Khởi đăng loạt bài "Phăng đỏ" của Trương Vân Ngọc: Tiếng gọi miền biên tái (Phần 1)

22/02/2016 13:40

Theo dõi trên

Tôi là Ngọc, năm ấy vừa tròn mười tám tuổi, là anh cả của ba đứa em. Bố mẹ đều nghỉ mất sức, về địa phương làm tự do. Tôi vất vả và thiếu thốn tình cảm từ bé, ai cũng bảo già trước tuổi. Ở trên lớp, mọi người toàn gọi Ngọc “lão”.

Tốt nghiệp phổ thông, nhìn bè bạn đi thi hết trường nọ đến trường kia mà thấy tủi. Nhà nghèo, đông người, cuộc sống chật vật quanh năm chỉ lo mỗi cái ăn mà còn lao đao. Tôi đã có dự định riêng, sẽ quyết tâm thực hiện cho bằng được. Nắng thì vẫn nắng, mưa kệ mưa. Ở nhà một năm, tôi xách balo lên vai và đi. Bố nói “Đi cho chân cứng đá mềm”. Mẹ khóc suốt đêm, nước mắt của mẹ như nước a - xít bào mòn sự quyết tâm, nhưng sáng hôm sau tôi vẫn lên đường.
 

Chuyến tàu dừng ở ga Phúc Yên khá lâu, đầu máy hơi nước thở phì phò. Bác lái và phụ tàu quần áo đen nhẻm bụi than. Lần đầu tiên trong đời xuất hành một chuyến đi xa, tôi chẳng thấy buồn cũng chẳng thấy vui. Về tình cảm, tôi có cô bạn gái rất thân, thân đến mức chạm tới ranh giới giữa tình yêu và tình bạn. Nàng tên Thuý, nhưng tôi quen gọi Phăng Đỏ, sở dĩ như vậy là bởi hai đứa rất thích loài hoa này. Tôi ngóng Phăng đến lúc tàu sắp chuyển bánh thì nàng xuất hiện, nước mắt ngắn nước mắt dài. Phăng đang học đại học năm thứ hai, ngày mai đầu tuần, cho nên chiều nay cũng đáp tàu xuôi xuống Hà Nội học. Không thể lấn ná ở nhà mãi, tôi phải đi, mặc dù chưa biết cuộc đời ra sao. Phăng thôi sụt sịt, nàng vội đưa cho tôi một cái túi nhỏ rồi chạy vào trong nhà ga, khoảng khắc cuối cùng chỉ có thế. Nhành phăng đỏ trong túi vẫn tươi, tôi hiểu ý nàng. Ba năm chung lớp chung trường, hai đứa có nhiều kỷ niệm mà vẫn chưa nói với nhau điều gì. Tôi vẫn chưa cảm nhận được thế nào là tình yêu, chỉ thấy quy quý, vắng nhau thì nhơ nhớ.

