Khám phá đường nét kiến trúc độc đáo chùa ngôi chùa cổ Đồng Tháp

11/10/2016 08:12

Theo dõi trên

Chùa Bửu Hưng (tục gọi là chùa Cả Cát) tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Đây là một ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao, đã được công nhận là "Di tích quốc gia" vào ngày 3 tháng 8 năm 2007.



(Ảnh: giaohoiphatgiaovietnam.vn)
 
Lối kiến trúc cổ

Chùa Bửu Hưng hiện tọa lạc trong một khu vườn rộng, phía trước là một con rạch nhỏ. Chùa xây dựng theo kiểu chữ "tam", ngang 15 m, dài 50 m, gồm Tiền đường, Chánh điện và nhà Hậu Tổ.

Tiền đường và Chánh điện nối liền nhau. Chánh điện gồm ba gian hai chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, Thần vọng chạm trổ tứ linh rất tinh xảo và công phu. Giữa Chánh điện là tượng Phật A Di Đà bằng gỗ cao 2,5 m do triều đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm Minh Mạng thứ 2 (1821).

Phía sau Chánh điện là một sân lộ thiên (sân thiên tỉnh) hình chữ khẩu có hành lang hai bên (Đông lang, Tây lang) nối với nhà Hậu Tổ.
    
Trong vườn trúc cạnh chùa là khu tháp cổ. Đây là nơi an trí nhục thân của các nhà sư đã từng tu tập tại chùa. Bên ngoài lối vào khu tháp có đôi liễn chữ Hán.

Trong khu tháp, hiện vẫn còn ngôi tháp của Thiền sư Nguyễn Đăng (Tổ khai sơn chùa), tháp của Thiền sư Tịnh Châu (đời trụ trì thứ 2) và 10 ngôi Bảo đồng của 10 nhà sư đến tu vào thời của sư Tịnh Châu...

Ngoài các pho tượng Phật cổ (tượng Phật A Di Đà, 2 tượng Hộ pháp, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, v.v...), bao lam, hoành phi, câu đối,...được chạm trổ tinh xảo; hiện trong chùa vẫn còn hơn 100 cây cột gỗ to và quý, ba bộ cửa gỗ lớn (mỗi cửa 4 cánh) có chạm hình rồng và hoa lá rất mỹ thuật. Ba bộ cửa này được làm ở đầu thế kỷ 20, và được dựng vách sau Chánh điện vào những năm 1909 - 1911.

Tuy đã được sửa chữa lớn nhỏ nhiều lần, nhưng chùa Bửu Hưng vẫn còn giữ được diện mạo của lần đại trùng tu vào những năm 1909 - 1911.

Sư là người địa phương nhà ở gần chùa

Năm 1940 – 1945 kế thế trụ trì chùa là Đại Sư Nguyên Hữu. Tháng 9 năm 1946 chùa bị máy bay ném bom trúng ngay nhà tổ làm thiệt mạng sư trụ trì Chánh Viên và 4 phật tử. Hưởng ứng công cuộc kháng Pháp nhà chùa đã hiến một đại hồng chung cho cách mạng để chế tạo vũ khí đánh Pháp.

Sau đó hoà thượng Chơn Hoà (1950 - 1966) về trụ trì cho xây dựng lại nhà tổ như cũ, chùa dần dần hưng thịnh lại như trước. Và trụ trì hiện nay là Đại Đức Thích Minh Trí - Ni Sư Thích Cẩm Thanh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa có hàng trăm thanh niên trong độ tuổi quân dịch vào tu để trốn lính. Sau ngày giải phóng, họ trở về gia đình tham gia sản xuất và công tác tại địa phương.

Năm 2002 chùa được tu sửa lại, mái lợp ngói lưu ly, nền lát gạch men. Các cột kèo phù điêu, các bức chạm tứ quý còn nguyên gốc rất đặc sắc khéo léo. Hiện nay chùa Bửu Hưng là thành viên trực thuộc giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp.

Cũng như các ngôi chùa khác ở Nam Bộ, ngoài việc cúng tụng hàng ngày, ngày lễ lớn nhất trong năm là ngày lễ Phật Đản (15/4 âm lịch), kế đó là ngày rằm Thượng Ngươn (15/01 âm lịch), Trung Ngươn (Vu Lan 15/7 âm lịch), và Hạ Ngươn (18/10 âm lịch). Điều đặc biệt là lễ Vu Lan tổ chức vào 02 ngày 28 – 29/7 âm lịch hằng năm chứ không tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch như các chùa khác.


L.L (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá đường nét kiến trúc độc đáo chùa ngôi chùa cổ Đồng Tháp " tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.