Phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát cho biết, vùng đất Tân Phú là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tiềm năng, thế mạnh về văn hóa của quận chưa được phát huy toàn diện. Thực tế này, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền quận Tân Phú và các cơ quan, tổ chức hữu quan cần nghiên cứu khách quan, toàn diện để khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn phục vụ tiến trình phát triển bền vững của quận trong bối cảnh mới.
Đồng chí Nguyễn Tấn Phát cho biết, một trong những nhiệm vụ được Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định là “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho TP phát triển nhanh và bền vững”. Do đó, việc nghiên cứu thực tiễn và khuyến nghị các giải pháp khả thi nhằm phát huy một cách hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận Tân Phú có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và định hướng mục tiêu phát triển quận Tân Phú trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung tập trung thảo luận về phương thức khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống trên địa bàn quận Tân Phú, vừa thể hiện sự trân trọng, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống; vừa đảm bảo hiệu quả trên phương diện quản lý, khai thác của các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó chia sẻ những kinh nghiệm của các địa phương khác trong khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển bền vững. Các ý kiến cũng trao đổi về cơ chế xây dựng và huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống trên địa bàn quận Tân Phú.
Xây dựng quy hoạch các thiết chế văn hóa có tầm nhìn
Theo TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP, quận Tân Phú là nơi hội tụ và lưu dấu nhiều sắc thái văn hóa cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống tốt đẹp đã được các thế hệ cư dân trao truyền gìn giữ và xây đắp. Quận Tân Phú ngày nay có niềm tự hào và gìn giữ danh hiệu “An toàn khu – Phú Thọ Hòa” và “Phường Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà Chủ tịch nước đã phong tặng cho Nhân dân phường Phú Thọ Hòa và Tân Sơn Nhì.
Theo TS Bùi Thị Ngọc Trang, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, cuộc cách mạng nghiệp 4.0, công nghệ truyền thông đa phương tiện và ứng dụng kỹ thuật số ngày càng phát triển, quận cần có kế hoạch vận dụng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đáo ứng yêu cầu của công chúng. Chương trình du lịch “Tân Phú – Đi là nhớ” cần thêm sự đầu tư nghiên cứu của các chuyên gia để nâng cao chất lượng chung và tạo được hiệu ứng tốt tại các điểm đến. Đặc biệt, quận cần có kế hoạch kết nối tuyến điểm với các địa phương lân cận để nâng cao hiệu quả khai thác của chương trình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Uyên, Viện Nghiên cứu phát triển TP cho rằng, quận Tân Phú là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật. Trong đó, có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là Địa đạo Phú Thọ Hòa, 6 di lích lịch sử cấp TP; 5 địa điểm, công trình trong danh mục kiểm kê. Chi hội Di sản văn hóa quân Tân Phú được đánh giá là mô hình hoạt động có hiệu quả trong việc phát huy di tích lịch sử.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Uyên lưu ý, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức như hiện nay, để hướng đến mục tiêu phát triển quận Tân Phú bền vững, về quan điểm cũng như hành động thực thi thì các yếu tố kinh tế và văn hóa - xã hội cần được xem xét đầu tư phát triển tương xứng. Và trong bức tranh văn hóa tổng thể đó, quận cần ưu tiên quan tâm đến bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử; trùng tu tôn tạo các di tích đang có dấu hiệu hư hại; chủ động nghiên cứu lập hồ sơ công nhận di tích đối với địa điểm, công trình nếu đủ điều kiện. Việc giữ gìn những giá trị văn hoá - lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn đặc trưng văn hóa TPHCM nói chung và cho quận Tân Phú nói riêng. Đây là một tài sản tinh thần vô cùng quý giá, cần phải tiếp tục gìn giữ, phát huy trong thời đại ngày nay; tạo ra nền tảng, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tạo động lực phát triển bền vững cho TP.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Bí thư Quận ủy quận Tân Phú Lê Thị Kim Hồng chia sẻ, trên cơ sở các kết quả của hội thảo, quận Tân Phú sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa hiện có trên địa bàn quận gắn với xây dựng văn hóa cộng đồng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách thiết thực và cụ thể.
Cùng với đó, quận sẽ kết hợp phát triển mô hình du lịch cộng đồng đô thị thông qua đẩy mạnh kinh tế du lịch như là đòn bẩy quyết định thúc đẩy sự phát triển bền vững cho địa phương. Đồng thời, quận quan tâm, đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện kết nối du lịch giữa các địa phương. Biên soạn hoàn chỉnh công trình lịch sử quận Tân Phú có chất lượng, có giá trị về mặt khoa học để làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống của quận trong trường học, trong Nhân dân, cán bộ, đảng viên theo chuỗi khớp nối cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Lãnh đạo quận Tân Phú cũng cho biết, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, quận kiến nghị TP phân cấp, phân quyền cho quận về hợp tác công - tư để xây dựng, nâng cấp, mở rộng đối với các dự án, công trình văn hóa, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, di tích lịch sử, những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao, nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp văn hóa phát triển. Trong đó, quận Tân Phú có thể lựa chọn thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hoá trong lĩnh vực về: du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang,… Từ đó, xây dựng quy hoạch các thiết chế văn hóa có tầm nhìn, gắn kết giữa các lĩnh vực với nhau.