Chú Sáng bảo “Mày không đi học thì lên đây với tao, trên này thiếu cha gì việc”. Chú Sáng là em họ bố tôi, chú làm cửu vạn trên Lào Cai, chỗ chú trọ là khu lán trại tạm bợ gần cầu Sắt. Tất cả dân cửu vạn đều ở như chú. Giữa đám lau nhau hơn chục thằng, chú điệu tôi ra giữa và nói như quát “Đây là thằng Ngọc, cháu tao. Chúng mày cố chia cho nó miếng cơm. Mẹ kiếp, thằng nào gây sự đừng trách bố mày ác”. Tôi bắt tay vào việc, vừa làm vừa học. Nói cho oai chứ cái nghề cửu vạn chỉ khoẻ và dai sức thôi chứ cần gì đâu. Con sông Nậm Thi vắt qua thị xã Lào Cai tạo thành đường biên giới tự nhiên, phía bên kia là thị trấn Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc, mùa nước cạn, bọn cửu vạn tìm được chỗ nông có thể lội qua, dân buôn lậu gọi là đường tiểu ngạch. Tuy sát biên giới, đường chính ngạch ô tô qua được, nhưng việc đánh hàng lậu từ phía bên kia sang là điều vô cùng khó, bởi phải đóng thuế và biên phòng, hải quan kiểm tra gắt gao, do đó bọn chủ hàng mới cần tới lực lượng cửu vạn như chú cháu tôi. Ngày đầu tiên chưa quen, chú Sáng chỉ cho tôi gùi ít và toàn đồ nhẹ. Tôi cứ cố cho bằng anh em, chú chửi “Mẹ kiếp, bố con nhà mày tham như mõ, tiền thiên hạ đầy kìa, cứ lo không lấy hết. Vác nặng qua suối sụn mẹ nó lưng mày ra rồi ngồi đấy mà ăn vạ ông à”. Cả ngày tôi vác được năm chuyến hàng, vị chi khoảng một tạ, ngày nào lấy tiền công ngày ấy. Cơm nước xong, thằng Tổ “Chưởng” ném toẹt mấy tờ bạc xuống trước mặt tôi và bảo “Đây là tiền công của mày, ngày đầu thế là khoẻ đấy”. Thằng Tổ "Chưởng", tên nó là Tổ, vì bố nó là Chưởng nên ghép tên. Mới đầu ai cũng tưởng nó là tổ trưởng gì đấy. Tôi không nói, chỉ nhét tiền vào túi. Mười lăm nghìn. Trưa nay chú Sáng bao cơm, tối chắc thằng nào thằng ấy lo. Tôi chỉ thấy mệt, không cảm giác đói. Chui vào tận trong cùng lán, tôi rút ra cây nến nhỏ bằng đầu ngón tay châm. Ngọn lửa leo lét toả thứ ánh sáng đỏ đòng đọc. Lấy balo làm bàn, tôi lặng lẽ viết thư cho Phăng “Cốc Lếu ngày .. tháng … Đằng ấy xuống trường rồi đúng không? Trên này mưa nhiều lắm, trời rất mát, người ta đã cố hết sức nhưng nhành phăng đỏ vẫn héo. Không biết ngày mai nó có tươi lại không, nhưng vẫn mong có ngày chúng mình sẽ gặp lại nhau”. Chú Sáng cau mặt “Mày điên bỏ mẹ, thơ với thẩn, ngủ đi, mai còn lấy sức mà làm. Lười nhác hỏng việc là bố mày tống cổ về đấy”. Nói xong, chú rướn cái cổ gà chọi ra, tay với cái điếu cày, một lát tiếng sòng sọc vang lên, khói nghi ngút mờ mịt hết cả lán. Thằng Thụ ồm ồm “Bắn bi thuốc lào nâng cao sĩ diện”, nó chỉ chực chú rít xong là đón lấy cái ống điếu, động tác cũng y hệt. Liên tiếp ba bốn đợt sòng sọc, căn lán chật chội trở lên quá nhỏ bé so với lượng khói thuốc tuôn ra. Tôi ho sù sụ, cả lán nhìn tôi cười phá lên. Thằng Tổ “Chưởng” bảo “Để tao cho cu Ngọc vào đời”. Chú Sáng nói “kệ nó”. Nằm cạnh tôi, anh Đông “móm” thì thào “Mày mất trinh chưa cu” Tôi ngơ ngác “Em con trai, có trinh đâu mà mất”. Hắn cười rũ rượi, kể đi kể lại làm cả lán bò ra. Chú Sáng quát “Tiên sư chúng mày, ngủ đi. Mai đứa nào ngáp, bố mày nhét sỏi vào mồm đấy”. Im lặng được một lúc, cả lán vang rền những tiếng ngáy như sấm. Đêm đầu tiên lạ nhà, tôi trằn trọc. Tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái giun dế phía bờ sông tất cả hoà thành bản nhạc giao hưởng ru tôi vào giấc ngủ mệt nhọc, thảng thốt.
 
