Khám phá đền Sái huyền bí

21/12/2016 11:02

Theo dõi trên

Ðền Sái là một cụm di tích gồm đền Sái, đình Thụy Lôi, đền thượng, đền Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu nằm cạnh đỉnh Thất Diệu Sơn thuộc thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Ðông Anh, TP Hà Nội.



Tục rước vua giả là một điểm đặc biệt ở đền Sái - Ảnh minh họa

Có tích  cho rằng đền Sái nằm trên đỉnh Thất Diệu Sơn ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội). Khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng ma gà tác yêu tác quái, giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng nên An Dương Vương mới xây xong thành. Cảm công đức, vua sai đắp tượng, lập đền thờ trên đỉnh Thất Diệu Sơn; vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết. Xét thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả; hàng năm, lễ rước diễn ra vào 11/1 âm lịch. Và nơi đây được cho là đang lưu giữ bản gốc tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Năm 1986, Bộ Văn hóa (Nay là Bộ VHTTDL) đã có quyết định công nhận di tích và danh lam thắng cảnh đối với cụm di tích đền Sái.

Đến đền Sái ngày nay, du khách không chỉ hòa mình trong môi trường không khí trong lành, mà còn thỏa sức tìm hiểu những nét cổ kính trong kiến trúc nơi đây; cùng nhiều câu chuyện dân gian đặc sắc của một vùng quê có lịch sử lâu đời. Đền Sái thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, được đặt trên đỉnh núi hòa với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, có lịch sử gắn liền mật thiết với khu di tích thành Cổ Loa. Đình Thụy Lôi có kiến trúc cổ đồ sộ, nhiều cột lớn, mái uốn đao cong, được trang trí, chạm khắc tinh xảo; là đình lớn nhất huyện Đông Anh ngày nay. Đền thượng thờ đức Chân lại Cao sơn Đại vương Thượng đẳng thần; tương truyền người này là em ruột Vua tổ Hùng Vương. Đền thờ Tiết nghĩa Đại vương thờ Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu. Ông từng thi đỗ Hoàng Giáp năm 1490 thời Hậu Lê, làm quan đến chức Thượng thư Bộ lễ; là một nhà ngoại giao lỗi lạc, là một người kiên trung thờ nhà Lê, quyết không phò nhà Mạc.



 
Đền Sái ở xã Thụy Lâm huyện Đông Anh

Điều đặc biệt của đền Sái không chỉ nằm ở cụm di tích với nhiều câu chuyện dân gian huyền bí mà còn ở tục lệ rước vua giả hằng năm. Vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng lại chọn ra một người có đủ tài đức và có uy tín đóng vai vua và các quan tứ trụ cận vệ như Trấn thủ, Tán lý, Đề lĩnh, Thự vệ để làm lễ rước; thay mặt vua thực hành nghi vệ Thiên tử, làm cho mạch nước bền dân cư yên ổn mãi mãi. Ngày nay, tục rước vua giả vẫn còn được duy trì; người được chọn làm vua phải là các cụ cao niên ngoài 70 tuổi trong làng; khỏe mạnh, còn đủ cụ ông, cụ bà; chúa và các quan đều là những cụ cao niên, có đức độ, có uy tín trong dân. Đây được xem là một lễ hội đặc sắc và độc đáo của nước ta.

Một điều đặc biệt nữa ở đền Sái là giếng tiên. Không biết giếng có từ bao giờ, nhưng theo tích xưa kể lại, nguồn gốc của giếng có liên quan đến việc các cô tiên giúp vua An Dương Vương gánh đất xây thành Cổ Loa. Khi ma gà giả tiếng gáy sáng, các cô tiên vội về trời đã bỏ lại những gánh đất hình thành đỉnh Thất Diệu Sơn. Giếng nằm trên Thất Diệu Sơn nên có người gọi là giếng cô tiên. Điều kỳ lạ là giếng nằm trên đỉnh một mỏm đá, lượng nước rất ít, nhưng theo lời dân làng thì không bao giờ cạn. Nước trong vắt, mát mẻ; nhiều người đi lễ đều đến múc rửa mặt hoặc uống, nhưng giếng không cạn; nhiều người cho rằng uống nước vào thấy người khỏe ra. Cũng có thể vì điều này mà được gọi là giếng tiên chăng? Ngày nay, để đảm bảo tính vệ sinh, giếng đã được làm một chiếc nắp đậy lên; bên cạnh cũng có một ban thờ nhỏ và một chiếc đỉnh lớn dành cho những ai có lòng thành kính muốn thắp hương.

(Theo baodulich.net.vn)

Phước Hà
Bạn đang đọc bài viết "Khám phá đền Sái huyền bí" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.