Hương vị chè Lam Đường Lâm - Đậm nét hồn quê Việt

26/04/2024 14:21

Theo dõi trên

Nếu có một dịp nào đó được ghé thăm làng cổ Đường Lâm, ngoài việc dạo quanh những con đường làng ngắm những ngôi nhà cổ trăm tuổi thì bạn không thể bỏ qua món chè Lam - thức quà quê đặc trưng của vùng đất cổ. Một món ăn đủ để cảm nhận được vẻ đẹp về văn hóa và con người nơi đây.

4-1714094462.PNG
Chè Lam Đường Lâm. Ảnh: Nguyễn Yến

Chắc hẳn khi vừa nghe tên thì ai cũng nghĩ đây là một món chè, nhưng thực tế lại là một món bánh. Chè lam được xem là một món ăn truyền thống của mỗi gia đình ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đã có từ thời xa xưa và còn lưu giữ cho đến ngày nay. Mặc dù mỗi nhà sẽ có một công thức riêng biệt nhưng nguyên liệu chính để làm nên chè lam thì đều giống nhau. 

Ngày xưa, món ăn này được làm chủ yếu vào dịp Tết, tuy nhiên đời sống ngày càng phát triển, chè lam đã được làm nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của du khách thập phương cùng với một số thức quà khác như kẹo dồi, kẹo lạc...

Ghé thăm gia đình cô Lã Thị Thảo ở ngôi nhà cổ hơn 300 tuổi, chúng tôi được vợ chồng cô tiếp đón nồng hậu, thân thiện. Gia chủ đon đả bê đĩa chè lam mới "ra lò" cùng với ấm trà hãy còn nóng nổi mời hai bạn phóng viên trẻ thưởng thức. Cắn một miếng bánh dẻo dai, nhấp ngụm trà, tất cả như hòa quyện và tan chảy trong miệng rất thú vị.

"Nguyên liệu chính để làm nên món chè lam thường có đường, mật, mạch nha, gừng tươi, lạc rang, bột gạo nếp rang. Gừng dùng để làm chè phải là loại gừng già, cay nồng và mùi phải thơm. Sau đó đem đun với đường, mạch nha, lạc rang với mức vừa đủ, khuấy đều tay để đường tan ra hòa vào các nguyên liệu sao cho không bị cháy. Khi tất cả đã quyện với nhau tạo thành một hỗn hợp có màu vàng óng ánh thì bắt đầu rắc bột nếp vào," Cô Thảo cho biết.

Gạo nếp được người dân làng Đường Lâm lựa chọn để làm chè lam thường là loại gạo đặc sản như nếp cái hoa vàng hay nếp thơm. Để có được một chiếc bánh lam đạt tiêu chuẩn, đòi hỏi người làm phải cực kì cẩn thận trong khâu sơ chế bột, phải khuất thật đều, thật nhanh nhanh tay để bột đạt đến độ dẻo nhất định, không vón cục, tất cả nguyên liệu hòa đều vào nhau.

10acdc018bcd6fc69293cc2dd22fa8b2-1714096005.jpg
Chè lam khi mới làm xong. Ảnh: TTTĐ

Khi đã nấu xong, người nghệ nhân sẽ đổ chè trong nồi ra cái mâm đã được phủ đầy một lớp bột mịn, chờ tới lúc nguội, cắt thành từng miếng bánh nhỏ, cứ mỗi chiếc bánh lại rắc thêm chút bột để không bị dính vào nhau. Bánh chè lam có hình chữ nhật thon thon, dài bằng ngón tay, dẻo, được phủ bên ngoài một màu trắng ngần của bột. Khi ăn có vị ngọt thanh beo béo của lạc rang và vị cay thơm của gừng, trông khá giản dị nhưng lại có một sức hấp dẫn đặc biệt. Những bà, những chị thôn quê cẩn thận gói chè lam rồi đặt lên cái mẹt và mang ra chợ bán.

Cô Thảo kể rằng, ngày xưa muốn làm được chè lam rất khó khăn vì phải rang từng hạt bỏng, sau đó lấy cối giã dậm bằng chân. Bây giờ công nghệ hiện đại hơn, có máy nổ bằng gạo thì việc làm chè lam đơn dễ dàng nhiều. Mặc dù vậy, chè lam vẫn được ưu tiên làm hoàn toàn bằng thủ công để đảm bảo được chất lượng cũng như nét văn hóa đặc trưng của làng cổ.

Cứ đến dịp Lễ Tết, bên cạnh vô vàn những thứ kẹo bánh hiện đại nhiều màu sắc rực rỡ, vẫn còn đó chè lam -  thức quà dung dị, ngọt ngào và đầy gần gũi luôn chiếm trọn trái tim của những ai yêu nét đẹp cổ truyền. Trong những ngày đầu năm mới, người dân nơi đây luôn mời nhau chén trà, miếng bánh lam thơm phức, trao nhau những lời tốt đẹp, vậy là ý nghĩa.

Đối với các du khách đến tham quan, du lịch, không chỉ được nếm thử món bánh đặc sản dân giã vùng thôn quê, được mang về làm quà mà còn được tận mắt khám phá, trải nghiệm quy trình làm ra những chiếc bánh độc đáo và hấp dẫn. 

Nếu đến Đường Lâm mà không một lần nếm thử món chè lam nơi đây thì quả là một điều đáng tiếc. Bởi nó là kết tinh những giá trị lao động của người nông dân làng cổ, tất cả đều là những sản vật thân thuộc do chính bàn tay, mồ hôi nước mắt của người nông dân Đường Lâm làm ra. Là nét đẹp văn hóa truyền thống cần gìn giữ và phát huy cho mai sau.

Như Yến
Bạn đang đọc bài viết "Hương vị chè Lam Đường Lâm - Đậm nét hồn quê Việt" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.