Khai quật những bí ẩn kinh ngạc giữa Hồ Con Rùa - Dinh độc lập và vận mệnh chính trị của Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ IV)

18/09/2021 14:58

Theo dõi trên

Khi Thiệu đắc cử Tổng thống, người ta chợt nhớ đến quẻ bói của chiêm tinh gia Huỳnh Liên luôn khẳng định Thiệu mang chân mạng đế vương. Thế là người ta tin rằng, Huỳnh Liên là Quỷ Cốc tái thế, tiên tri đúng về người đắc cử.

1518-1-1631951672.jpg
Nguyễn Văn Thiệu là người rất mê tín dị đoan

Thiệu được giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và Kỳ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương. Có nghĩa là Thiệu tạm thời giữ chức Quốc trưởng còn Kỳ tạm thời giữ vai trò Thủ tướng. Cả Thiệu và Kỳ đều biết mình đang trên đường đua đến chiếc ghế Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa II trong cuộc bầu cử năm 1967.

Lúc đó, Nguyễn Cao Kỳ được Mỹ thổi phồng như một cao bồi chính hiệu Mỹ nhờ chiến tích "biến động miền Trung". Còn Nguyễn Văn Thiệu chẳng có gì để khoe mẽ ngoài vụ tham gia đảo chính Diệm xa xưa. Thiệu chợt nhớ đến thầy Chim. Ngay sau đó, Thiệu bí mật cho người mời thầy Chim đến tư dinh (81, Trần Quốc Thảo ngày nay).

Lần này, thầy Chim được Thiệu cung cấp tiền bạc để thuê một số tờ báo quảng cáo lá số tử vi "chân mạng đế vương" Thiệu. Tất nhiên, Thầy Chim không được phép tiết lộ Thiệu là người trả tiền.

Những ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của cái "đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa" đi đâu người ta cũng bàn tán đến lá số tử vi của Thiệu. Người thì hoài nghi, người thì tin chắc Thiệu sẽ đắc cử Tổng thống. Dù hoài nghi hay tin, người ta cũng nhắc đến cái tên Thiệu nhiều hơn cái tên Kỳ. Từ đó, người dân Sài Gòn mới biết Thiệu mang lá số "tam tý, tứ quí" và cũng bắt đầu biết danh tính "chiêm tinh gia Huỳnh Liên". Ngoài ra, Thiệu còn vung tiền bạc và tung thêm một vài thủ đoạn chính trị để chạy về nhất trong cuộc bầu cử năm 1967, chính thức đặt đít ngồi vào ghế Tổng thống ở phủ đầu rồng.

Khi Thiệu đắc cử Tổng thống, người ta chợt nhớ đến quẻ bói của chiêm tinh gia Huỳnh Liên luôn khẳng định Thiệu mang chân mạng đế vương. Thế là người ta tin rằng, Huỳnh Liên là Quỷ Cốc tái thế, tiên tri đúng về người đắc cử. Báo chí Sài Gòn có dịp phỏng vấn, ca ngợi tài bốc quẻ của chiêm tinh gia. Huỳnh Liên trở nên giàu có. Nhiều tiểu thư con nhà giàu sẵn sàng dâng hiến đời cho Huỳnh Liên.

Một số tờ báo còn truy tìm tiểu sử của Huỳnh Liên.

Dạo đó, có tờ báo đăng bài cho rằng, Huỳnh Liên vốn là một nhân viên ở Ty Thông Tin Huế thời Diệm. Một đêm đi dạo, ông ta vô tình đạp vào một đống rác. Thấy trong đống rác có 1 cái bọc ny lon. Ngờ đó là túi tiền của ai đánh rơi, quan sát xung quanh không có ai, ông ta cúi xuống nhặt cái bọc đem về nhà rồi mới dám mở ra xem. Lớp bọc ny lon vừa mở ra, ông ta xuýt ngất vì đó thi thể của một thai nhi sinh thiếu tháng. Đem đi chôn thì sợ người ta phát hiện nghi ngờ ông ta là kẻ tạo bào thai cho người khác rồi chối bỏ trách nhiệm. Thế là ông ta để trong nhà sấy cho đến khô đét. Từ khi trong nhà có cái bào thai sấy khô, ông ta thường nghe văng vẳng bên tai lời mách bảo những sự việc sắp xảy ra. Khi ông tiếp xúc với ai thì tiếng nói bí ẩn lại báo cho ông biết thân thế, sự nghiệp của người đó. Ông lặp lại nguyên lời tiếng nói bí ẩn thì … trúng phóc. Chuyện phịa như vậy mà báo cũng đăng để nhận tiền tài trợ.