Ngày thứ hai. Vừa mở mắt, phía bên kia Hà Khẩu vang lên tiếng đài phát thanh “Chơi sư Yún Nán quảng bua ten thái”. Thấy tôi chú ý lắng nghe, thằng Tổ “Chưởng” giải thích “Đấy là đài phát thanh Vân Nam đó. Mày chịu khó học ít tiếng Khựa, thế nào cũng có lúc dùng đến”. Anh Đông “móm” thì thầm “Hôm nay bốc hàng cho mụ Reng, mày cẩn thận kẻo nó sờ chim”. Tôi hỏi mụ Reng là người Tung Của à, hắn bảo ừ, mụ dê bỏ mẹ, nhìn thấy trai tơ là mắt rực lên. Chú Sáng chửi “Tiên sư mày, đừng doạ nó”. Kho hàng mụ Reng xa hơn hôm qua một đoạn. Hàng toàn đồ sứ, nặng chùn lưng. Tôi cố gùi nhiều hơn nhưng chú Sáng vẫn chưa cho, ý chú là tập vài hôm cho quen, đồ sứ dễ vỡ lại đắt tiền, nhỡ ra có mà đền vỡ mồm. Buổi sáng sung sức, tôi làm được ba chuyến. Trưa, cả bọn nghỉ bên chợ Hà Khẩu. Mệt, đói, thằng nào cũng phiểng bay suất cơm tám trăm đồng và một chai bia Li Quang. Cơm Tàu, vợ Nhật, nhưng chả khác gì bên mình: Một ít dưa, vài con cá bống kho, chút canh rau ngót và mấy miếng thịt bạc nhạc. Ăn ở bên mình, nếu như thế chỉ hết năm trăm đồng, nhưng không thể chạy không về ăn miếng cơm xong lại sang. Anh Đông “móm” nói với chú Sáng “Cả buổi không thấy mặt mụ Reng”. Chú Sáng mỉa “Mày phải lòng nó à”, hắn nói “Lòng với ruột mẹ gì, em chỉ muốn nó tăng chút tiền công”. Chú Sáng chửi “Tiên sư mày tham như mõ, thế là cao rồi, mày muốn nuốt cả xè beng nhà nó à. Tấu vừa thôi, nó hâm lên thì bỏ mẹ”. Sở dĩ chú Sáng nói vậy là bởi các mối làm ăn đều do chú tìm. Chú giải thích “Mụ Reng buôn bán lớn, có việc lâu dài ổn định, chuyện dâm dê mặc cha nó, miễn có tiền”. Thằng Tổ “Chưởng” chìa bao thuốc Xin Hua bảo tôi “Làm bi cho đỡ mệt” Tôi lắc đầu, nó bảo “Sau này vật, cấm xin”. Buổi chiều nóng nực, lại phải đi đường vòng, nên ai cũng oải. Tôi lẳng lặng, không kêu ca phàn nàn. Chú Sáng lẩm bẩm “Thế mà cái thằng cha mày lúc nào cũng chê là đồ ăn hại. Ráng nghe con, khi nào đủ bạc triệu, sắm được cái xe Min về quê mà chạy xe ôm cho đỡ cực”. Gùi chuyến cuối cùng của buổi chiều, tôi đã gặp mụ chủ hàng. Trước khi về, thằng Tổ “Chưởng” xổ dăm ba câu gì đó với Reng, mụ ta tiến đến bên tôi và dịu dàng “Nỉ cheo sấn mơ, chin nén tua sảo suây?” Tổ không để tôi nói đã vội phiên dịch “mày tên gì, bao tuổi”. Tôi trả lời bằng tiếng Trung học được ở trung tâm ngoại ngữ ngay nhà “Cháu tên Ngọc, năm nay mười chín tuổi”. Mụ cười đon đả, vừa quay vào trong vừa nói “Chinh nén, chinh nén. Khửa ai, khửa ai”. Tổ ta hất hàm “Mày hiểu không?” Tôi nói hiểu, mụ bảo trẻ quá, đáng yêu quá chứ gì. Chú Sáng bảo “Mày giỏi nhỉ, biết cả tiếng Trung cơ à”. Bỗng mụ kéo tay tôi nói rất nhỏ, đại ý là em ở lại làm cho chị được không. Tôi bảo “Được”. Chú Sáng trừng mắt “Mày không sợ chết à”. Tôi cương quyết “Không”. Cả lũ cười hô hố. Tôi quay lại nói với Reng “Nếu cô ưng, cháu sẽ ở lại phụ việc” Đương nhiên mụ gật, đôi mắt một mí him híp nhìn như dán vào tôi. Thấy tôi có vẻ lúng túng, mụ liền rút ngay tờ năm tệ dúi vào tay khiến cả bọn kinh ngạc. Chú Sáng kết luận “Nó hơn tao với chúng mày cái đầu”. Mụ Reng khen tôi phát âm tiếng Trung dễ nghe, nếu đồng ý làm cho mụ lâu dài, mụ sẽ kèm cặp thêm. Mụ trả công mỗi ngày ba chục bao ăn ở. Tôi chạy về lán lấy quần áo và đồ dùng cá nhân. Cả lán nhao lên. Thằng Dưỡng còm cười khẩy “Vụ này cu Ngọc chắc gì chịu được nhiệt”. Tôi đưa cho chú Sáng hai chục, tôi muốn đãi cả lán một bữa ra trò. Tôi bảo với anh Đông “móm” nhưng cố tình nói to cho mọi người nghe thấy “Anh yên tâm, không đứa nào làm gì em được đâu”. Cả lán cười ha hả, bia bật lên bùm bụp. Mùi chả nướng, mùi mắm tôm, mùi thuốc lào trộn lẫn hoà trong tiếng người sa sả khiến tôi nhớ nhà đến nao lòng.
 
