Khi “tây” làm giám khảo cho “ta”: Do khan hiếm hay thích của lạ?

18/03/2015 16:28

Theo dõi trên

Thời gian gần đây, các chương trình truyền hình thực tế đều chứng tỏ sự “chịu chơi” và thương hiệu của mình bằng việc mời các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam làm giám khảo. Tốn kém thì đã rõ, nhưng hiệu quả thì chưa thấy mấy ai tạo được dấu ấn.


Adam Williams là giám khảo ngoại hiếm hoi được khán giả trong nước nhớ mặt nhờ phong cách “lưỡng tính” và cá tính. Ảnh TL

Không phải cứ ngoại là “xịn”

Tại Việt Nam, đơn vị mời các nghệ sĩ nước ngoài tham gia truyền hình thực tế đầu tiên là Công ty Cát Tiên Sa với chương trình Bước nhảy hoàn vũ. Điều này thực sự mang lại cơn gió lạ cho sân chơi và là chương trình “giữ chân” được khán giả lâu nhất mà không bị phàn nàn là bội thực như rất nhiều format khác hiện nay.

Từ sự thành công này, hàng loạt các đơn vị sản xuất chương trình giải trí khác cũng bắt tay vào cuộc tìm kiếm các ngôi sao ngoại để làm “bình mới” cho “rượu cũ”. Như một sự cạnh tranh, Công ty Multimedia cũng liên tục mời các ngôi sao ngoại về làm giám khảo cho Vietnam’s Next Top Model. Trong hai mùa liên tiếp, đơn vị này đều mạnh tay để mời giám khảo người Úc là người mẫu kiêm vũ đạo nổi tiếng Adam Williams.

Ngay từ khi xuất hiện, phong cách “lưỡng tính” của Adam đã làm thay đổi sự nhàm chán và giả tạo của Vietnam’s Next Top Model. Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong làng người mẫu cộng với sự phóng khoáng vốn có, Adam đã khuấy động không khí cho sân chơi này mà không e ngại bị phê phán là đồng tính. Anh ăn mặc điệu đà, diện quần màu hồng, thậm chí là đi cả giày cao gót để “tạo sóng” cho chương trình ngay từ khi mới ra mắt.

Nhưng giá trị của Adam không nằm ở sự “màu mè” này. Trên sàn diễn, anh đưa ra những phương pháp thị phạm khá trực diện và hữu dụng cho thí sinh nhìn thấy được nhược điểm của mình. Thay vì chỉ nhận xét, không ít lần anh “lột xác” thí sinh chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, như chỉnh sửa lại trang phục, thay giày, tạo phong cách bằng việc buộc tà áo để khoe vòng eo “con kiến” nhưng đã không được thí sinh khai thác. Từ chỗ xa lạ với hầu hết công chúng Việt, sau hai mùa làm giám khảo, Adam Williams đã trở thành giám khảo đáng nhớ nhất tại Việt Nam.

Tiếp sau Adam, đơn vị này còn mời các ngôi sao ngoại khác như chuyên gia catwalk Jay Alexander (còn gọi là Miss J), siêu mẫu Tyra Banks làm giám khảo trong đêm chung kết… nhưng hiệu quả không thực sự như số tiền mà chương trình bỏ ra. Hàng loạt các tên tuổi sau đó được đơn vị sản xuất chương trình chi tiền mời về cũng đều lâm vào tình cảnh không có “đất” để thể hiện cá tính của mình như điều mà khán giả mong chờ ở họ. Đó là biên đạo múa người Cuba Alfredo Torres (Got to dance); nhà thiết kế người Pháp Francine Pairon (Fashion Star); nghệ sĩ Ivaylo Mihaylo - Học viện Nghệ thuật Plovdiv, Bulgaria và Evelina - Giảng viên thanh nhạc và Giám đốc điều hành của Hội đồng nghệ thuật của Bulgaria (Chinh phục đỉnh cao)...

Thậm chí, việc mời các giám khảo ngoại trên sóng truyền hình trực tiếp còn khiến khán giả cảm thấy khó chịu khi phải thông qua một kênh phiên dịch. Thế nên lắm khi thật “oái oăm” là, họ chỉ ngồi cho “sang” đội hình chứ không mấy khi được phát biểu, hoặc bị hạn chế thời gian nhận xét để không gây khó cho MC khi phiên dịch và khán giả cũng không phải… chuyển kênh khi nghe họ nhận xét vì không phải ai cũng hiểu họ đang nói gì.