Một tờ báo khác thì viết, Huỳnh Liên là người Đà Nẵng, xuất gia tu theo phái Cổ Sơn Môn từ nhỏ và có pháp danh là Thích Lục Chân. Cổ Sơn Môn là môn phái tu tiên, dùng bùa chú ngải trị bệnh, đoán tương lai hậu vận. Khi sư phụ là Thích Lục Giác rời Đà Nẵng về Vũng Tàu cất tịnh thất ở núi Lớn, ông ta theo sư phụ. Khi sư phụ về núi Cấm lập am, Huỳnh Liên trốn thầy bỏ tu về Sài Gòn dùng thuật tiên tri kiếm cơm.

sach-so-coi-tuoi-lam-nha-va-dung-vo-ga-chong-1631939755.jpg
Những quyển sách tử vi của Chiêm tinh gia Huỳnh Liên

Để tăng thêm phần bí hiểm, Huỳnh Liên không bao giờ nói nguồn gốc thật của mình. Cho đến tận ngày nay, người ta cũng chỉ biết đại khái, mù mờ về người chuyên bốc quẻ cho Tổng thống Thiệu. Huỳnh Liên để mặc cho thiên hạ tò mò về mình.

Thấy chiêu dùng thầy bói lót đường chính trị hiệu quả, Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục tận dụng.

Đã ngồi chắc chắn trên ghế Tổng thống nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn dè chừng Mỹ hất mình như đã từng làm với Diệm, Khánh. Ám ảnh trước cái chết của Diệm, Thiệu cho lập ngay đàn cúng giải hạn cho Ngô Đình Diệm ngay dinh Độc Lập.

Thiệu thừa biết, Mỹ tạo ra chức Tổng thống cho mình, Mỹ có thể lấy lại bất cứ lúc nào.

Để an toàn, Thiệu cần sự ủng hộ của thuộc cấp. Thiệu biết rõ, dùng quyền lực sẽ khó trói buộc sự trung thành của thuộc cấp. Ông ta nghĩ ra thêm 1 chiêu mới để thiên hạ tin mình được "trời" giao cho nhiệm vụ làm Tổng thống. Thiệu lại cho dời Huỳnh Liên đến dinh Độc Lập bàn thảo.

Một thời gian sau, bỗng dưng Huỳnh Liên tiết lộ cho báo giới một thông tin động trời: "Vì dinh Độc Lập xây dựng sai phong thủy nên tình hình chính trị tại Sài Gòn cứ bất ổn triền miên. Từ phía chính diện nhìn vào dinh sẽ thấy lá cờ bay phấp phới giống một ngọn lửa đốt cháy phủ Tổng thống. Nay, Tổng thống muốn ổn định chính trị, cần phải cho sửa lại kiến trúc".

Lúc đó, mọi người mới chú ý đến chiếc cột cờ nằm sát mặt dinh. Ông Huỳnh Liên diễn giải rằng: Từ thuở hồng hoang, một con rồng đi chơi lạc mẹ, mõi mệt chọn vùng đất Sài Gòn làm nơi nghỉ chân và ngủ quên tại đây. Theo quẻ độn thì Dinh Độc Lập xây trên vị trí "thủ long mạch" tức đầu rồng. Thân rồng chạy dọc thẳng xuống sông Thị Nghè, uốn khúc ngược lên phía nhà thờ Đức Bà và cái đuôi nằm ngay Công trường "ba hình" tức Hồ Con Rùa. Vì đầu bị dinh Độc Lập đè xuống, đuôi bị Tượng đài Chiến sỹ Tự Do đẩy lên nên con rồng giật mình thức giấc nhưng không bay lên được. Nó cứ cựa quật vùng vẫy khiến… tình hình chính trị Sài Gòn cứ lung lay như động đất.

dinh-doc-1631940417.jpg
Dinh Độc lập và những biến cố lịch sử tiếp theo.

Ông dẫn chứng thêm rằng, không phải ngẫu nhiên mà Thực dân Pháp cho xây các dinh thự thằng hàng từ Dinh Norodom (tức dinh Độc Lập) thẳng hàng với các công trình khác, kéo dài tới bên sông rồi vòng lên tới Tượng "ba hình"? Ông lý giải: Người Pháp biết phong thủy nên xây theo chữ "vương". Sau này, Huỳnh Liên mới thú nhận nói hớ chi tiết này, bởi, những con đường đều hình thành từ thuở thành Quy mang hình Bát Quái, sau này, Pháp chỉ nâng cấp.