Tôi ở chỗ mụ Reng được hơn ba tuần lễ thì bị ngã nước. Người nóng bỏng, sốt xình xịch. Mụ sai người đi mua thuốc, chả biết cho uống gì mà cả đêm hôm đó tôi mê man, ngủ như chết. Ban ngày mọi người đi làm hết, nằm một mình, lạc lõng, buồn vu vơ. Trưa, định cố gượng bò ra kiếm gì bỏ bụng, chợt có tiếng động. Mụ Reng vào, trên tay bê bát cháo nóng toả khói nghi ngút. Mụ bảo “Em ăn đi” Tôi đỡ lấy bát cháo, cảm động nhìn mụ biết ơn. Cái mặt mụ mọi ngày to như mẹt bánh đúc, giờ nhìn thấy thân thiện đáng yêu. Dưới con mắt của kẻ được cứu mạng, ân nhân của mình lúc nào cũng đáng yêu. Ăn xong, mụ ghé mông ngồi sát bên tôi nhỏ nhẹ “Từ mai em lên nhà trên ở với chị”. Tôi thắc mắc, mụ tiếp “Chị nằm một mình cô đơn”. Tôi ngây ra không hiểu, Reng dỗ dành “Đồng ý đi, em không phải bốc vác nữa, Reng sẽ cho nhiều tiền”. Sực nhớ lời anh Đông và bắt đầu lờ mờ hiểu vấn đề, tôi lắc đầu “Không được”. Reng vẫn nhẹ nhàng “Sao lại không”. Mồm nói tay xoa lên đầu, lên vai tôi. Thấy không có phản ứng, mụ chồm lên ôm lấy tôi miệng lảm nhảm “ngoan nào cưng, ủa ai nỉ”. Tôi bất ngờ, chân tay lẩy bẩy, cảm giác lạnh sống lưng. Reng vẫn ôm tôi bằng đôi tay Hộ pháp. Một lúc lâu lấy lại bình tĩnh, tôi gỡ tay mụ dứt khoát “Cô buông ra đi. Cửa mở, người ta nhìn thấy thì chết”. Mụ vẫn sấn sổ, mắt đờ đẫn. Cái khối thị nặng gần một tạ đè lên khiến tôi mất đà ngã xuống giường. Tay mụ bắt đầu sờ soạng, miệng rên rỉ đầy khoái cảm “Vào tay chị rồi cưng không thoát được đâu”. Tôi cố tránh cái miệng đầy răng và nồng nặc mùi rượu đang chỉ chực ngoạm vào môi. Cặp hồng đào ngoại cỡ đang đè xuống ngực, khiến tôi ngộp thở. Cặp ngoại cỡ ấy làm tôi nhớ cái dây phơi của mụ võng xuống bởi hàng “quang gánh” mà mỗi cái phải to bằng một góc chăn con công. Đang trong lúc gay cấn, cái cảm giác va chạm xác thịt lần đầu tiên bỗng xuất hiện lạ lẫm mâu thuẫn. Sự thích thú, khao khát, thèm muốn chen lẫn sợ sệt đang giằng xé trong phần con và phần người của gã trai mười tám tuổi. Đúng lúc ấy, không hiểu sao tôi lại nghĩ ra được cách hoãn binh, tôi nhẹ nhàng bảo Reng “Thôi được rồi, để tôi ngồi dậy đã, Reng không biết tôi đang ốm sao?”. Lời nói có tác dụng, mụ đỏ mặt, ngừng lại. Tôi bồi tiếp “Đợi tôi khoẻ lại, tôi sẽ chiều theo ý cô. Bây giờ cô hãy để tôi yên”. Reng nghe lời tôi nhưng ánh mắt vẫn ánh lên sự thèm thuồng mời gọi, trước khi ra khỏi phòng còn dúi vào túi áo mười tờ năm tệ. Tôi bảo “Reng cất tiền đi”. Mụ vờ như không nghe thấy, nghiêng người hôn vào má tôi đánh chụt một cái rồi ngoãy mông to như lồng bàn bước nhanh ra cửa. Căn phòng sáng hẳn lên khi mụ khuất bóng, tôi phải mất cả tiếng đồng hồ mới cảm nhận hết những gì vừa xảy ra.
 