Khi hình thức này không còn “hot”, các nhà sản xuất đã có ngay giải pháp mềm mại hơn, đó là mời các nghệ sĩ ngoại gốc Việt. Vừa mới lạ, vừa nói được ngôn ngữ của số đông. Những tên tuổi như Thanh Bùi (The Voice Kids), John Huy Trần (So you think you can dance), Dumbo (Got to dance), Chloe Đào (Project runway) hay Luke Nguyễn và Christine Hà (MasterChef) là luồng gió mới tăng sức hút cho các show thực tế. Nhưng tổng kết lại, sức hút mà công chúng kỳ vọng, đến nay vẫn chỉ là những lời giới thiệu hoa mỹ của các đơn vị tổ chức mà thôi.

Vietnam Idol vẫn ham “rượu cũ”

Điều hết sức bất ngờ là, trong khi “làn sóng” giám khảo ngoại tỏ ra không mấy thích nghi và phù hợp với truyền hình thực tế trong nước thì đơn vị sản xuất BHD năm nay lại một mình một “chiến tuyến” khi “rước” về những hai giám khảo ngoại cho Vietnam Idol 2015. Hai nhà sản xuất Novel Jannusi và Mark Walton, với bề dày kinh nghiệm, hoạt động trong môi trường âm nhạc quốc tế được Ban tổ chức đặt kỳ vọng “tạo bước đột phá mới, mang cơ hội cho các thí sinh tiếp cận gần hơn với dòng chảy âm nhạc trên thế giới”. Trong đó, Novel Jannusi được giới thiệu là học trò cưng của “Phù thuỷ tạo hit” RedOne. Bằng tài năng, Novel từng làm nên bản hit “On The Floor” của nữ ca sĩ Jennifer Lopez. Đến nay, Novel vẫn đang hoạt động với tư cách của một nhà sản xuất - nhạc sĩ và cộng tác với hàng loạt tên tuổi đình đám thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc khắp châu Âu và Mỹ như Backstreet Boys, Kat DeLuna, Lionel Richie, Jennifer Lopez, One Direction, Jason Derulo, Nicole Schezinger, Blue, Nikki Minaj…

Mark Walton lại khiến công chúng nhớ đến như một người âm thầm đứng sau hàng loạt tượng đài âm nhạc trong những năm đầu thập kỉ 21 như Boyzone, Bewitched, Blue, Spice Girls, Take That, Madonna, U2’s Bono. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Mark đã đặc biệt bày tỏ sự hứng thú với âm nhạc, kinh doanh, đồng thời không ngừng theo đuổi niềm mơ ước “có thể tạo nên một ban nhạc Ai-len thú vị”. Giấc mơ đó không lâu sau đã trở thành hiện thực với việc thành lập nên boyband Boyzone với hơn 25 triệu album được bán ra trên toàn cầu. Sau khi Boyzone tan rã, Mark tiếp tục làm nên hiện tượng với việc tạo hit cho nhiều nhóm nhạc nổi tiếng. Tuy nhiên, cả hai nhà sản xuất này chỉ xuất hiện ngắn hạn trong vai trò hướng dẫn cho các thí sinh, đồng thời sẽ trở thành giám khảo khách mời đặc biệt trên ghế nóng sau đó.

Ngoài hai giám khảo ngoại, đơn vị tổ chức BHD còn mạnh tay mời các giám khảo nổi tiếng trong nước như ca sĩ Thu Minh, Thanh Bùi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Với các giám khảo trong nước có lợi thế hoạt ngôn và lắm chiêu, có vẻ như kết cục của hai giám khảo ngoại Novel Jannusi và Mark Walton cũng đã được nhìn thấy trước, qua các bài học nhãn tiền ở Chinh phục đỉnh cao, Got to dance,  Project runway, Vua đầu bếp…

Theo Minh Nhật (giadinh.net.vn)

Bạn đang đọc bài viết "Khi “tây” làm giám khảo cho “ta”: Do khan hiếm hay thích của lạ? " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.