Khai hội đền Thanh Liệt năm 2024: Lễ hội mang đậm sắc thái sông nước, là nơi bảo lưu tín ngưỡng thờ thủy thần

17/03/2024 08:07

Theo dõi trên

Lễ hội đền Thanh Liệt giúp thỏa mãn nhu cầu tâm linh của nhân dân, trao truyền các phong tục tập quán của cha ông cho thế hệ sau. Lễ hội mang đậm sắc thái sông nước, là nơi bảo lưu tín ngưỡng thờ thủy thần và phản ánh tư duy nghề nghiệp của những người dân vùng hạ lưu sông Lam.

dtl2-1710595971.jpg
Lễ hội đền Thanh Liệt năm 2024. Ảnh: An Nam

Đền Thanh Liệt tọa lạc bên bờ sông Lam được xây dựng vào thời hậu Lê, để thờ các vị thần có công bảo quốc, hộ dân, đặc biệt là những vị thần gắn liền với miền sông nước: Long Vương, Hà Bá, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Nguyễn Biểu, Sơn Liêu Độc Cước…

Đền gồm những công trình kiến trúc đẹp, điêu khắc chạm trổ công phu, lưu giữ nhiều đồ tế khí, hiện vật cổ kính, độc đáo. Đền đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa – Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1997.

Lễ hội đền Thanh Liệt hay còn gọi Lễ hội rước Hến là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của làng Thanh Liệt (xã Hưng Lam), nay là xã Xuân Lam. huyện Hưng Nguyên. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào các ngày 5 và 6 tháng 2 âm lịch nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, tưởng nhớ công đức các vị phúc thần, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và du khách thập phương.

Chương trình lễ hội năm nay diễn ra trong 2 ngày 14-15/3 với nhiều hoạt động linh thiêng, hấp dẫn như lễ dâng hương, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần, lễ đại tế, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian...

z5250999852507-226bfbeb1e3297b92285bdc11953ddf8638461004249125608-1710596602.jpg
Lễ hội đền Thanh Liệt đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018

Lễ hội đền Thanh Liệt là sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm dấu ấn của ngư dân miền sông nước khu vực hạ nguồn sông Lam. Nét đặc sắc của lễ hội là lễ rước thần và cầu ngư trên sông. Sáng sớm, đoàn rước bộ di chuyển từ đền ra bãi sông Lam. Sau đó, tiến hành rước thủy trên 1 đoàn thuyền lớn, được trang trí cờ hoa rực rỡ, trong đó có thuyền chủ lập án thờ thủy thần, những thuyền khác chở kiệu, chở người…

Lễ tế thần trên sông Lam nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, thủy sản sinh sôi phát triển, ngư dân đánh bắt thuận lợi. Lễ rước và cầu ngư trên sông Lam kéo dài hơn 5 – 6 giờ đồng hồ, từ sáng sớm đến quá trưa mới kết thúc.

Đi đầu đoàn rước là thuyền chủ có trang trí án thờ thủy thần, trên thuyền chở các bô lão lớn tuổi của làng, tiếp theo là thuyền chở kiệu của các thần như: Nguyễn Biểu; Đức vua thủy quốc; Đức vua Thiên vương; Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn; Sơn liêu Độc cước; Mẫu Liễu Hạnh… sau cùng là các thuyền của nhân dân các vùng như làng chài Thanh Liệt, Vũng Hà, Phù Long, Phù Thạch thuộc 2 xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên) và xã Đức Tùng (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).

z5251001007611-adc67546c9ccd23e9c677bbb54a4cf78638461004565381229-1710596685.jpg
Lễ hội đền Thanh Liệt là sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm dấu ấn của ngư dân miền sông nước khu vực hạ nguồn sông Lam

Đoàn rước sau khi xuống thuyền sẽ đi ngược về phía Tây dọc sông Lam hay còn gọi là vùng “Thượng cận” thì tổ chức làm lễ khoảng 2 tiếng đồng hồ, sau đó quay về vùng “Hạ cận”. Cao trào của lễ rước trên sông Lam là lễ tế thủy thần ở ngã ba sông Lam nơi giao lưu giữa dòng sông Lam (Nghệ An) và Sông La (Hà Tĩnh) hay còn gọi là “Bãi phủ” là hiện tượng ngự đồng tập thể hết sức độc đáo và đầy rẫy sự huyền bí để cầu cho ngư dân được tôm cá đầy thuyền, cho con hến sinh sôi nảy nở. Không gian của lễ hội là đoạn sông Lam dài khoảng 2,5km, từ bến sông trước đền Thanh Liệt đến Ngã ba Phủ (còn gọi là Bãi Phủ hay Tam Kỳ Giang), gồm các nghi lễ như: lễ xổ dầm, lễ chiêu nghinh, lễ chính tế, lễ chặt văng.

Trong quá trình hành lễ, bơi quanh đoàn thuyền rước có 8 thuyền, trong đó có 4 thuyền đua, 4 thuyền đạo. Thuyền đua là những thuyền dài được trang trí hoa văn họa tiết hình rồng, phía trước cắm cờ hội, có khoảng 12 tay chèo và một người đứng phía trước mũi thuyền đảm nhiệm vai trò cầm chịch và đánh trống, gọi loa.

z5251000302986-c9a943666ad35dcf1652c54b7044e9f3638461004483504854-1710596824.jpg
Chương trình lễ hội năm nay diễn ra trong 2 ngày 14-15/3 với nhiều hoạt động linh thiêng

Lễ tế được tổ chức 2 lần trong thời gian từ 5 đến 6 giờ đồng hồ và kết thúc bằng màn rước kiệu thần về lại ngôi đền của làng sau đó tổ chức lễ an vị và đại tế. Sau lễ tại đền, nhân dân tiến ra bãi bồi ven sông để tham gia phần hội. Phần hội diễn ra cũng không kém phần hấp dẫn với những trò chơi dân gian mang đậm màu sắc sông nước như: thi bơi trải; thi cướp giải, thi cào hến, thi lặn, đua chèo lộn tiêu…

Lễ hội đền Thanh Liệt là một trong số ít các lễ hội truyền thống của Nghệ An không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự hành chính hóa lễ hội hay sự du nhập làm biến đổi các nghi thức, nghi lễ truyền thống. Lễ hội góp phần hun đúc tinh thần cộng đồng, làm nên sức sống của làng xã, duy trì sự ổn định cho cả cộng đồng, hướng đến điều chỉnh hành vi cá nhân và mối quan hệ cộng đồng trong phạm vi làng xã.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Khai hội đền Thanh Liệt năm 2024: Lễ hội mang đậm sắc thái sông nước, là nơi bảo lưu tín ngưỡng thờ thủy thần" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.