Khởi đăng phóng sự điều tra thâm nhập đường dây buôn hổ và thịt hổ: Chúa sơn lâm vùi thây trong vạc lửa

06/01/2016 22:20

Theo dõi trên

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể tin nổi rằng: có một ngày, mình lại được ung dung ngồi ăn thịt... hổ uống với rượu cao hổ cốt được chưng cất công phu suốt bảy ngày bảy đêm.



Khi từng miếng thịt hổ được cánh thợ nấu cao làm sạch sẽ

Càng không thể tin được, giữa lúc cả thế giới đang xiết chặt tay bảo tồn loài chúa sơn lâm thoát khỏi thảm hoạ tuyệt chủng thì ở một vùng quê cách Hà Nội chừng 30km, hàng chục con hổ lần lượt vùi xương trong vạc lửa để chưng cất nên thứ cao nâu đen mà các đại gia tôn sùng là vị thuốc “chúa”, uống vào “khoẻ phải biết”. Thâm nhập vào lò mổ hổ này, tôi đã phát hiện ra cả một đường dây lớn chuyên buôn bán hổ, sừng tê giác và nhiều động vật quý hiếm xuyên quốc gia.

Kỳ 1: Tôi đi ăn thịt... hổ


Sáng hôm ấy, Lực (tên nhân vật đã được thay đổi) mò đến nhà tôi rất sớm. Vừa nhìn thấy tôi, hắn đã cười hề hề: “Anh có việc đến nhờ chú đây”. Làm một ực cạn chén trà, Lực ghé tai tôi thì thầm: “Anh đang tổ chức nấu cao hổ cốt tại nhà. Đảm bảo xịn 100%. Uống chỉ 1 lạng đã thành vị “chúa tể”... trên giường. Chú quen biết nhiều đại gia, manh mối dùm anh nhé”. Tôi cười khẩy: “Thôi đi ông! Hết cửa làm ăn rồi hay sao mà lại lao vào cái trò lừa bịp ma tịt ấy. Ông mà lại đòi nấu cao hổ cốt? Có mà hổ... lốn thì có”. Tôi chưa kịp nói hết câu, Lực đã trừng mắt tức giận: “Ơ! cái chú này láo thật. Quan hệ với anh bao nhiêu năm mà chú vẫn còn đa nghi Tào Tháo à? Thằng Lực này, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay chưa biết thất tín với ai, dù chỉ một lần, sao dám cả gan đi lừa bịp thiên hạ. Đây, chú không tin thì xem đi”. Vừa nói, Lực vừa thò tay vào túi xách đưa cho tôi một xấp ảnh. Tôi giật mình. Bức ảnh thứ nhất: Lực cùng 3 thanh niên trai tráng khiêng con hổ vằn vện nằm phủ phục trên cáng tre. Bức ảnh thứ 2: Ngón tay trỏ bị cụt đốt của Lực đang chỉ vào con số 92 của chiếc cân bàn, trên đó, vị chúa sơn lâm nằm chỏng vó. Lật nhanh bức ảnh thứ 3, không thể tin vào mắt mình: Lực đang ôm thủ cấp của chúa sơn lâm, mắt cười tít, lưỡi thè lè dài gần bằng lưỡi của hổ... Lia tia mắt lươn tinh quái về phía tôi, Lực cười đắc thắng: “Sao?! Đã tin chưa hở cháu ông Tào Tháo? Chưa à? Lại sợ thằng anh dùng kỹ thuật photoshop để lắp ghép ảnh chứ gì. Được! Chú mặc quần áo rồi đi theo anh. Hiện ở nhà anh còn một chú nặng chừng 80 kg đang nằm chờ vào vạc lửa. Chú có thể mang theo máy ảnh, máy ca-me-ra quay chụp thoả mái nhưng với một điều kiện: cấm không được đưa hình bọn anh lên báo. Chú thề đi”. Tôi thề. Máu nghề nghiệp sôi lên. Tôi vội vàng khoác máy lên xe theo Lực.

