Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ông Dương Kim Vượng ở xã Y Can (Trấn Yên, Yên Bái) vui như tết: người Dao chúng tôi có 12 họ, đến đâu chúng tôi cũng nhận được ra là anh em mà!
Ngồi lại với nhau, những người anh em của dân tộc Dao mới thấy: sự mai một chữ viết của dân tộc mình đã nhìn thấy rõ, chứ không còn là nguy cơ nữa rồi:
- Các đám vẫn làm, cấp sắc vẫn làm, nhưng để có thầy đọc được chữ Nôm Dao thì không đọc được nữa. Người ta phải viết vào bên cạnh những quyển sách cổ rất quý cách đây vài trăm năm một hàng chữ quốc ngữ để cho các thầy trẻ đọc theo thôi - ông Dương Kim Vượng nói.
Lo lắng mai này con cháu không còn biết chữ cha ông mình, không hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình, một số người Dao lớn tuổi âm thầm tự truyền dạy cho thế hệ tiếp nối. Ở tỉnh Thanh Hóa, người Dao nhóm lại, sưu tầm, biên soạn “Bộ tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ Nôm Dao” cho người Dao trong tỉnh. Tài liệu chia làm 4 phần, gồm: khái quát về chữ Nôm Dao; hướng dẫn cách viết, cách đọc; bộ chữ Nôm Dao 17 nét; luyện viết, luyện đọc 1.140 chữ.
Tìm ra quyển Tam tự kinh, nhưng không dịch được, ông Vượng may mắn khi qua chương trình VTV2, thấy ở Thanh Hóa có lớp học Nôm Dao. Sau đó, ông liên hệ với Cẩm Bình, rồi những người Dao ở Yên Bái nhóm lại mỗi xã 1-2 người, từ Yên Bái vào tới tận Thanh Hóa gặp các thầy ở trong đó. "Đúng là như hạn gặp được mưa" - ông Vượng bảo.
Người Dao khắp các tỉnh cứ vậy mà lan tỏa thông tin tới nhau. Họ cử người vào Thanh Hóa học, rồi hẹn gặp đại diện các tỉnh để thống nhất cách dạy sao cho chuẩn nhất. Ông Triệu Văn Tâm, ở xóm Bảo Liêm, xã Tân Sơn, Mai Châu, Hòa Bình, nói: “Muốn hòa mạng hết mấy tỉnh người Dao để mà cùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau để cùng bảo tồn”.
Từ khi “Bộ tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ Nôm Dao” cho người Dao ở tỉnh Thanh Hóa cơ bản hoàn tất, người Dao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc thẩm định, thấy bộ tài liệu đó bài bản, đầy đủ, nên xin về làm tài liệu giảng dạy ở địa phương mình. Từ ngày có tài liệu, ông Triệu Văn Tâm ở bận tối ngày với lớp học: "Bây giờ, lớp trẻ học nhiều và tiếp thu rất nhanh. Tầm 15,16 tuổi cũng có. Hễ gặp nhau, sau vài câu chuyện ban đầu, là bà con nói tới chuyện học chữ Dao".
Ông Dương Kim Vượng không nhớ nổi là mình đã dạy mấy trăm học viên rồi. Ít nhất mỗi lớp có khoảng 2-3 chục người, nhiều tới cả trăm. Đó là vì mỗi gia đình người Dao có một ban thờ và mỗi dòng họ người Dao có 1-2 ban thờ Tổ. Mỗi ban thờ tổ phải có ít nhất 2-3 người biết chữ Nôm Dao cổ để đọc gia phả.
Ông Bàn Văn Hòa, ở thôn Tân Hồi, xã Kim Thượng, huyện miền núi Tân Sơn, Phú Thọ, còn có sáng kiến kết hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện, để mở lớp dạy chữ Dao. Ông dạy được 4 lớp, mỗi lớp hơn 30 học viên. Học viên có đủ từ bí thư chi bộ, trưởng khu, công an, giáo viên phổ thông. Có học viên ỏ tận Hà Nội, thứ 7, chủ nhật tìm tới học. Ông Lê Văn Hếnh ở Phù Yên, Sơn La, cách nhà ông Hòa tới gần trăm km, tuần nào cũng tới học, chẳng vắng mặt buổi nào: "học viên cứ gọi điện ơi ới suốt ngày. Vui lắm".
Cuộc sống của người Dao phụ thuộc rất nhiều vào sách. Tuy nhiên, hiện tại, cả tỉnh Lào cai chỉ còn 10 thầy cúng có trình độ khá về chữ Nôm Dao. Chỉ những thầy cúng mới biết chữ Nôm Dao cổ, nên mới lĩnh hội được tri thức trong sách, mà các thầy cúng thì mỗi ngày mỗi già. Nếu không có phương án bảo tồn hợp lý, thì trong tương lai không xa, những cuốn sách Nôm Dao cổ sẽ không còn tồn tại, những tri thức trong đó cũng mất đi và những nét đặc sắc trong văn hóa Dao cũng mất theo luôn. Theo tiến sĩ Trần Hữu Sơn, người đã có nhiều nghiên cứu về người Dao ở Lào Cai, để bảo tồn văn hóa Dao, trước mắt phải bảo tồn những cuốn sách cổ và coi đó là di sản văn hóa.
(Theo Báo VOV)