Khởi công xây dựng công trình Đại Bảo Tháp Chùa Ba Vàng

21/02/2017 08:16

Theo dõi trên

Đại Bảo Tháp chùa Ba Vàng dự kiến thi công trên đình núi Ba Vàng với quy mô lớn và vô cùng rực rỡ.

Thông tin trên website của chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, từ đầu năm nay (2017) chùa Ba Vàng chính thức triển khai xây dựng công trình Đại bảo tháp chùa Ba Vàng ở trên đỉnh núi phía sau chùa, thuộc quần thể nhà chùa.



Mô hình Bảo Tháp dự kiến thi công trên đỉnh núi Ba Vàng.

Đại bảo tháp chùa Ba Vàng được thiết kế với chiều cao 33m. Trong đó có 1 tháp chính và 4 tháp phụ xung quanh. Công trình có kết cấu bằng đồng nguyên chất dát vàng. Dự kiến nguyên liệu thực hiện là hơn 300 tấn đồng. Thời gian thi công dự kiến từ năm 2017 đến năm 2020. Công trình được một Công ty ở Thạch Thất - Hà Nội thiết kế, dựa theo thiết kế của Bảo tháp Đại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, tượng trưng cho sự giác ngộ của Đức Phật tại cõi đời như đóa hoa sen trong bùn vươn lên thoát khỏi bùn nhơ.

Đây là tòa tháp được vua A-Dục xây dựng vào khoảng 250 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, nhằm để tưởng niệm nơi thành đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cũng theo thông tin từ chùa Ba Vàng, nếu như hoa văn của Bảo tháp Đại Giác Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ được thiết kế theo kiến trúc văn hóa Phật giáo Ấn Độ, thì hoa văn của Đại Bảo Tháp chùa Ba Vàng được thiết kế với kiến trúc văn hóa Việt Nam đời nhà Trần thế kỷ 13.




Chùa Ba Vàng ở Uông Bí, Quảng Ninh.

Sau khi hoàn thành, Đại bảo tháp chùa Ba Vàng sẽ là điểm nhấn kiến trúc độc đáo trong quần thể chùa Ba Vàng. Khi hoàn thiện, Tầng 1 của Đại bảo tháp sẽ là nơi thờ tự và du khách tham quan; Tầng 2 và tầng 3 sẽ là nơi thờ Xá Lợi Phật và Kinh Bát Nhã.

Chùa Ba Vàng toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, chùa còn có tên gọi là Bảo Quang tự, tên dân gian thường gọi là Ba Vàng. Chùa nằm ở độ cao 340m trên một vị trí rất đẹp ở phía tây thành phố Uông Bí, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn với muôn trùng sóng vỗ. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống. Chùa Ba Vàng Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào.

Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659 - 1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13. Hiện nay chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng.

Hiện vật đáng chú ý nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại tới hôm nay là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá cao 0,52 m, rộng 0,38 m, dày 0,12 m, 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2 m 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22 m. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc. Riêng cây hương bằng đá, phần lớn chữ ở mặt bia đã bị phai mờ, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia ghi các chữ: Thành Đẳng Sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ. Nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.


Đình Dũng – Trang Nhi

Nguồn: giadinhphapluat.vn/KD&PL
Bạn đang đọc bài viết "Khởi công xây dựng công trình Đại Bảo Tháp Chùa Ba Vàng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.