Ông Nguyễn Ngọc Đoán giới thiệu một số từ, câu tiếng lóng Đa Chất đã được tư liệu hóa một phần.
Ngôn ngữ độc đáo của người thợ cối
Theo chân anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó Bí thư Đoàn xã Đại Xuyên, chúng tôi tìm tới ông Nguyễn Ngọc Đoán, một thợ cối thâm niên, cũng là một trong những người am hiểu nhất về tiếng lóng Đa Chất. Vừa nhìn thấy tôi, người thợ cối 77 tuổi đã vồn vã: “Nhát thít mận, nhát thít mận”. Hiểu ý, anh Mạnh liền quay sang phiên dịch: “Ông muốn mời chúng ta uống nước”. Chúng tôi nhanh nhẹn ngồi xuống ghế, và bên chén trà xanh thơm ngát, hành trình khám phá tiếng lóng Đa Chất bắt đầu.
Người thợ cối lành nghề kể: Ngay từ năm mười mấy tuổi, ông đã theo cha, chú học nghề đóng cối và được truyền dạy tiếng lóng. Làng Đa Chất xưa nằm ở vùng chiêm trũng, quanh năm mất mùa cho nên ngoài nghề nông, đàn ông trong làng còn có nghề đóng cối xay lúa bằng tre. Và tiếng lóng sinh ra là để phục vụ cho những người thợ cối trong quá trình làm nghề, phải đi nay đây mai đó, vừa để giữ bí mật nghề nghiệp, vừa để bảo vệ nhau, lại không mất lòng người ngoài. Chẳng hạn, khi người thợ cả muốn thợ phụ lấy cho con dao, sẽ nói: “Xảo tớp hộ cái xí lừa”, hay khi thấy thợ phụ làm sai, thợ cả sẽ nói “Xấn táo rồi, bệt ngáo kìa” (làm sai rồi, nhà chủ họ trông thấy bây giờ)… Không chỉ là “mật ngữ” của những người thợ cối, tiếng lóng còn được người làng Đa Chất sử dụng trong sinh hoạt thường nhật, cho nên đến nay vẫn được sử dụng trong một số hoàn cảnh nhất định. Ông Đoán thí dụ, khi nhà có khách, muốn trẻ con trong nhà phải ăn uống từ tốn lịch sự, chủ nhà sẽ nhắc “Trẩm, chổi thít” (Đừng ăn như thế, người ta đánh giá đấy); hoặc khi đi tàu, xe, gặp kẻ móc túi, người Đa Chất sẽ đánh tiếng “Xảo tớp hách” (Có trộm đấy); hay khi đi chợ mà thấy thịt lợn không sạch, không nên mua, người ta sẽ nhắc nhau: “Nhào chẩm” (Lợn chết)… Tiếng lóng Đa Chất có kết cấu ngắn và được nói nhanh, gọn như thế cho nên thường mang nghĩa biểu ý, tức chỉ cần nói vài từ nhưng người nghe phải hiểu rộng ra nghĩa cả câu. Đây cũng là cách người làng trao đổi riêng với nhau mà người khác không thể biết. Cũng bởi thế mà tiếng lóng Đa Chất không được viết thành văn bản, cũng không được dùng hoàn toàn làm ngôn ngữ diễn đạt bởi sẽ gây sự chú ý; chủ yếu tồn tại dưới dạng câu cảm thán, mệnh lệnh, khuyên bảo… Ít thấy nhóm người nào lại có sự sáng tạo ngôn ngữ riêng để phục vụ nhu cầu nghề nghiệp, cho nên tiếng lóng của những người thợ cối Đa Chất có thể coi là sự sáng tạo hiếm có. Đáng quý hơn, đây không những là sáng tạo của cá nhân mà còn là sáng tạo tập thể của nhiều thế hệ và được lưu truyền qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Không biết thứ tiếng này có từ bao giờ, do ai trong làng sáng tạo ra, chỉ biết nó đích thị là ngôn ngữ riêng của thợ cối trong làng. Tiếng lóng cũng là dấu hiệu để những người thợ cối Đa Chất nhận diện nhau trong nhiều hoàn cảnh làm ăn xa, giúp họ tự tin, gắn kết hơn, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Đưa di sản trở về cộng đồng
Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự biến mất của nghề đóng cối, tiếng lóng Đa Chất cũng dần mai một. Trưởng thôn Đa Chất Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Đến nay, những người có thể nói sành sỏi ngôn ngữ này trong làng chỉ còn khoảng dăm người, và ai cũng đã tuổi cao sức yếu. Những người có thể nghe, hiểu và nói được ít cũng tầm 45 tuổi trở lên. Thanh niên và trẻ con thì hầu như không hiểu, thậm chí không biết tới sự tồn tại của tiếng lóng trong làng”. Đây là hiện thực tất yếu bởi tiếng lóng Đa Chất chỉ còn là thứ gắn liền ký ức xa xôi của một thời nghèo đói, cả làng lang thang khắp nơi đóng cối. Nhưng nói thế không có nghĩa là tiếng lóng Đa Chất không còn giá trị trong cuộc sống hôm nay. Bởi dẫu sao, đây vẫn là bằng chứng, là tư liệu để thế hệ sau có thể hiểu về một thời kỳ lịch sử nông nghiệp và nghề thủ công truyền thống mà ở đó sự sáng tạo đặc biệt về ngôn ngữ của cha ông đã giúp người dân Đa Chất vượt qua sự nghèo đói, khắc nghiệt của tự nhiên và những thách thức, gian nan trong quá trình hành nghề. Đây là giá trị văn hóa tinh thần hiếm gặp ở những cộng đồng xã hội khác.
Năm 2014, khi thực hiện Đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội, tiếng lóng Đa Chất đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận diện là di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2015, Sở quyết định thực hiện Dự án nghiên cứu, bảo vệ di sản ngữ văn truyền khẩu tiếng lóng Đa Chất nhằm nhận diện rõ giá trị, thực trạng di sản cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về tiếng lóng Đa Chất, tìm ra các giải pháp bảo vệ di sản văn hóa này. Bước đầu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đã thống kê được 314 từ và cụm từ tiếng lóng, trong đó có 114 từ mới so các từ và nhóm từ đã được những người đi trước ghi chép, ghi lại 35 ngữ cảnh sử dụng tiếng lóng của người Đa Chất. Cùng với việc kiến nghị các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa tiếng lóng Đa Chất vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Trung tâm cũng đã và đang thực hiện tư liệu hóa toàn bộ di sản tiếng lóng dưới dạng ghi âm, ghi hình, văn bản để đưa vào lưu trữ quốc gia; xuất bản các nghiên cứu về di sản này; xây dựng câu lạc bộ những người yêu thích tiếng lóng tại Đa Chất… Giống như cách nói của PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm là “Đưa tiếng lóng Đa Chất trở về với cộng đồng, để những người nắm giữ di sản giới thiệu, trao truyền cho thế hệ trẻ”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên Dương Ngọc Hồ cho biết: Hiện xã đang xin ý kiến để hình thành thí điểm các tua du lịch tham quan nghề làm cối xay lúa bằng tre ở Đa Chất, trong đó có sử dụng tiếng lóng Đa Chất như một phần của sản phẩm du lịch để du khách thêm hiểu về những nét độc đáo trong nghề làm cối truyền thống có từ xa xưa của người dân nơi đây. Đây là cách để di sản tiếng lóng Đa Chất có thể phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại, khuyến khích người dân tìm hiểu và thực hành tiếng lóng của làng. Ngoài ra, xã cũng sẽ thành lập các câu lạc bộ tiếng lóng Đa Chất...