Huyện Vĩnh Linh: Sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

11/08/2014 11:28

Theo dõi trên

Chúng tôi đã về thăm huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong những ngày đầu tháng 8 lịch sử. Sau nhiều năm, vùng đất anh hùng năm xưa chìm trong bom đạn nay đã được “thay da đổi thịt”.

Dọc theo những con đường, trên những cánh đồng màu xanh mướt trải dài bất tận. Bà con đã được sản xuất trên những thửa ruộng mới rộng hơn không còn manh mún như xưa. Những con đường đất lầy lội nay được rải nhựa, bê tông hóa, thẳng tắp. Nhà mái ngói cao tầng mọc lên nhiều hơn. Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng được cải thiện đáng kể. Sự đủ đầy được thể hiện trên từng nét mặt vui tươi, phấn khởi của người dân nơi đây. Xây dựng nông thôn mới thực sự đã trở thành một phong trào rộng lớn toàn diện, một cuộc cách mạng đem lại diện mạo mới.

Lãnh đạo huyện Vĩnh Linh, tự hào cho biết kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có 4 xã đạt từ 17 tiêu chí trở lên, chiếm 20,10% gồm xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thủy và Vĩnh Hiền); 01 xã đạt 15 tiêu chí là xã Vĩnh Lâm; 9 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, chiếm 47,36%; 2 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, chiếm 10,05%; 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 15,80%. 

Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với đặc trưng riêng của địa phương và phát huy hiệu quả to lớn như mô hình "Phân nhóm công việc gắn với trách nhiệm xây dựng nông thôn mới” của xã Vĩnh Thủy, hay mô hình "Thắp sáng đường quê" của xã Vĩnh Thạch... Các nội dung quan trọng mà huyện chú trọng thực hiện đó là tổ chức sản xuất và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng. 

Trong những năm gần đây kinh tế của Vĩnh Linh đã có sự tăng trưởng khá cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành, vùng kinh tế phát triển khá toàn diện, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 19 triệu năm 2013. Huyện cũng đã quy hoạch khu dân cư, vùng sản xuất khá đồng bộ sớm hơn các địa phương khác. Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng được cải thiện đáng kể.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế có giá trị cao. Mỗi năm, ước tính nông dân huyện Vĩnh Linh sản xuất 33.000 tấn lương thực, hơn 1.000 tấn hạt tiêu, 3.500 tấn lạc, hơn 7.000 tấn mủ cao su và gần 4.000 tấn thủy hải sản các loại, mang lại nguồn thu nhập rất lớn. Năm 2013, toàn huyện có 4.100ha đất sản xuất nông nghiệp cho thu nhập hơn 50 triệu/ha trở lên, có hơn 4.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Nông dân Vĩnh Linh không chỉ làm ăn giỏi mà còn giúp nhau phát triển kinh tế, đóng vai trò chủ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có được những kết quả đó, điểm nổi bật của huyện được nhắc đến nhiều đó làm tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Để lấy được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân công tác tuyên truyền được huyện chú trọng hàng đầu bằng nhiều hình thức phong phú. Trong 3 năm, toàn huyện đã tổ chức được 111 đợt trong đó có 02 đợt cấp huyện, với lượng tham gia là 130 người và 109 đợt tuyên truyền ở xã tới 16.466 người dân.

Hoạt động tuyên truyền, vận động hưởng ứng và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi… cấp huyện cũng như cấp xã lồng ghép tuyên truyền khá hiệu quả, mang lại cho người nông dân nói riêng và xã hội nói chung một cách nhìn mới về mục đích của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các xã, thôn, bản cũng đã triển khai lồng ghép các hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới qua các cuộc hội họp, lấy ý kiến nhân dân. Phối hợp với các đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội ở địa phương phát động thực hiện “Chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tổ chức ký kết thi đua xây dựng nông thôn mới giữa các thôn, bản, các đoàn thể. Nhờ đó mà nhân dân đã tích cực tham gia vào xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm thiết thực như hiến đất, hiến cây, góp tiền của, ngày công. 

Đến thời điểm năm 2013, chỉ tính riêng chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, toàn huyện đã huy động hơn 40 tỷ đồng, xây dựng mới 270km. Bên cạnh đó, các xã còn huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc”. Ngoài ra, để đạt kết quả đó, Vĩnh Linh luôn đoàn kết, chú trọng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của địa phương, các chương trình dự án trên địa bàn nông thôn đến nay có tổng vốn đầu tư gần 403 tỷ đồng. Trong đó vốn trực tiếp thực hiện Chương trình (Trung ương; ngân sách tỉnh, huyện, xã) gần 50 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 214 tỷ đồng, chiếm 53,32% tổng vốn, vốn dân góp hơn 45 tỷ.