Ngay đêm hôm đó, tôi trèo tường, cố lách người trườn ra ngoài. Tôi chạy như bay về phía cầu Sập. Tôi không về đường cầu Sắt vì không muốn trở lại lán chú Sáng. Tôi thấy ân hận, xấu hổ. Anh Đông tuy hay đùa nhưng nói cũng phải, hắn cam đoan với cả lán là tôi sang làm cho mụ kiểu gì cũng bị dính tình. Nhưng thôi, trong cái rủi vẫn có cái may, tôi vẫn nguyên vẹn, không sao cả. Bất giác tôi nhớ Phăng, giờ này chắc hẳn nàng đã đi ngủ. Chốn phồn hoa đô thành dan díu, nàng có nhớ gì đến nhau không?. Viết cho Phăng mấy bức thư nhưng chưa gửi lần nào. Tôi bôn ba thế này, thư từ có gửi thì cũng chẳng có địa chỉ để nhận lại. Tự nhiên khoé mắt tôi rơm rớm. Tôi thấy cô đơn, nhớ nhà. Cuộc sống ngặt nghèo mà tôi mới mười chín tuổi. Từ chỗ mụ Reng tới cầu Sập cũng khá xa, khi tới bến đò thì quá khuya, mọi người đã đi ngủ. Tôi ngồi dựa trên cái ghế trong quán nước bỏ không lối xuống thuyền. Muỗi vo ve, gió man mát. Tiếng sóng nước sông Hồng ì oạp vỗ vào bờ, thỉnh thoảng tiếng chim lợn eng éch từ phía Việt Nam vọng lại khiến không gian kì bí tĩnh mịch. Tôi thiếp đi trong khi đàn muỗi no bụng.
 
