Khi Tổ quốc là trên hết!

17/10/2014 21:33

Theo dõi trên

Là con tàu đầu tiên ra làm nhiệm vụ tại vùng biển chủ quyền ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép. Vượt qua bao khó khăn, tàu Kiểm Ngư 22 (KN22) đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và trở về sau chuyến hành trình dài tổng cộng 74 ngày chấp pháp trên biển. Đằng sau nhiệm vụ với họ là cả những cuộc đời, những nỗi niềm trăn trở.



Tàu KN 22 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 

Kiên cường bám biển

Những ngày cuối tháng 8, biển Đà Nẵng xanh ngắt yên bình với những con sóng nhỏ khẽ rì rào vỗ bờ cát trắng. Ngoài kia, giàn khoan HD 981 như con quái thú hung hãn đã rời đi trả lại sự tĩnh lặng cho vùng biển chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Các anh, những cán bộ kiểm ngư trên tàu KN 22 sau những ngày kiên cường bám biển làm nhiệm vụ đã lặng lẽ trở về. 

Trong khi hầu hết các đồng nghiệp đã trở về đất liền trước đó thì tận đến ngày 17.7, tàu KN 22 cùng  các cán bộ kiểm ngư trên tàu mới trở về cảng Đà Nẵng. Lên đường ra làm nhiệm vụ tại biển Hoàng Sa vào ngày 2/5 ngay sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoa HD 981 vào vùng biển chủ quyền Việt Nam. Tàu KN22 Không chỉ là tàu có mặt đầu tiên tại vùng biển Hoàng Sa mà còn là tàu thực thi nhiệm vụ chấp pháp cuối cùng trở về.

Trong chuyến hải trình làm nhiệm vụ của mình, tàu KN22 là tàu thực thi pháp luật duy nhất của Việt Nam tiếp cận được giàn khoan HD 981 ở khoảng cách gần nhất - 3,5 hải lý. Tổng cộng 74 ngày làm nhiệm vụ, tàu KN22 đã có 268 lần vào tiếp cận chấp pháp tại sát khu vực giàn khoan. Bởi là tàu mũi nhọn làm nhiệm vụ tiến sát giàn khoan nên tàu KN22 cũng là mục tiêu chính mà các tàu Trung Quốc tập trung đâm húc, tấn công nhiều nhất.

“Tàu chúng tôi 8 lần bị các tàu Trung Quốc đâm va, trong đó có 3 lần nặng nhất. Vừa ra làm nhiệm vụ một hôm thì đã bị tàu đã bị Tàu HQ 3101 của Trung Quốc đâm va phun vòi rồng khiến hai cán bộ kiểm ngư bị thương. Đến hôm 25/5 thì tàu bị tàu Hữu Liên 09 tấn công tiếp, lần này 4 cán bộ trên tàu bị thương, trong đó nặng nhất là thuyền trưởng Lê Minh Phúc, anh Phúc bị thương phải khâu đến 15 mũi”, anh Trần Văn Huy, cán bộ kiểm ngư tàu KN 22 kể lại.

Những hy sinh thầm lặng

Để hoàn thành nhiệm vụ, các cán bộ kiểm ngư tàu KN22 đã phải vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh của bản thân, thậm chí có người còn phải gác lại hạnh phúc riêng tư cá nhân vì trọng trách mà Tổ quốc đã giao phó.

Anh Bùi Thế Vũ (SN 1985), cán bộ kiểm ngư, thuyền phó tàu KN22, sau khi học xong đại học, anh được phân công nhiệm vụ rồi thì quanh năm suốt tháng cứ lênh đênh trên biển với những chuyến hải trình... 

Bao năm gác lại chuyện tình cảm để dành thời gian cho công việc, cho đến tháng 3 đầu năm nay anh Vũ đã bất ngờ bén duyên rồi lập gia đình cùng với một cô giáo trẻ. Tưởng chừng hạnh phúc của đôi trẻ sẽ tiếp tục với chuỗi ngày nghĩ tuần trăng mật, thế nhưng ngay khi vừa lấy vợ xong đang ấp ủ kế hoạch đi nghỉ thì xảy ra sự việc Trung Quốc vào hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông, vùng biển thuộc thềm lục địa và quyền tài phán của Việt Nam. Gác lại dự định nghỉ tuần trăng mật, anh Vũ tức tốc có mặt tại Đà Nẵng để cùng anh em cán bộ tàu KN22 lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.

