Khi nào xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án Bệnh viện đa khoa 500 gường bệnh?

25/11/2014 17:35

Theo dõi trên

Từ ngày 20/5/2012 đến nay, Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam đã đăng 15 bài " Bắc Kạn: Khi nào xử lý dứt điểm vi phạm tại Dự án xây dựng BV đa khoa 500 gường bệnh?”.

Ngay sau khi thông tin lên mạng, bạn đọc đã truy cập và có những thông tin phản hồi, yêu cầu Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam tích cực hơn nữa trong điều tra, thu thập tài liệu để bạn đọc hiểu rõ vì sao lại có chuyện lạ như vậy? Thể theo yêu cầu của bạn đọc, Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam tiếp tục cho đăng tải thông tin về những khuất tất của dự án này…

Dùng “ấn chỉ” ngoài địa giới hành chính?
 
Dư luận trong tỉnh Bắc Kạn đã đặt nhiều nghi vấn: Vì sao UBND tỉnh Bắc Kạn lại có thẩm quyền ban hành Quyết định “cho phép dùng con dấu của Bệnh viện Bạch Mai vào công việc nội bộ của tỉnh Bắc Kạn? Vì sao, Bệnh viện Bạch Mai lại dùng con dấu của đơn vị mình để “ký thay” cho công việc của ngành y tế tỉnh Bắc Kạn? Ai đã chỉ đạo và cho phép làm những việc khuất tất này?...
 
Quyết định hơi… liều?
 
 
Quyết định dùng con dấu Bệnh viện Bạch Mai của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn
 
Ngày 25/8/2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định số 1442/QĐ - UBND về việc “thành lập Hội đồng Thẩm định trang thiết bị y tế của Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn và Dự án Bệnh viện đa khoa và Trung tâm đào tạo y tế tỉnh Bắc Kạn”.
 
Trong Quyết định ghi rõ; “mời” 16 người là thành viên, thì có 13 người là bác sĩ, lãnh đạo quản lý ngành y tế, 5 người công tác tại các bệnh viện của Bắc Kạn và 7 người làm việc tại các bệnh viện của Hà Nội. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có nhiều thành viên tích cực tham gia nhất là 6 người, còn người được tỉnh Bắc Kạn tin dùng nhất là Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, với nhiệm vụ được giao trong quyết định này là Chủ tịch Hội đồng.

Thế nhưng, câu chuyện để thành lập ra Hội đồng thẩm định, đang làm dư luận trong tỉnh Bắc Kạn đặt nhiều “nghi vấn”, vì nếu cứ đấu thầu mua sắm hàng hoá hay đầu tư xây dựng cơ bản, lại “thành lập Hội đồng thẩm định”, và mời những người có hàm cấp, chức vụ ở cơ quan Trung ương lên “làm thay”, thì tỉnh nghèo như Bắc Kạn sẽ lấy đâu ra tiền để “chi” cho những việc làm ngoài quy định của pháp luật?!.

Vì theo các quy định trong Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, thì Chủ đầu tư Dự án mà không có chuyên môn trong lĩnh vực chuẩn bị đầu tư, sẽ được dùng nguồn kinh phí quản lý dự án đó (dự án nào có sử dụng vốn ngân sách, đều có tiền thuê tư vấn), để thuê những đơn vị tư vấn; thiết kế, thẩm định, giám sát… mà có đầy đủ năng lực và trách nhiệm pháp lý, nhằm giúp Chủ đầu tư thực hiện những công việc được giao và Tư vấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phần việc của mình đảm nhận.

Trở lại công việc mua sắm trang thiết bị y tế cho Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, thì Đại diện Chủ đầu tư là Ban QLDAĐTXD công trình bệnh viện đa khoa, đã dùng kinh phí thuê các đơn vị tư vấn theo quy định, đồng thời có ký Hợp đồng với đơn vị; Thẩm định cấu hình là Viện trang thiết bị Bộ Y tế. Viện trang thiết bị Bộ Y tế cũng đã thẩm định các công việc được Chủ đầu tư giao theo quy định của pháp luật, và Đại diện Chủ đầu tư đã chi số tiền tư vấn Thẩm định theo quy định hiện hành, đồng nghĩa là đơn vị Tư vấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu thấy cần thiết phải xem xét cho thật kỹ lưỡng, UBND tỉnh Bắc Kạn giao nhiệm vụ cho đơn vị tham mưu là Sở Y tế xem xét và thực hiện các bước tiếp theo, trước khi tham mưu cho Chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo của Dự án. Nếu tư vấn lập nên còn thiếu phần việc nào hoặc có gì chưa rõ, thì đề nghị tư vấn cho bổ sung. Nếu vẫn chưa rõ, thì yêu cầu tư vấn giải trình cho đầy đủ theo quy định, chứ đơn vị tham mưu là Sở Y tế hay Hội đồng Thẩm định cũng không thể làm thay các công việc của đơn vị Tư vấn trong thực hiện dự án.

Còn việc UBND tỉnh Bắc Kạn cho Thành lập thêm Hội đồng Thẩm định có liên quan đến các Bộ, ngành ở Trung ương, đương nhiên là tiếp tục “chi tiền” cho việc này thêm lần nữa, sẽ lại thêm lãng phí; Cả tiền và công sức của nhà nước, kéo dài sự mong đợi của người dân đối với hưởng lợi từ dự án này.
 