Nhà Lực nằm ven con sông Đáy. Ngôi biệt thự 4 tầng lộng lẫy với lối kiến trúc nửa Tây nửa Tàu vênh váo vươn khỏi luỹ tre làng. Bước chân đến cổng, đã nghe thấy tiếng cười đùa rôm rả. Tôi nhận ra Tiến sĩ Sinh, anh trai của thứ trưởng Bộ X. và Luật sư Thuỷ thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Tiến sĩ Sinh mặt đỏ lựng như gà trọi, đang huơ chân múa tay quảng cáo về công năng huyền diệu của cao hổ cốt. “Thú thực với các ông, trước kia chưa dùng cao hổ, tôi với bà nhà tôi tháng chỉ gọ ghẹ một đôi lần. Mà toàn chưa đến chợ đã hết tiền mới bực chứ. Bà xã nhà tôi buồn ra mặt, cứ nằm ườn như khúc gỗ, thở hắt ra. Thế mà mới xơi được 2 lạng, cái ấy của tôi lúc nào cũng sẵn sàng xung trận, đêm bảy ngày ba vào ra không kể, bà xã sướng đứ đừ đừ. Hễ thấy chú Lực điện ra một cái là đã sốt sắng hỏi có mẻ cao nào mới chưa? rồi hào phóng mở két rút tiền đưa chồng về mua. Thế mới chết chứ”. Luật sư Thuỷ thì khành khạch cười: “Xin lỗi các bác gái ở đây! Em ấy mà. Trước đây tinh của em nó cứ loãng tềnh tệch. Em chỉ lo nhà em mất giống. Thế mà chơi 3 lạng cao hổ cốt của bác Lực, nó bỗng đặc sánh sành sạnh. Mới quệt ngang quệt dọc bên ngoài vài cái, vợ em đã uễnh bụng rồi. Thánh thế chứ lỵ”.
 
Trong lúc mấy cô mấy chị cười ré lên, đấm lưng nhau thùm thụp, tôi theo chân Lực lẻn xuống nhà dưới. Máy quay phim đã sẵn sàng. Máy ảnh cũng đã lên phim. Nhưng đứng nhìn khắp các xó xỉnh cũng chẳng thấy hổ đâu. Tôi nhìn Lực đầy nghi ngờ. Lực cười khì, nheo mắt, hất hàm về phía chiếc tủ đá kê lừng lững dưới bàn thờ rồi thũng thẵng bước đến. Mở chiếc khoá sắt to đùng, Lực tì tay lên nắp tủ, tay kia chống nạnh, mặt bỗng đanh lại, giọng lạnh lùng: “Chú có thể quay phim, chụp hình thoả mái, kể cả quay cảnh bọn anh chặt hổ nấu cao. Nhưng với 2 điều kiện. Thứ nhất: Cấm được đưa hình bọn anh lên báo. Thứ 2: Quay xong, chú phải sao cho anh một bản. Chú chấp nhận thì làm. Nếu không, mời chú biến.”. Đầu tôi gật gật mà mắt cứ dán chặt vào chiếc tủ đá, nơi chúa sơn lâm đang ngự bên trong. Lực xoay người, gồng mình, mở nắp. Tôi căng mắt nhìn. Qua làn hơi nước mờ như sương khói, con hổ dài chừng hơn 1 m, nặng trên dưới 1 tạ đang nằm phủ phục. Màu lông vằn vện hiển hiện dưới ánh đèn chiếu của chiếc máy ca-me-ra. Tôi chạy vòng quanh chiếc tủ đá, tỉa tót từng khuôn hình, mồ hôi túa ra. Lực đập đập vào vai tôi, cười: “Thôi! Quay chừng ấy đủ rồi. Hôm nào làm thịt, chú về quay thoả mái”. Đến lúc này, tôi mới ngớ người. Tại sao cả một con hổ to như vậy, Lực lại có thể đưa về nhà một cách ung dung mà không hề gặp một trở ngại nào? Và cứ như lời giới thiệu của hắn, đây đã là con hổ thứ 6 rồi? Dặt dè hỏi Lực, ai ngờ hắn cười hơ hớ: “Chán chú bỏ mẹ! Thời buổi này chẳng có gì không làm được. Miễn là biết đường luồn lách. Nếu chú thích, anh sẽ mua cho chú một con, trở thẳng ra phòng trà của chú ở gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám, xẻ thịt, nấu cao tại chỗ. Thằng nào đến bắt bớ, anh chịu trách nhiệm. Mấy tay lang y ở Ngã Tư Sở, tháng nào anh chẳng bán cho họ một đôi con”. Tôi cười: “Bác cứ nói đùa. Hổ bây giờ ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Thế mà bác bán hổ tằng tằng như bán chó, bố ai tin được?!”. Lực nổi cáu: “Ơ! Chú càng nói càng ngu. Hổ ở Việt Nam hết thì kiếm hổ ở nơi khác chứ sao. Như bọn anh đây, toàn là hổ của Ấn Độ, Bangladesh, Srilanka, Nga, Thái Lan... vượt biên sang đấy thôi”. Nói đoạn, như sực tỉnh, Lực im bặt. Rồi cười hề hề kéo tay tôi: “Thôi! Lên nhà uống nước. Chú cứ hỏi linh tinh”.
 
