
Tuy nhiên, sau khi vụ án kết thúc, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều trang cá nhân đưa ra các lập luận phản đối quyết định của phiên tòa, cho rằng án phạt đối với bà Hằng là quá nặng, thậm chí có người cho rằng phiên tòa không công bằng, tòa lừa dối dân... Đáng lo ngại hơn, nhiều trang vẫn phân chia cộng đồng thành hai phái: Ủng hộ bà Phương Hằng được coi là "chính nghĩa," trong khi phản đối bà Hằng được đánh đồng với "lươn"! Điều này đồng nghĩa với việc họ coi các cơ quan nhà nước, thậm chí cả tòa án, là "lươn," đối lập với "chính nghĩa." Đây là hành vi gây mâu thuẫn trong cộng đồng và cần phải được ngăn chặn, không được phép tiếp tục lây lan như những gì bà Hằng và những người ủng hộ đã thực hiện trong vài năm qua!
Một trong những trang cá nhân ‘hăng hái” nhất là của người tự đặt tên mình như có họ hàng với nhà chiến lược cổ Trung Hoa Gia Cát Lượng. Suốt từ trước phiên tòa tới khi phiên tòa đang diễn ra và phiên tòa kết thúc, cho tới tận bây giờ, anh ta vẫn rêu rao sai sự thật về những công đức của bà Hằng “giúp dân giúp nước”, trong đó có nhiều việc do bà Hằng công bố nhưng chưa làm, hoặc làm không đến mức như vậy. Anh ta tung hô: “Nguyễn Phương Hằng/Đã là một người hùng”. “Chị Nguyễn Phương Hằng không còn livetream nhưng sức lan toả vẫn mãi mãi trong lòng người dân”.
Từ cách nêu vấn đề mang tính ngụy tạo, anh ta dẫn dắt dư luận, đăng tải những lời bình của nhiều người mang tính chia rẽ cộng đồng: “Thiên hạ & lũ lươn cùng nghệ sĩ bẩn đã nghe rõ chưa?”. “Mãi đỉnh Phương Hằng luật sư câm miệng vì bị cô hằng hỏi vặn lại úi giời nhục mặt luật sư cái quần” và của chính anh ta: “Đinh Lan toang rồi ? Những con lươn tiếp theo chuẩn bị đi nhé”.
Thông tin mà anh ta lan truyền tạo nên ảo tưởng về việc làm “cứu dân cứu nước” của bà Hằng và vai trò không thể thay thế được của bà ta: “Từ hồi bà chủ Đại Nam bị tạm giam, dân lành lương thiện và người lao động cơ hàn lao đao, trẻ em bệnh tim hết cơ hội sống sót, bà con miền Tây lại không được dùng nước sạch”.
Cuối cùng, anh ta đã dẫn dắt dư luận đến mất lòng tin vào Nhà nước: “Lừa gạt thì chẳng thấy trừ trị, còn những người ăn ngay nói thẳng từ thì có tội . bởi vậy giờ có những loại người ngồi không tín toán muốn ăn cướp ăn dựt của người khác đem wề cho mình thì chẳng thấy bị tội gì hết chẳng hiểu thế nào hết.. làm gì có công bằng những đứa ăn chặn tiền xương máu của người khác thì nhỡn nhơ chẳng thấy động đến lũ ấy”. “Luật Pháp Việt Nam chỉ là trò hề. Bất mãm Pháp Luật “rừng Việt Nam lắm. Hy vọng chỉ Luật nhân quả. Bất mãn vô cùng. Luôn thương yêu, quý mến, trận trọng cô Nguyễn Phương Hằng. Chúc cô bình an, khỏe mạnh, chiến thắng, thành công như ý về sum hợp gia đình.”
Những người bình luận trên trang cá nhân trên đây nói là thượng tôn pháp luật, nhưng thực chất đang chống lại: “21/9/2023 Công lý sẽ đến với những người sống có lý tưởng , Cô sai vì 18 tháng qua đã không ở bên Chồng và các con , cứ ngỡ sẽ là ngày vui , nhưng không sao , Thượng Tôn Pháp Luật , chờ Phúc Thẩm Dân nghèo , Trẻ em đang đợi Cô về !!!”, “Cô nhận mức án 3 năm rồi Chúng ta chờ phiên phúc thẩm Lấy lại công bằng cho Cô”. “Ủng hộ toàn bộ anh chị em phe chính nghĩa và những người ủng hộ Nguyễn phương Hằng trong đó có tôi luôn luôn đoàn kết một lòng với chính nghĩa”.
Những lập luận như vậy trên mạng xã hội đã góp phần chia rẽ cộng đồng và thúc đẩy một tư duy phân hóa và xung đột, đối lập với đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về đoàn kết dân tộc.
Qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã phải đổ rất nhiều máu và nước mắt để thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc. Đối với những người đã từng cầm súng chống lại chính quyền và đồng bào của mình, chúng ta đã thể hiện lòng khoan dung để họ có cơ hội trở lại cuộc sống và trở thành người lương thiện, sống trong tình yêu và sự chăm sóc của cộng đồng. Vì vậy, việc tiếp tục tạo ra "Drama Nguyễn Phương Hằng" là một hành vi gây rối xã hội, mâu thuẫn với tinh thần đoàn kết dân tộc và mục tiêu xây dựng đất nước. Do đó, trước hết, những người có ý định kích động và phân chia cần tỉnh táo và tránh theo đuổi con đường của Nguyễn Phương Hằng để tránh rơi vào vòng xoáy pháp luật. Sau đó, các cấp chính quyền và tổ chức cần tăng cường tuyên truyền và giáo dục để thay đổi nhận thức và hành vi của họ, giúp họ hướng thiện, góp phần vào việc xây dựng cuộc sống hạnh phúc và yên bình. Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần theo dõi và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, không để cho tình trạng "loạn đả drama" trên mạng tiếp tục như đã xảy ra trong thời gian qua!
Đất nước của chúng ta đang phát triển mạnh mẽ trên con đường xây dựng một xã hội giàu mạnh và hạnh phúc. Mỗi người dân đều cần đóng góp bằng cách thực hiện những việc làm có ý nghĩa để đạt được mục tiêu tốt đẹp này.