Khơi dậy niềm đam mê âm nhạc dân tộc

28/02/2018 14:44

Theo dõi trên

Ngày nay, đa số học sinh, sinh viên (HS,SV) có xu hướng thích nhạc trẻ, nhạc ngoại và dần quay lưng với âm nhạc dân tộc (ÂNDT). Trước thực trạng này, nhiều trường tổ chức các hoạt động nhằm khơi dậy niềm đam mê ÂNDT trong HS,SV, đồng thời giúp những em có năng khiếu tự tin, phát huy khả năng của mình.

Đưa âm nhạc dân tộc đến gần học sinh hơn

Đối với giáo viên (GV), HS Trường THPT An Ninh (huyện Đức Hòa), tiếng sáo trúc dần trở nên quen thuộc. Tiếng sáo với âm điệu du dương, da diết, dễ đi vào lòng người nghe này thỉnh thoảng lại văng vẳng ở một góc sân trường. Đó cũng là nơi tập luyện, sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Sáo trúc của trường.
 
 
Khắc Duy và Thanh Thư tập luyện sáo trúc để biểu diễn trong chương trình văn nghệ Mừng Đảng, mừng Xuân của trường
 
CLB Sáo trúc của Trường THPT An Ninh ra đời hơn 2 năm nay, có trên 20 thành viên. CLB góp phần không nhỏ trong việc phát triển năng khiếu, khơi dậy niềm đam mê ANDT trong mỗi HS. Tham gia sinh hoạt CLB, các em có cơ hội trau dồi, học hỏi kỹ năng qua các buổi biểu diễn, cuộc thi. 

Em Võ Khắc Duy (lớp 10B1, Trường THPT An Ninh) chia sẻ: “Từ nhỏ, nghe tiếng sáo trúc, em rất thích và muốn được tự mình thổi lên những giai điệu du dương, ngọt ngào ấy. Vì vậy, khi học tại Trường THPT An Ninh, em tham gia ngay CLB Sáo trúc của trường. Tại đây, em được học hỏi, trau dồi nhiều kiến thức về sáo trúc từ thầy chủ nhiệm CLB và các bạn. Hiện, em có thể thổi được rất nhiều bài nhạc quê hương và tự tin biểu diễn để mọi người cùng thưởng thức”.
 
“Trước đây chỉ tò mò về sáo trúc nhưng sau khi tìm hiểu, tiếp xúc và học thổi sáo, em trở nên yêu thích loại hình âm nhạc này. Tham gia sinh hoạt CLB, em được học nhiều kiến thức về nghệ thuật chơi sáo trúc, đồng thời có cơ hội luyện tập, thử sức mình. Với em, tiếng sáo trúc có thể xua tan mệt mỏi và giúp mình cảm thấy thoải mái hơn. Do đó, mỗi khi rảnh, em lại thổi sáo, vừa luyện tập, thư giãn, vừa thực hiện mong muốn mang ÂNDT đến gần các bạn trong trường hơn” - em Trương Thanh Thư (lớp 10B3, Trường THPT An Ninh) bộc bạch.
 
 
Học sinh múa theo điệu nhạc bài hát của người dân tộc
 
Nhờ CLB Sáo trúc, hoạt động văn nghệ của Trường THPT An Ninh thêm phong phú, chương trình văn nghệ trong các dịp lễ, tết,... luôn có tiết mục tiếng sáo trúc. Qua đó, HS toàn trường được tiếp cận ÂNDT, góp phần khơi gợi niềm đam mê dòng nhạc này.
 
Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Ninh - Nguyễn Văn Lâm cho biết: “CLB Sáo trúc là sân chơi bổ ích, giúp khơi dậy niềm đam mê ÂNDT trong mỗi HS. Đồng thời, những HS có năng khiếu được phát huy tài năng và có cơ hội phát triển trong tương lai. Tham gia CLB, HS được sinh hoạt, vui chơi lành mạnh và tránh nghiện game, kết bạn với người xấu,... Hướng tới, trường tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của CLB, giúp phát triển năng khiếu, góp phần đưa ÂNDT đến gần với HS hơn nữa”.
 
Để học sinh “mặn mà” với âm nhạc dân tộc
 
Trường Tiểu học thị trấn Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa), trong tiết Âm nhạc, GV lồng ghép giới thiệu thêm cho HS về ÂNDT và các nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh đó, trong các hoạt động văn nghệ của trường, huyện, GV âm nhạc còn dàn dựng các tiết mục hát, múa dân tộc giúp HS làm quen và khơi dậy niềm đam mê ÂNDT. Trong đó, những bài hát, múa mà HS biểu diễn gồm: Lý cây đa, Cô giáo em là hoa Êban, Chiều lên bản thượng,...
 
Cô Bạch Thảo Ly - GV môn Âm nhạc, Trường Tiểu học thị trấn Thạnh Hóa, thổ lộ: “Giới thiệu và khơi dậy niềm đam mê ÂNDT cho HS là một trong những nhiệm vụ của GV môn Âm nhạc. Do đó, trên lớp, tôi thường xuyên khuyến khích, gợi ý một số bài hát dân ca quen thuộc để các em tìm hiểu và sau đó trình bày trước lớp. Hoạt động này giúp HS hứng thú với tiết học Âm nhạc cũng như dòng nhạc dân ca, quê hương. Theo tôi, việc giới thiệu cho HS biết thêm về ÂNDT qua một số bài hát, điệu múa dân gian là điều rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Từ đó, HS sẽ cảm thụ và hiểu hơn về ÂNDT”.
 
Ngoài ra, ÂNDT còn được tạo điều kiện phát huy trong học đường thông qua các cuộc thi, hội diễn văn nghệ các cấp. Trong các cuộc thi này, những bài dân ca trữ tình, điệu múa dân gian của trường luôn được đánh giá tốt và đoạt các giải cao. Đặc biệt, trong Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp tỉnh năm 2017, có thí sinh tham gia thi và đoạt giải nhất khi biểu diễn tiết mục hát chầu văn Cô Đôi thượng ngàn.
 
 
Tiết mục hát chầu văn “Cô Đôi thượng ngàn” đoạt giải nhất Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm 2017
 
Em Nguyễn Văn Mẫn, lớp 10.7, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An), tâm sự: “Em rất yêu thích dòng nhạc quê hương, trữ tình. Nhờ có các cuộc thi, em được thể hiện khả năng của mình, đồng thời tiếp thu những nhận xét, đánh giá của thầy, cô, ban giám khảo. Từ đó, em cố gắng hoàn thiện mình hơn. Trong tương lai, em muốn chọn ngành học liên quan đến nghệ thuật, đúng sở trường của mình”.
 
Mặc dù, nhiều trường học có một số hoạt động nhằm góp phần giữ gìn và phát huy ÂNDT nhưng vẫn còn rất ít và chưa phát huy hết hiệu quả. Mong rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo và các trường quan tâm hơn nữa để HS có điều kiện tiếp thu, ngày càng “mặn mà”, phát huy cái hay, cái đẹp của ÂNDT.
 
Ngọc Sương
Theo Long An Online

Bạn đang đọc bài viết "Khơi dậy niềm đam mê âm nhạc dân tộc" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.