Đi xích lô hay xe đạp để khám phá Huế đã quá quen thuộc. Còn hình ảnh đoàn khách “cưỡi” trên những chiếc Vespa cổ, vòng qua từng con phố hay đi trên con đường ven sông Như Ý về cầu ngói Thanh Toàn chỉ mới xuất hiện gần đây. Với Vespa cổ, sự đồng điệu ở “thời gian” giữa xe, con người và cảnh quan làm cho du khách thích thú. Huế trong mắt của du khách là một thành phố cổ kính, được hình thành lâu đời. Con người Huế cùng phong cách sống và những chiếc xe Vespa tồn tại qua gần nữa thế kỷ là sự kết hợp tinh tế
Anh Đoàn Văn Tú, Giám đốc Công ty du lịch Vespa Sapari cho hay: “Trong quá trình “chơi” Vespa cổ, chúng tôi nảy sinh ý tưởng tổ chức một tour phục vụ du khách, dùng Vespa khám phá Huế như các tour xích lô và xe đạp, tạo sản phẩm mới, thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến Huế, qua đó, giữ chân được du khách lâu hơn”.
Anh Đoàn Văn Tú chia sẻ, việc tìm kiếm xe là khó khăn nhất. Để có đủ số lượng xe phục vụ, anh phải đi nhiều nơi, các tỉnh thành khác tìm mua từ những người chơi xe cổ hoặc những người sở hữu nhưng giờ không còn đi. Vốn ban đầu khá lớn, mỗi chiếc từ 35 - 40 triệu đồng.
Từ khi ra đời, số lượng đi tour Vespa cổ khá ổn định. Dù dòng xe này có nguồn gốc từ châu Âu, nhưng khi được nghe giới thiệu về lịch sử và thời gian tồn tại của những chiếc xe, nhiều người rất ngạc nhiên vì ở đất nước họ không còn những chiếc xe cổ như thế. Một số khách mong muốn được chạy thử, nhưng đây là đời xe cũ, có côn tay nên rất khó đi. Cũng vì an toàn của du khách, khi thực hiện tour đều có đội lái xe chuyên nghiệp đảm nhiệm. Tiếng nổ của những chiếc xe Vespa cổ nghe “giòn” nhưng nhiều quá sẽ gây ồn và khó chịu cho người đi đường. Do yếu tố này, mỗi tour như thế, chỉ nhận tối đa 10 khách.
Hòa mình với Huế
Anh Đoàn Văn Tú tâm sự, ý nghĩa sau cùng mà những chuyến đi bằng Vespa cổ muốn hướng đến và để du khách nhớ mãi chính là một hành trình khám phá Huế, du khách được hòa mình với đời sống văn hóa của người dân địa phương. Ai đã từng có dịp tham gia trải nghiệm đều bị mê hoặc bởi những vùng quê, có thắng cảnh đẹp, với những con đường quê nhỏ, quanh co, kết hợp tham quan các đình, chợ làng sống động và cánh đồng lúa với con trâu đang cày bừa. Đó là những hình ảnh hoàn toàn xa lạ mà nhiều du khách lần đầu nhìn thấy.
Một điểm nhấn khác, sau khi tham quan TP. Huế, du khách sẽ theo đường Lê Ngô Cát lên đồi Vọng Cảnh. Tại đây, du khách cùng nhâm nhi rượu vang, hít thở không khí mát lành từ dòng sông Hương, ngắm hoàng hôn đang buông xuống từ đồi Vọng Cảnh.
Bà Hoàng Thị Nga (đường Lê Ngô Cát, TP Huế) một hộ gia đình phục vụ và chỉ dẫn cách nấu các món ăn của Huế cho biết: “Lúc chế biến các món ăn, du khách hỏi rất chi tiết các nguyên liệu, gia vị và nguồn gốc các nguyên vật liệu đó. Tôi cảm thấy rất tự hào khi đã góp công giới thiệu nét văn hóa ẩm thực truyền thống của Huế đến với du khách. Hơn thế, khi tham gia phục vụ, gia đình tôi có thêm thu nhập, phát triển kinh tế”.
Ông Trương Thành Minh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch cho biết: “Trong định hướng phát triển du lịch, Sở luôn khuyến khích các doanh nghiệp có ý tưởng và triển khai các tour mới, độc đáo, nhằm tăng tính đa dạng cho sản phẩm du lịch, tạo sức hấp dẫn mới đối với du khách”.
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)