đi cùng với đó là sự mai một về không gian diễn tấu Cồng Chiêng. Bởi trước đây Cồng Chiêng chỉ có thể diễn tấu ở những nơi thực sự ý nghĩa như nhà dài, bến nước, hay một lễ hội nào đó của cộng đồng, vì Cồng Chiêng là vật quý rất linh thiêng đối với đồng bào thiểu số. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, vấn đề làm sao để tạo ra được không gian diễn tấu Cồng Chiêng đang được tỉnh Đắc Lắk đặt ra
Vẫn còn nhiều nghệ nhân trung niên, người trẻ... yêu và hiểu về Cồng Chiêng - Ảnh Hồng Hà
Vấn đề thứ hai là việc mua Chiêng, ở Tây Nguyên không thể tự sản xuất được Chiêng mà phải nhờ một số nơi khác đúc chiêng. Việc có kinh phí để thực hiện điều này cũng rất khó khăn. Vấn đề thứ ba là việc tiếp tục học tập và sử dụng Cồng Chiêng đối với thế hệ trẻ. Không nhiều người trẻ thích Cồng Chiêng so với văn hóa hiện đại. Vì vậy, phải tăng cường công tác giáo dục để cho thế hệ trẻ nhận thức được cần phải bảo tồn như thế nào để học lại những điều mà cha ông truyền dạy.
Cồng Chiêng không thể đưa được vào trường học mà chỉ có thể được diễn tấu trong nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Việc này các phòng thông tin của 15 thị xã trên địa bàn tỉnh vẫn triển khai. Tất cả các thôn buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắc đều có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, đây chính là không gian sinh hoạt tốt nhất để truyền dạy cho thế hệ trẻ về văn hóa Cồng Chiêng.
Tôi rất trăn trở khi hiện nay, để thuyết phục nhiều thanh niên học sử dụng Cồng Chiêng và mặc trang phục dân tộc mình rất khó, người ta cũng không thật sự mặn mà vì họ mong muốn sự hiện đại. Tuy nhiên vẫn phải giáo dục tuyên truyền thanh niên rằng đó là vốn quý của cha ông, chứ không phảl đơn thuần là thích hay không thích.
+ Xin cảm ơn ông!