Chúng tôi có dịp ghé thăm xã Vĩnh Kim, một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào ở huyện. Sau 3 năm thực hiện đến nay xã đã đạt được 17 tiêu chí. Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Kim đã lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá xây dựng nông thôn mới, từ đó làm nền tảng cho thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện dồn điền đổi thửa, từng bước xoá bỏ tình trạng canh tác manh mún để thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đầu tư áp dụng tiến bộ KHKT vào canh tác. Tận dụng lợi thế đất đỏ bazan với những hộ có diện tích đất nông nghiệp trên 0,5 ha được khuyến khích chuyển sang trồng cao su tiểu điền, hồ tiêu và trồng xen canh các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như ném, môn, lạc...

Thường xuyên tận dụng tối đa khả năng canh tác của đất đai để xen canh, gối vụ các loại cây trồng khác nhau, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,5 lần và đã có trên 60% diện tích đạt cánh đồng trên 50 triệu đồng/ha trở lên. Trong chăn nuôi, địa phương đã chủ động khuyến khích người dân nuôi bò nhốt và cải tạo đàn bò theo hướng lai sind hoá. Muốn vậy cần khai thác đất đai trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Toàn xã đã có 250 - 300 con bò cái được thụ tinh góp phần cải tạo chất lượng đàn bò. Đối với hoạt động dịch vụ, là một xã thuần nông nên việc đầu tư phát triển, mở mang ngành nghề dịch vụ được địa phương quan tâm và tạo điều kiện. Có 655 gia đình có lao động tham gia phi nông nghiệp.

Cùng với Vĩnh Kim, xã Vĩnh Hiền cũng là một điển hình. Đến xã chúng tôi có dịp đi thăm những con đường mới đổ bê tông, những trang trại chăn nuôi, những cơ sở dịch vụ. Nhân dân xã rất phấn khởi khi thấy Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất cho nông dân, ngư dân làm ăn, đặc biệt có chủ trương xây dựng nông thôn mới. Bà con đã nhận thức sâu sắc về chủ trương này, 3 năm qua nhà nào cũng thi đua phát triển sản xuất, chăn nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn lập trang trại, mở mang thêm nhiều ngành nghề mới. Đặc biệt người dân đã đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi và mỗi gia đình đã tự chỉnh trang nhà cửa, vườn tược.

Bên cạnh những thuận lợi, trong thời gian tới, huyện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đặc điểm về vị trí địa lý, tình hình kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền có khác nhau dẫn đến có sự phát triển khác nhau, đặc biệt các xã miền núi và vùng bãi ngang hiện đang gặp nhiều khó khăn chưa thể giải quyết ngay được. Cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm Y tế, thiết chế văn hóa… trước đây đã được đầu tư xây dựng bằng các chương trình dự án và vốn huy động từ sự đóng góp của của nhân dân nên quy mô xây dựng quá nhỏ so với yêu cầu đạt chuẩn hiện nay hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Tính thụ động, ỉ lại trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước trong bộ phận cán bộ và nhân dân vẫn còn nặng nề dẫn đến sự thiếu chủ động tích cực trong việc triển khai thực hiện các nội dung. Do yêu cầu về tiến độ  nên chất lượng của việc lập quy hoạch chung và lập Đề án xây dựng nông thôn mới của 1 số xã chưa đảm bảo. 

Từ nay đến cuối năm 2014 huyện phấn đấu có 03 xã sẽ hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí của bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch), 05 xã  hoàn thành từ 15 - 18 tiêu chí (Vĩnh Lâm, Vĩnh Thành, Vĩnh Hiền, Vĩnh Nam, Vĩnh Giang), 8 xã hoàn thành từ 10 - 14 tiêu chí, 03 xã đạt dưới 10 tiêu chí (Vĩnh  Ô, Vĩnh Khê và Vĩnh Hà).

Để đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình, thời gian tới Vĩnh Linh cần có một số kiến nghị như: Cần tăng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các địa phương, đặc biệt ưu tiên 03 xã đăng ký đạt chuẩn trong năm 2014; Kiến nghị việc điều chỉnh đạt chuẩn về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (Tiêu chí 6) do quy định chuẩn về khu thể thao Trung tâm xã, Nhà văn hóa thôn theo quy định của Bộ VH, TT&DL không phù hợp với điều kiện nông thôn, nhất là vùng miền núi, miền biển trong giai đoạn hiện nay; Đề nghị Tỉnh sớm ban hành hướng dẫn cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án cho xây dựng nông thôn mới và các thủ tục thanh toán theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Đề nghị Ban CĐ tỉnh xây dựng và ban hành quy chế xét, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới thống nhất áp dụng trên địa bàn tỉnh.

P.V
Bạn đang đọc bài viết "Huyện Vĩnh Linh: Sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.