Được một lát, bỗng có tiếng động khiến tôi tỉnh ngủ. Mấy thằng đầu trọc túm cổ áo tôi nói bằng tiếng Việt lơ lớ “mày ở đâu đến đây?”, tôi trả lời “Mấy anh tha cho em, em bị lạc” Thằng trọc đầu áo phông giơ tay tát tôi mấy cái, tôi tối sầm mặt mũi, máu mũi máu mồm tràn vào miệng mằn mặn. Thằng lùn nói “Nó có tiền”. Thằng khác lại nói “Cho nó chầu ông vải” Không để tôi thanh minh van xin, ba bốn thằng thi nhau đấm đá. Tôi ngất đi không biết gì nữa. Tỉnh dậy thấy mình nằm trên chiếc gường gỗ ọp ẹp, áo quần tả tơi loang lổ máu, mặt mũi quấn đầy băng. Chưa nhớ sự việc xảy ra như thế nào, thì từ phía ngoài, một bóng đàn bà bước vào. “Cậu tỉnh rồi hả?” Tôi ngơ ngác thều thào “Ở đây là đâu hả cô?” Người đàn bà đáp “Đây là khu trọ cầu Sập, cậu bị bọn bảo kê đánh, giờ thì nói cho chị nghe nguồn cơn xem nào”. Tôi gượng kể lại tất cả, người đàn bà chăm chú nghe và thở dài “Thôi cứ ở đây với chị, khi nào khoẻ lại, chị sẽ kiếm việc cho”.
 
Tôi ở lại nhà trọ của chị Du hai tuần thì sức khoẻ đã bình phục. Mang ơn chị, tôi bằng lòng theo chị vừa làm phiên dịch, vừa làm cửu vạn. Chị Du buôn bán nhỏ, chuyên thu gom hàng từ các đầu mối rồi gạt lại cho các lái buôn từ Việt Nam sang bằng thuyền máy. Quê chị ở Bắc Ninh, chồng và ba đứa con ở nhà làm ruộng. Chị là người đàn bà từng trải, người thô, nhưng rắn dỏi. Ở đời thường có câu “Những kẻ mắt trắng môi thâm. Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người” nhưng tôi thấy chị rất tốt, ít nhất là đối với tôi. Ở nơi đất khách quê người này, chị trụ được là quá giỏi và bản lĩnh rồi. Tôi theo chân chị được hai tháng, lúc này trời đã vào đông, rất lạnh. Buổi sáng chị gom đồ sành sứ, chiều thì bia rượu. Còn lúc nhập nhoạng tối chị nhập vải. Những cửu vạn quấn đầy mình rồi khoác chiếc áo choàng để qua khu kiểm soát, vì thế mùa đông là mùa của dân lậu vải. Thứ hàng bán chạy nhất đó là vải hoa con công, người ta thường dùng nó để may thành vỏ chăn. Chị Du phân tích “Vải thưa che mắt thánh, nó lờ đi cho thì được chứ thích bắt có mà chết cả lũ”. Tôi làm việc đến gần tết thì chị bảo “Cậu về quê với chị”. Tôi nói “Chị cho em ở lại”. Chị Du ngạc nhiên “Sao thế”. Tôi cười buồn “Em chưa muốn về”. Mấy ngày tết tôi ở lại cầu Sập. Tết Tàu cũng như tết ta, pháo nổ inh ỏi, người tuôn ra đường đông như kiến. Dân buôn bán, cửu vạn và lao động chân tay về hết chỉ còn lại người bản địa. Tôi chèo chiếc thuyền con về Việt Nam, tìm tới khu lán chú Sáng. Thật ngạc nhiên khi thấy cả khu lao động bị giải toả tự bao giờ. Đang bồi hồi ngơ ngác thì gặp bà Thi bán cơm đi chúc tết, nhận ra tôi và đoán được sự thắc mắc, bà giải thích “Chính quyền thị xã chuyển họ về khu ga Lào Cai cách đây gần hai tháng. Ông Sáng bị tai nạn cũng về quê lâu rồi.
 
