Không chỉ có hơn 1.200 công trình tập trung ở 20 cụm di tích bao gồm đầy đủ hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm... (một số được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào tháng 12/1993), Huế còn nổi tiếng là thành phố của nhà vườn, nhà cổ, ẩm thực, các hoạt động lễ hội và hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, phong tục tập quán những di sản văn hoá phi vật thể phong phú, đa dạng, độc đáo, và trong mỗi loại hình đều có sự gắn bó, hoà nhập giữa văn hoá Cung đình và văn hoá dân gian.
Bên cạnh đó, các điểm tham quan thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay mà tâm điểm là Đại Nội, các lăng vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng đã và đang được khai thác mạnh mẽ, thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế cũng như nội địa, góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm và dịch vụ du lịch của Thừa Thiên Huế.
Tất cả yếu tố đó là nguồn tài nguyên du lịch vô giá, tạo nên những sản phẩm du lịch văn hoá - thế mạnh không chỉ của riêng Thừa Thiên Huế mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Chính từ sự phong phú, đa dạng và độc đáo của Di sản Huế đòi hỏi phải có cách nhìn nhận và ứng xử công bằng, khách quan cho từng loại giá trị để tiếp tục bảo tồn và phát huy. Đồng thời, xác định tương đối chính xác giá trị và khả năng thuận lợi của các loại tài nguyên du lịch văn hoá nêu trên đối với hoạt động du lịch nhằm làm cơ sở để lập kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có.
Để làm được điều này, xin đưa ra một vài kiến giải:
Để đánh giá khả năng thu hút khách của một điểm tài nguyên, theo phương pháp đánh giá cần xây dựng thang điểm cho những chỉ tiêu chủ yếu: tính hấp dẫn; tính an toàn, tính liên kết, chất lượng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tính thời vụ, tính bền vững và sức chứa.
Trong những tiêu chí nêu trên, “tính hấp dẫn” (sự độc đáo của các tài nguyên du lịch văn hoá về mặt mỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc; bề dày thời gian; nét riêng có của các giá trị văn hoá phi vật thể...) là quan trọng nhất bởi, đây là yếu tố quyết định của du khách trong việc lựa chọn một chuyến đi du lịch tới một điểm nào đó.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Thừa Thiên Huế, cần định hướng phát triển du lịch bền vững: phát huy thế mạnh du lịch văn hoá kết hợp với du lịch sinh thái trên cơ sở khôi phục, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá truyền thống Huế, bao gồm:
Khai thác các tài nguyên văn hoá phục vụ du lịch phải gắn liền với công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử - văn hoá; hay nói cách khác, phát triển du lịch phải vì mục tiêu văn hoá, đồng thời, việc bảo tồn di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch. Chú trọng bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị của tài nguyên du lịch văn hoá phi vật thể.
Phát triển du lịch văn hoá chú trọng chất lượng hơn là số lượng, cũng như cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp; nhất là giữa ngành văn hoá, du lịch và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu, quản lý khai thác một cách hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch văn hoá hiện có.
Về công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích phục vụ phát triển du lịch, các ngành hữu quan cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết về bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá. Trong quá trình trùng tu, cần tập trung vào một số điểm nhất định. Gắn việc tu bổ di tích với việc xác định rõ ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích; hướng người dân đi vào các hoạt động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các hoạt động dịch vụ du lịch; từng bước hình thành các phố ẩm thực Huế, các xóm nhà vườn du lịch…
Nâng cao ý thức toàn dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích phục vụ phát triển du lịch Thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường, phổ biến Luật Di sản văn hoá, Pháp lệnh du lịch.., nhất là đối với những người dân đang là chủ sở hữu các công trình văn hoá hoặc các tác phẩm văn hoá có giá trị. Ngoài ra, cũng nên suy nghĩ việc thành lập Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc và cảnh quan Huế nhằm góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá Huế.
Tất nhiên, để làm tốt điều này, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân và các tổ chức, cá nhân trong việc trùng tu, tôn tạo các di sản văn hoá thuộc sở hữu tư nhân như các khu nhà vườn cổ, các đình cổ, chùa cổ... phục vụ cho phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hoá chung của dân tộc; hỗ trợ kinh phí xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS một cách đồng bộ...
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)