Du khách đến hành hương tại Đền Cờn - Ảnh: internet
Theo sách địa lý - phong thổ, ngôi Đền nào có thế đứng giống đầu chim phượng hoàng với hai cánh phượng là hai đồi cát nhô cao giăng dài nằm ngay phía sau đền, hai mắt phượng là giếng Đò, giếng Đình nằm trên hai ngọn đồi này.
Đền Cờn Trong được xây dựng vào thời Trần, phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy, di tích mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn. Trải qua thời gian, ngôi Đền hiện chỉ còn tòa Nghi môn, Chính điện, Trung điện, Hạ điện và tòa ca vũ.
Đền Cờn Ngoài nằm cách Đền Cờn Trong khoảng 1km, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương, sát cửa biển Lạch Cờn. Đền gồm 3 tòa bố cục theo kiểu chữ Tam, thờ vua quan nhà Tống (Trung Quốc): Tống Đế Bính, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu. Các vị thần này trước được phối thờ ở Đền Cờn trong, song do quan niệm nho giáo nam nữ bất đồng cung nên đến thời Lê được xây dựng đền thờ riêng.
Đền Cờn xưa nay nổi tiếng linh ứng. Năm Hưng Long thứ 19 (1311), Vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành, khi đến cửa Cờn, nhà Vua cùng quân lính dừng lại nghỉ ngơi. Ban đêm nhà Vua mộng thấy nữ thần hiện lên và xin giúp nhà vua lập công đánh giặc. Sáng hôm sau, nhà Vua cho vời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích. Nhà Vua liền vào đền kính tế. Khi ra quân, Vua kéo quân đến thẳng thành Chà Bàn đánh thắng lớn. Khi trở về kinh đô, nhà Vua làm lễ và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương”, ban vàng bạc và cho xây dựng mở rộng Đền.
Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đánh dẹp phương nam cũng dừng chân tại cửa Cờn và vào Đền làm lễ cầu đào. Do Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ, nhà Vua đã đánh thắng giặc. Sau khi trở về, Vua ban cấp tiền bạc xây dựng đền và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh hương thượng thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ”, ghi nhận công đức Thánh Mẫu giúp nước, giúp dân. Sang thế kỷ 18, vua Quang Trung đã ban sắc phong với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại” (tức là công lao rộng khắp, to lớn) và “Hàm chương tiết liệt”(nghĩa là nêu gương tiết liệt cho muôn đời).
Từ đó về sau, người dân vùng biển mỗi khi ra khơi, nếu thành tâm vào Đền cầu khấn thì đều được bình an.
Lễ hội truyền thống
Đặc sắc lễ hội đền Cờn - Ảnh: Báo GD&TĐ
Lễ hội đền Cờn là lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của xứ Nghệ, được tổ chức vào ngày 20, 21 tháng Giêng hàng năm, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự.
Lễ hội với nhiều nét văn hóa độc đáo phản ánh đời sống, sinh hoạt và tín ngưỡng của cư dân vùng biển Hoàng Mai, Nghệ An.
Lễ hội Đền Cờn được tổ chức gồm 2 phần chính: Phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội – lễ mới, lễ cầu ngư, lễ rước voi, rước ngựa, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ; Phần hội gồm triển lãm ảnh, chương trình văn nghệ, hội thi tiếng chim hót chào xuân, thi đấu các môn thể thao như đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co và các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương.
Lễ hội Đền Cờn cho đến nay vẫn là một lễ hội mang tính chất nông nghiệp, chủ yếu là cầu ngư và với việc tổ chức các hoạt động sôi nổi, hướng tới bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng như tạo điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch, mời gọi du khách về tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch biển.
Kết thúc lễ hội trong không khí tưng bừng của mùa xuân, báo hiệu một năm mới an lành hạnh phúc, cầu cho một năm ra khơi bình an với tôm cá đầy khoang.