Bởi nếu làm đúng theo quy định của pháp luật, thì Dự án bệnh viện 500 gường bệnh của Bắc Kạn đã xong và đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng vì làm sai nguyên tắc trong quản lý nhà nước và “duy ý chí” trong chỉ đạo điều hành, đã dẫn đến hệ quả đáng tiếc là làm sai nghiêm trọng tại phần Hồ sơ thiết kế kỹ thuật (1 dự án, lại dùng 2 bộ hồ sơ trong quá trình thực hiện), nên các số liệu không khớp, đã không thể thanh quyết toán, buộc Chủ đầu tư phải huỷ thầu và tổ chức đấu thầu lại phần xây lắp (hiện tại trách nhiệm những người có liên quan trong việc làm sai vẫn chưa được xử lý nghiêm minh), việc bồi hoàn thiệt hại cho nhà thầu UDIC vẫn chưa được thực hiện, trách nhiệm đó thuộc về Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn.
 
Nếu Chủ đầu tư vẫn còn tư duy theo cách “duy ý chí” như sai phạm đã xảy ra trong thời gian qua, chắc chắn quá trình triển khai đấu thầu trang thiết bị của Bệnh viện này sẽ tiếp tục bị “vướng như gà mắc tóc”, vào vòng lao lý sẽ và vẫn đang chờ đợi phía trước!.
 
Có thể diễn giải cụ thể hơn; nhiều thành viên Hội đồng Thẩm định của tỉnh thành lập, đã không có trình độ và kinh nghiệm về công nghệ và trang thiết bị y tế (vì 13/16 người tham gia trong Hội đồng này là Bác sĩ điều trị, không phải là chuyên gia về công nghệ điện tử vi sinh), Hội đồng này không có con dấu và chữ ký chịu trách nhiệm trước pháp luật về những kết quả Thẩm định của mình. Hơn nữa, công việc của ngành y tế tỉnh Bắc Kạn, lại được tổ chức trang trọng trong 2 ngày (mùng 2 và 3/11/2014), tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, và phía Bệnh viện 108 đã cử hẳn 6 người tích cực tham gia vào Hội đồng này, càng làm nổi lên những nghi vấn về thiếu minh bạch của Hội đồng thẩm định này, phải chăng đó là công việc của Bệnh viện Trung ương quân đội 108?
 
“Mượn” người và “ấn chỉ”?  
 
Quyết định số 1442/QĐ-UBND, ngày 25/8/2014  về việc thành lập Hội đồng Thẩm định trang thiết bị y tế, của Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn và Dự án Bệnh viện đa khoa và Trung tâm đào tạo y tế tỉnh Bắc Kạn đã tạo dư luận xấu, vì hầu hết nhận định rằng; làm thế sẽ trái với quy định quản lý người lao động ở chỗ: Những người có tên trong Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định trang thiết bị y tế của tỉnh Bắc Kạn (trừ 5 người của ngành y tế Bắc Kạn là đúng theo quy định), số còn lại là 11 người, hầu hết là những công chức, viên chức sự nghiệp đang công tác hoặc giữ cả những chức vụ cao ở cấp Bộ, như: Phó Giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cụ trưởng cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
 
Cùng các Phó Giáo sư, tiến sĩ: Nguyễn Thị Thu Hà - Chuyên viên đầu ngành Huyết học  Truyền máu Quân đội. Lâm Khánh - Trưởng khoa chuẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.  Phan Quốc Hoàn - Chủ nhiệm khoa Vi sinh vật, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108. Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Điện quang Việt Nam. Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê Việt Nam. Kỹ sư Đỗ Việt Hùng - Chủ nhiệm khoa Trang thiết bị y tế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tiến Sĩ Đinh Ngọc Duy - nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thạc sĩ Nguyễn Đại Nam - chuyên viên trang thiết bị y tế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Hầu hết là những cán bộ đang công tác tại các Cục, Vụ viện trực thuộc Bộ Y tế hoặc Bộ Quốc phòng, vậy tỉnh Bắc Kạn đã có những văn bản thoả thuận gì đối với các Bộ, ngành về việc “thuê mượn” những người tham gia vào Hội đồng Thẩm định này?
 
Đối với Bệnh viện Bạch Mai, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, với chức năng chính là “khám chữa bệnh!”. Vì sao vị Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai lại được phép dùng luôn con dấu, chức danh của Bệnh viện Bạch Mai để ký, đóng dấu vào Biên bản Họp Thẩm định trang thiết bị y tế của tỉnh Bắc Kạn? Nếu có sai xót gì xảy ra, Bệnh viện Bạch Mai có chịu trách nhiệm trước pháp luật? Việc dùng con dấu Bệnh viện Bạch Mai có được thông qua Ban Giám đốc Bệnh viện thống nhất, hay chỉ có cá nhân Phó Giám đốc Nguyễn Minh Thông tự ý thực hiện?

Phải chăng Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ghi rõ trong điều 2 của quyết định thành lập Hội đồng thẩm định là: “… Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng sử dụng con dấu của cơ quan công tác trong thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng…”. Như vậy, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chấp hành Quyết định của Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn, liệu có sai nguyên tắc về quản lý nhà nước?
 
Đối với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – là Đơn vị sự nghiệp y tế trong Quân đội, đã có sự nhiệt tình là cho mượn Hội trường họp trong 2 ngày (2 và 3/11/2014), liệu có thu tiền của Hội đồng Thẩm định không? Nếu có thu tiền, thì nguồn tiền đó là của cá nhân hay đơn vị nào đứng ra thanh toán? (vì tiền của Ngân sách Nhà nước không được phép thanh toán 2 lần cho vụ việc Thẩm định này)….
 
Những nghi vấn và uẩn khúc của Hội đồng như đã nêu ở phần trên, chúng tôi xin chuyển đến các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – Bộ Quốc phòng và Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn xem xét làm rõ đúng sai, để Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam tiếp tục đăng tải, góp phần rộng đường dư luận.
 
Xuân Vũ – Minh Bạch

Bạn đang đọc bài viết "Khi nào xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án Bệnh viện đa khoa 500 gường bệnh?" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.