Tôi đặt tiền chung 2 suất. Lực sướng lắm. Lái xe đưa tôi về tận nhà. Lúc chia tay, hắn dặn đi dặn lại: “Sáng thứ bảy chú nhớ về sớm nhé. Về mà quay phim”.

Làm thịt hổ tưng bừng như... mổ lợn ngày tết


Đúng hẹn, 6 giờ sáng thứ bảy, tôi đã có mặt ở nhà Lực. Tiến sĩ Sinh, luật sư Thuỷ cùng một số đại gia ở Hà Nội về từ tối hôm trước. Tôi không ngờ lại có đông người mua cao hổ đến thế. Dễ có đến 30 người. Đủ các thành phần: từ trí thức, sĩ quan quân đội, cánh buôn lậu đường dài và cả mấy tay đồ tể... Họ lắm tiền, đã đành. Nhưng cùng chung một điểm, đó là tính háo dục và tôn sùng cao hổ như vị thuốc chúa tể của giường chiếu. Tôi cũng không ngờ rằng, mình lại là nhân vật quan trọng đến thế khi mà cả hội chỉ chờ tôi đến là xắn tay làm thịt hổ ngay.
 
Cánh thợ nấu cao gồm 4 người, Lực thuê ngay tại quê. Làng Văn La xưa chuyên hành nghề lái gỗ. Trai tráng trong làng cứ ngược con sông Đáy mà lên tận Sơn La, Lai Châu trở gỗ, nứa về xuôi. Những ngón nghề nấu cao động vật, họ đã học được của bà con miền sơn cước. Sau này, khi mà tính năng huyền diệu của những miếng cao hổ trong việc tráng dương, bồi sức lan truyền đã tạo nên cơn sốt ngầm “săn cao hổ” từ các đại gia, “pháp thuật” nấu cao của đám thợ Văn La mới được thoả sức tung hoành. Họ đi khắp trong Nam ngoài Bắc nấu cao thuê với giá trọn gói 4-5 triệu đồng/con.
 
Bốn thanh niên trai tráng mau chóng khiêng hổ từ trong tủ đá ra khoảnh sân trước sân. Ở đó, tất cả những dụng cụ cần thiết cho cuộc xả thịt chúa sơn lâm đã được bày sẵn: hai chiếc nồi quân dụng, một chiếc thuyền tôn chứa đầy nước, búa rìu, bàn chải sắt, nạo sắt, dao kéo... Việc đầu tiên là phải đập vỡ lớp đá cứng bên ngoài và bên trong bụng con hổ, rửa sạch rồi đặt lên bàn cân. Chú hổ này cân nặng 78 kg. Tiến sĩ Sinh nhẩm tính: “Nếu tính cả lục phủ ngũ tạng đã bị bóc bỏ trước khi trở về Việt Nam, chú hổ này, lúc sinh thời, nặng không dưới một tạ”.
 
Phó Lập săm sắm lột chiếc áo phông, vớ ngay chiếc búa rìu, một chân đè lên mình hổ, mắt nheo nheo ngắm nghía rồi bất ngờ vung rìu, bổ “phập” vào cổ hổ. Chỉ đúng hai nhát, đầu chúa sơn lâm đã rời khỏi thân. Lập ôm thủ cấp hổ, ghé mặt sát ống kính ca-me-ra, cười hề hề: “Anh quay kỹ mặt em để sau này con em lớn, em khoe với nó là bố ngày xưa một tay giết hổ như Võ Tòng”. Cả hội cười ồ lên. Sự có mặt của nhà quay phim, nhiếp ảnh là tôi khiến cánh thợ nấu cao làm việc bốc hẳn lên. Chỉ chưa đầy 20 phút, cả thân hình cường tráng vằn vện những lớp lang của chúa sơn lâm đã trở thành đống thịt, xương ngồn ngộn. Mùi gây gây, hôi hôi rất đặc trưng của hổ cùng mùi thum thủm của thứ thịt để lâu ngày tạo nên một tổ hợp mùi rất khó tả khiến tôi ậm oẹ mấy lần. Giầy, tất tôi dính be bét máu hổ.
 