Chiêm tinh gia Huỳnh Liên còn dẫn một điển tích khiến ai nghe cũng phải lo lắng cho an nguy Việt Nam Cộng Hòa: Thời xưa, cách dinh Độc Lập non 1 cây số về hướng Đông là ngôi chùa Khải Tường. Vào thế kỳ 18, vua Gia Long bị quân Tây Sơn truy đuổi đã đưa bầu đoàn thê tử đào tẩu về phương Nam, ghé vào chùa Khải Tường tá túc. Tại đây, hoàng tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) chào đời. Chứng tỏ vùng đất này là nơi rồng phất. Nếu chiếu theo trục địa phong thì vị trí dinh Độc Lập, chùa Khải Tường (nơi hạ sinh vua), nhà thờ Đức Bà và tháp "ba hình" tạo thành hình vuông. Nếu không có nhà thờ Đức Bà thì 3 vị trí kia tạo thành hình chữ "vương" theo Hán tự.

Huỳnh Liên còn lý giải thêm, do Pháp có ý đồ xâm chiếm nước ta vĩnh viễn nên cho xây nhà thờ Đức Bà chắn giữa để phá chữ "vương". Đó chỉ là cách lý giải… nhảm bởi, nhìn trên bản đồ, xoay trái phái, ngược xuôi, không ai nhận ra chữ "vương" với đồ hình này. Thế nhưng, thời ấy mê tín là một cái mốt nên ai cũng tin.

Huỳnh Liên tuyên bố, với tài nghệ chiêm tinh, lý số, phong thủy của mình, ông ta sẽ vào núi nghiên cứu các bài toán suốt 2 tháng, sau đó sẽ đưa ra giải pháp "phá thế hung, yểm trấn để dinh Độc Lập trường tồn thịnh vượng, làm cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đầu hàng Việt Nam Cộng Hòa; Nguyễn Văn Thiệu sẽ làm Tổng thống đến mãn đời; Tình hình chính trị tại Sài Gòn sẽ ổn định, dân chúng làm ăn phát đạt".

Để nguồn tin bá láp đó lan rộng trong quần chúng, trước kỳ bầu cử năm 1971, Nguyễn Văn Thiệu lại sai viên cố vấn An Ninh phủ Tổng thống thu xếp cho chiêm tinh gia Huỳnh Liên xuất hiện trong một chương trình talk show trên đài truyền hình Sài Gòn. Thời điểm đó đài truyền hình Sài Gòn là 1 bộ phận tuyên truyền của Việt Tấn Xã - Cơ quan ngôn luận của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

11-1631940868.jpg
 Hồ Con Rùa chụp từ vệ tinh.

Tự dưng đưa 1 ông thầy bói lên truyền hình coi bói cho vận mệnh "quốc gia", Đại tá Trần Văn Lâm - Giám đốc Việt Tấn Xã cũng e ngại quần chúng chửi. Nhưng từ chối lời yêu cầu mang tính "chiến lược an ninh" của Phủ Tổng thống thì viên giám đốc đài không dám. Để phá thế vận hạn cho mình, viên giám đốc đài nghĩ ra tuyệt chiêu. Đó là tổ chức 1 chương trình talk show đối thoại mang tên "Vận mệnh quốc gia". Chương trình có mặt gồm 3 "vị chiêm tinh gia" Huỳnh Liên, Minh Nguyệt, Khánh Sơn. Ba ông thi nhau khoe kiến thức, kinh nghiệm bói toán của mình rất nhảm nhí. Lồng vào những chuyện nhảm nhí, 3 ông thầy bói thay nhau giới thiệu lá số tử vi "Tam tý, tứ quý" của Thiệu và long mạch dinh Độc Lập. Thông điệp ẩn ý trong đó là: Nguyễn Văn Thiệu là người có chân mạng đế vương thiên tử. Cả miền Nam lúc đó chỉ duy nhất Nguyễn Văn Thiệu có chân mạng đứng trên đầu rồng dinh Độc Lập. Nếu là người khác, Sài Gòn sẽ bất ổn triền miên.

Riêng chiêm tinh gia Huỳnh Liên tranh thủ khoe tài: "Tôi có đủ sức mạnh thần thông đã phá thế trấn yểm dinh Độc Lập".

Huỳnh Liên phá thể trấn yểm như thế nào?

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Khai quật những bí ẩn kinh ngạc giữa Hồ Con Rùa - Dinh độc lập và vận mệnh chính trị của Nguyễn Văn Thiệu (Kỳ IV)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.