“Thì cũng đành gác lại dự định đi nghỉ cùng vợ thôi, nhiệm vụ tổ quốc là trên hết mà! Hôm đó 2 vợ chồng mới định đi du lịch Bà Nà Hill chơi rồi đi nghỉ tuần trăng mật luôn, nhưng rồi ngay tối đó có lệnh điều động các cán bộ tức tốc ra khơi làm nhiệm vụ nên mình đành gác lại ý định đó với vợ vậy!”, anh  Vũ chia sẻ. 

Thuyền trưởng tàu KN22 anh Lê Minh Phúc, quê ở Nghệ An, người đã bị thương nặng phải khâu 15 mủi vào ngày 25/5 khi bị tàu Hải Liên Trung Quốc tấn công, trong suốt những ngày làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, ở nhà con gái anh Phúc là bé Lê Thị Ngọc Oanh (8 tuổi) bất ngờ phát bệnh thần kinh ngoại biên, lên cơn co giật và đau đầu dữ dội. Người vợ trẻ của anh Phúc là chị Bùi Thị Hiền lúc này đánh phải bỏ dỡ công việc đưa con ra tận Hà Nội chữa trị. Mặc dù nóng ruột trước bệnh tình của con, nhưng anh Phúc đã vẫn giữ vững tin thần, kiên trì bám trụ làm nhiệm vụ chỉ huy các cán bộ kiểm ngư trên tàu KN22 thực hiện công việc chấp pháp cho đến ngày phía Trung Quốc di dời dàn khoan. 

Ngay sau khi tàu Kiểm ngư KN 22 cập bến sau chuyến hải trình 74 ngày, cấp trên đã cho anh Phúc được nghỉ  phép để về nhà thăm con.

Cùng hoàn cảnh như anh Lê Minh Phúc, anh Trần Văn Huy, cán bộ kiểm ngư tàu KN22 trong những ngày làm thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển thì ở quê người anh trai của anh Huy đột ngột qua đời. Cùng lúc, bố anh Huy cũng bị tai nạn nghiêm trọng chảy máu não phải nhập viện. Mặc dù sự việc đau lòng xảy ra nhưng anh Phúc đành nén đau thương để tiếp tục đồng hành cùng các cán bộ kiểm ngư tàu KN22 đi thẳng ra vùng biển chủ quyền mà Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan để khẩn trương làm nhiệm vụ chấp pháp.

“Anh mất là anh thứ 2 trong gia đình, đáng lẽ ra anh mất thì mình phải ở nhà đội tang, nhưng nhiệm vụ Tổ quốc là trên hết. Hoàn cảnh như vậy nên gia đình cũng thông cảm. Anh em trên tàu cũng động viên nhau, hiểu cho nhau nên mọi người đồng tâm hiệp lực toàn tâm vì nhiệm vụ”, anh Huy tâm sự. 

Cũng vì nhiệm vụ, nên anh Huy lấy vợ khá muộn, đến năm 32 tuổi anh mới lập gia đình. Quanh năm lênh đênh trên mặt biển nên cũng phải đến 7 năm sau vợ chồng anh mới có con đầu lòng. 

“Vật lộn mãi mới được đứa con, nhưng rồi phải ra biển đi làm nhiệm vụ để vợ con ở nhà. Đến khi mình trở về thì con 5 tháng rồi. Nhớ con nên về gặp là ôm con cái, ai dè con thấy lạ nên lấy dép ném vào người!”, anh Huy chia sẻ.

Trải qua những con sóng lớn trên biển, những ngày đêm làm nhiệm vụ chấp pháp sẵn sàng đương đầu với sự đâm phá từ phía các tàu hải giám hải cảnh to gấp nhiều lần từ phía Trung Quốc, các anh, những cán bộ Kiểm ngư trên tàu KN22 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về. 

“Phía Trung Quốc đã rút giàn khoan về, nhưng nhiệm vụ thì vẫn chưa kết thúc, các anh em tàu KN22 đều đã sẵn sàng với nhiệm vụ mới là sẽ lại tiếp tục ra khơi để tiếp tục công việc tuần tra, cứu hộ cứu nạn, nhất là khi mùa mưa bảo đã cận kề!”, anh Huy cho biết thêm.
 
Huyền Trang

Bạn đang đọc bài viết "Khi Tổ quốc là trên hết!" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.