Cổng di tích Khâm Thiên Giám chưa biết sụp đổ khi nào
Công việc hàng ngày ở Khâm Thiên Giám là chiêm nghiệm sai độ của từng năm, bình trật để phân đều khí hậu, ghi chép lịch số để tính đúng năm và mùa; miêu tả sắc mây và hình vật để đoán hình tượng trời, xem ngày giờ để chọn tốt lành, trông coi việc đánh trống canh đổi gác trong cung đình. Từ năm Khải Định thứ II, Khâm Thiên Giám còn phải chọn ngày tốt đầu năm để vua đi cày (Lễ Tịch điền). Khâm Thiên Giám làm việc với những khí cụ mua từ Trung Hoa hay các nước Tây phương gồm chuông định giờ, thước đồng, cây đo bóng mặt trời, đồng hồ cát, phong vũ biểu, chậu hứng nước mưa để đo vũ độ, thiên lý kính, bản đồ thiên văn.
Trong thư khố “Châu bản triều Nguyễn” hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia số 1 vẫn còn khoảng 1.000 văn bản của Khâm Thiên Giám. Đa phần văn bản báo cáo các hiện tượng thiên nhiên mây, mưa, nắng, gió, dự đoán nhật thực, nguyệt thực, các vì sao. Tổ chức nhân sự tại Khâm Thiên Giám thời Gia Long hơn 50 người; Minh Mạng thì định ngạch nhân viên là 30 người; đến vua Thiệu Trị, con số này giảm còn 20 người. Theo sách “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ” họ là những người thường xuyên làm việc ở đây. Việc tuyển chọn nhân sự vào Khâm Thiên Giám được vua theo dõi. Cấm lệ hồi tỵ để tìm ra người giỏi (không cho phép cha truyền con nối). Sách “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ” kể chuyện năm 1844, vua Thiệu Trị rà soát nhân sự, những người có họ hàng gần xa với nhau đều bị “giảm biên chế” (buộc thôi việc).
Bìa “Ngự lịch” triều Nguyễn đang trưng bày trong “Bảo tàng Cung đình Huế”
Các vị quan được vua bổ nhiệm trông coi Khâm Thiên Giám đều là người tài giỏi. Năm Tự Đức thứ II, chỉ với một số khí cụ thô sơ, thiếu thốn tài liệu chuyên môn, mà kỳ lạ vào Tết Nguyên đán năm 1848, Thượng thư Bộ Hình Trương Quốc Dụng (người Đức Thọ, Hà Tĩnh) - kiêm chức Giám chính Khâm Thiên Giám đã dự báo chính xác nhật thực sẽ xảy ra đúng vào giờ Ngọ, ngày mùng Một Tết. Hàng năm, Khâm Thiên Giám phải làm ra một cuốn lịch mới chuẩn xác. Nổi tiếng nhất là Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Hữu Thận (người Quảng Trị) kiêm chức Giám chính Khâm Thiên Giám suốt 2 triều Gia Long và Minh Mạng. Ông chuyên làm “Ngự lịch” là lịch đặc biệt dâng lên cho vua, “Quan lịch” là lịch dành cho các quan và “Dân lịch” là lịch ban phát khắp cả nước. Ngoài ra, còn có “Long phụng lịch” đặc biệt, chỉ để thờ tại các Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu tại Đại nội Huế và tại các lăng tẩm nhà vua.
Hình thức cuốn Ngự lịch rất công phu (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cung đình Huế). Bìa lịch làm bằng một tấm lụa màu vàng, thêu rồng mây liền từ sau ra trước gọi là “Đoạn bát ty”. Ở giữa có một cái nhãn, màu hoa đào, thêu nổi hai chữ “Ngự lịch”. Kỹ thuật in lịch rất thô sơ. Dùng mộc bản bằng gỗ cây thị khắc chữ, mỗi lần in được một trang. Mỗi năm Khâm Thiên Giám đều cung cấp đủ lịch cho cả nước mà không sai sót.
Do đường sá khó khăn, phương tiện vận chuyển thiếu thốn, năm 1809, vua Gia Long cho các địa phương báo cáo về Bộ Hộ số lịch tiêu chuẩn. Bộ Hộ chuẩn bị từ đầu tháng 4, Bắc thành (Hà Nội) và Gia Định thành sẽ cử người đến Khâm Thiên Giám - Huế nhận bản thảo, đem về tự khắc và in. Đến tháng 10, lại cử người đến Huế nhận bìa lịch có đóng ấn của Khâm Thiên Giám (Ấn Đại Nam Hiệp Kỷ lịch chi bảo). Đóng lịch xong, phải chờ đến ngày triều đình làm lễ “Ban sóc” thì các nơi mới làm lễ “Thọ lịch” và ban phát lịch. Tết Ất Dậu năm 1945, Khâm Thiên Giám phát hành cuốn lịch cuối cùng là “ Đại Nam Bảo Đại nhị thập niên tuế thứ - Ất Dậu hiệp kỷ lịch”.
Theo baodulich.net.vn