Trong khi cánh thợ nấu cao đang cuồn cuộn bắp tay miết chiếc nạo sắt dứt từng mảng lông hổ ra khỏi da thịt thì vợ Lực xăng xái thục tay vào đống thịt tìm bới nanh, vuốt hổ. Đôi tay trần nần nẫn thịt của thị sục sạo một hồi, thị rít lên: “Tiên sư đứa nào lại nẫng mất của bà rồi. Đúng là quân cướp ngày. Mấy triệu bạc của bà chứ ít gì đâu”. Đúng lúc thị vỏng vót chửi bới vì mất bộ nanh vuốt thì ngoài cổng xuất hiện hai sắc áo vàng công an. Tôi nhận ra Phó công an huyện Nguyễn Văn X. và trưởng phòng điều tra xét hỏi Đ. Vợ Lực bỗng im bặt rồi đon đả chạy ra, mắt lúng liếng, hi hí cười: “Mời hai bác vào nhà xơi nước. Nhà em nhắc đến hai bác suốt từ sáng đến giờ”. Chẳng biết vợ chồng Lực to nhỏ gì với hai vị công an nọ. Chỉ thấy chừng nửa tiếng sau, phó công an huyện X. và Đ. ra sân nhìn ngó một lát rồi đi. Sau này, gặng hỏi mãi, Lực mới bực bội bảo: “Mẹ kiếp! Mấy thằng ấy thính như chó. Lần nào anh làm thịt hổ, chúng nó chẳng mò sang. Đấm vào mõm mỗi thằng một triệu, kèm một lạng cao, chúng nó mới để yên cho đấy”.
 
Khi từng miếng thịt hổ được cánh thợ nấu cao làm sạch sẽ, xếp đầy 2 chiếc nồi quân dụng thì Lực khệ nệ ôm từ trên nhà xuống một chiếc bao tải đã được niêm phong. Lực vung dao nhọn rạch toang miệng bì rồi xoạc chân dốc ngược. Cả một đống xương xam xám, trăng trắng đổ oà ra mặt sân. Lực giải thích: “Đây là xương gấu, xương sơn dương và gạc nai. Con hổ này bọn anh sẽ nấu cao toàn tính nhằm giảm giá thành. Song vẫn phải tuân thủ theo công thức: 60% thịt xương hổ, 30% xương gấu, còn lại là xương sơn dương và gạc nai”.
 
11h trưa, hai chiếc nồi quân dụng đổ nước ngập chừng 10cm được bắc lên hai lò than rực hồng. Cả tốp thợ nấu cao và đám mua cao chúng tôi hỉ hả ngồi vào mâm cụng chén. Bữa tiệc khá thịnh soạn. Thịt vịt, thịt gà, thịt bò và món không thể thiếu được là thịt... hổ nướng tẩm ướp gia vị. Mọi người uống ừng ực, ăn ào ào. Tôi gắp ngay miếng thịt hổ. Cái cảm giác lần đầu tiên trong đời được ăn miếng thịt chúa sơn lâm khiến tôi vừa sung sướng, vừa hồi hộp. Nhưng vừa đưa lên miệng, cái mùi gây gây, hôi hôi, thum thủm... khiến tôi ậm oẹ hồi sáng lại dậy lên nguyên vẹn. Ba lần tôi cố đưa lên miệng, ba lần tôi phải thả xuống bát. Có lẽ, tôi đã dị ứng với mùi hổ, với thịt hổ chăng?
 
Bữa tiệc tàn cũng là lúc chúng tôi cắt cử xong các ca trực nồi cao trong suốt bảy ngày bảy đêm. Tôi và tiến sĩ Sinh chịu trách nhiệm canh chừng nồi cao ngày thứ nhất. Và thật bất ngờ, chính trong đêm đầu tiên ngồi bên vạc lửa, tôi đã được diện kiến bậc thầy nấu cao lão luyện nhất làng Văn La. Chính câu chuyện kể của thầy đã giúp tôi biết được kỹ nghệ nấu cao hổ và hé mở về một đường đây buôn hổ xuyên quốc gia mà Lực là một mắt xích.
 
Hoàng Anh Sướng

Kỳ 2: "Pháp thuật" nấu cao hổ và sự thật về đường dây buôn hổ

Bạn đang đọc bài viết "Khởi đăng phóng sự điều tra thâm nhập đường dây buôn hổ và thịt hổ: Chúa sơn lâm vùi thây trong vạc lửa" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.