Khoảng vài tuần trước có cô gái trạc tuổi cháu cứ tha thẩn trước quán của bà, hỏi ra mới biết nó tìm cháu”. Tôi chợt hiểu sự tình liền chạy vội ra ga, vừa kịp chuyến tàu xuôi Hà Nội. Tôi quyết định về nhà, chấp nhận mọi sự bão táp đổ lên đầu. Chú Sáng chửi “Tiên sư cái loại cháu mất dạy”. Ba tôi bất chấp ngày tết, đè tôi nằm sấp xuống vụt gãy liền ba cái tay tre. Tôi cắn răng chịu đựng không kêu van nửa tiếng. Mẹ tôi chỉ khóc. Tối, Phăng sang nhà. Nó lẳng lặng lấy dầu xoa những vết thương. Tôi nói nhỏ “Mình có lỗi”. Phăng bật khóc “Cả họ tìm đằng ấy”. Tôi đưa cho Phăng một trăm, nó đẩy ra, bảo không cần tiền. Nàng yêu cầu tôi ở nhà. Ý muốn tôi đợi nàng học xong. Tôi gật đầu im lặng. Mùng sáu tết, hai đứa đi hội đền Hai Bà Trưng. Lần đầu tiên nó gọi anh và nài nỉ “Đằng ấy về ôn thi tiếp đi”. Lại gật đầu im lặng. Bên Phăng cả ngày mà lòng buồn rười rượi, bởi tôi chưa biết giữ nàng bằng cách nào. Tôi chỉ có hai bàn tay trắng và vừa mới tròn hai mươi tuổi. Còn Phăng, một sinh viên đại học ngoại ngữ năm hai. Liệu sau này, nàng còn chung tình với một thằng tay trắng kiết xác như tôi? Vật đổi sáo rời, lời hứa gió bay, biết lấy gì làm bằng.
 
Tôi ở nhà phụ giúp gia đình, không khí trong nhà tạm lắng dịu. Nhờ số tiền tôi mang về, bố mở hàng cháo lòng tiết canh, nhưng tính ông nóng nảy thành ra ít khách. Mẹ tôi từ ngày giải ngũ, bà sinh lầm lì ít nói. Bà là thanh niên xung phong lái xe tải lương dọc tuyến đường Trường Sơn. Giờ về mất sức, lĩnh một cục, bà nhớ xe, nhớ đồng đội, lắm lúc cứ như người ngớ ngẩn. Cả nhà sáu miệng ăn đều trông chờ vào cái quán cháo lòng bé xíu lọt thỏm giữa thị trấn. Tôi rất muốn đi ôn học lại, nhưng lấy đâu ra tiền. Ba đứa em cũng đang độ tuổi ăn học, gia cảnh ngày càng lâm vào bí bách. Mỗi lần cáu giận, ba toàn chửi chúng tôi là đồ ăn hại, vô tích sự. Tôi rất cực, cảm thấy đau đớn tự trong tim. Ở nhà hết tháng giêng, tôi viết cho Phăng một lá thư đại ý không thể thực hiện lời hứa, không thể chờ em được. Tôi phải đi.
 
Tôi giấu cả nhà lên Lào Cai lần thứ hai.
 
Đúng ngày hăm mốt tháng ba, tôi vừa tròn hai mươi tuổi.
 
Tôi sẽ làm, sẽ kiếm khoản tiền đủ để về đi học. Tôi nghĩ tới lũ em nhếch nhác của tôi, ít ra, nếu không thực hiện ước mơ cho mình thì cũng không để chúng thất học. Và cương quyết leo lên tàu, tìm cho mình một chỗ ngồi, ngả lưng vào ghế, nhắm mắt. Tiếng gọi miền biên tái như thúc giục, tôi phó mặc tất cả cho số phận. Đoàn tàu ì ạch nặng nề trườn ra khỏi ga Phúc Yên, để lại một vệt khói trắng hoà vào những đám mây giật lùi phía sau.

Phần II: Nước mắt dòng Nậm Thi

 
Trương Vân Ngọc

Bạn đang đọc bài viết "Khởi đăng loạt bài "Phăng đỏ" của Trương Vân Ngọc: Tiếng gọi miền biên tái (Phần 1)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.