Huyền thoại và sự thật về võ phái Trà Kha (Kỳ cuối)

17/11/2021 08:48

Theo dõi trên

Tò mò, nhiều võ sư khác cử học trò đến ghi danh học để dò la xem họ dạy bí quyết gì khiến các võ sỹ chịu đòn dai như bao cát. Tuy nhiên, mọi nỗ lực thám thính đều thất bại.

su-luong-1636979320.JPG
Sư Lương - Trụ trì chùa Sala Pothy Chum và tác giả

Sau khi võ sỹ Huỳnh Kim Hên mất tăm, ở khu vực ga Hòa Hưng (Sài Gòn) bỗng xuất hiện một võ đường trương biển hiệu là "Thiếu Lâm Thủy Phong" bằng chữ Hán. Thì ra, Huỳnh Kim Hên rời bỏ sàn đấu để kết hôn với nữ đồng môn là Thạch Thị Thu (tên thường gọi là Bà Chín Miên. Võ sư No Sa là cậu ruột của bà). Lúc này, Huỳnh Kim Hên đổi tên thành Mã Thành Long. Hai vợ chồng cùng đứng ra mở võ đường, thu nhận đệ tử truyền dạy võ thuật.

Tò mò, nhiều võ sư khác cử học trò đến ghi danh học để dò la xem họ dạy bí quyết gì khiến các võ sỹ chịu đòn dai như bao cát. Tuy nhiên, mọi nỗ lực thám thính đều thất bại. Vì cặp "song sát Trà Kha" chỉ dạy "tuyệt chiêu bí truyền" võ phái Trà Kha cho những môn đệ ruột vào ban đêm. Và những môn đệ ruột này không bao giờ dám hé răng họ học gì từ sư phụ. Khi bị truy hỏi gắt, họ trả lời chung chung: "Thầy Tổ cấm tiết lộ".

Thỉnh thoảng võ đường "Thiếu Lâm Thủy Phong" gởi học trò thượng đài. Mỗi khi "gà" thượng đài, người ta thường thấy Mã Thành Long mặc áo bốn túi, đội nón nỉ rộng vành, tay cầm baton, miệng ngậm tẩu thuốc đứng nơi góc đài đọc thần chú và chỉ đạo võ thuật. Còn bà Thu thì chỉ đạo săn sóc viên chăm chút sức khỏe võ sỹ. Qua cách lầm lỳ chịu đòn của võ sỹ Thiếu Lâm Thủy Phong, người ta nhận ra ngay, đó là những "chiến binh Trà Kha".

Theo qui định của chính quyền thời đó, các võ đường đều phải đăng ký môn bài để đóng "nguyệt liễm" (thuế). Muốn đăng ký môn bài, võ đường phải kê khai lý lịch võ phái với Tổng cuộc Võ thuật Sài Gòn.

Cặp "song sát Trà Kha" kê khai lý lịch ngắn gọn: Họ được thọ giáo hệ phái Thiếu Lâm Thủy Phong từ một cao thủ ẩn danh gốc Triều Châu. Vị cao thủ này là truyền nhân thứ 5 của sư tổ Thủy Phong là Hồng Mi đạo sỹ. Hệ phái này gồm 72 quyền thế gồm: cầm nã thủ, phản đòn, ngoại công trường quyền, nội công cận chiến. Hầu hết những quyền thế này đều có tên gọi bằng Hoa âm như: xa bế củi, xí mứng hẹ, xí mứng tấp… Những võ sinh vào học Thiếu Lâm Thủy Phong, khi được đặt tên mới mang họ Mã Thành mới được xem là đệ tử chân truyền, được học những bí mật môn phái.

Dần dà, những đệ tử của võ đường Thiếu Lâm Thủy Phong khẳng định tên tuổi trong làng võ Sài Gòn như: Mã Thành Nghĩa, Mã Thành Ba, Mã Thành Bảy, Mã Thành Xích, Mã Thành Lèo, Mã Thành Châu, Mã Thành Hoàng, Mã Thành Đại, Mã Thành Lợi, Mã Thành Sơn …  

Tháng 8 - 1969, Tổng hội Võ sư Nghiên cứu và Phổ biến Võ học Việt Nam, gọi tắt là Tổng hội Võ học Việt Nam của Tổng nha Thanh Niên, trực thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh Niên của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Võ sư Mã Thành Long được tín nhiệm giao chức trưởng Ban Kiểm soát Quyền thuật. Dù vậy, ông vẫn giữ bí mật những bí thuật về Gồng Trà Kha với người ngoại đạo.

Mãi đến khi gần qua đời, võ sư Mã Thành Long mới thừa nhận với một số võ sư thân thiết rằng, tất cả những chiêu thức Thiếu Lâm Thủy Phong đều có xuất xứ từ những cuộc "lên đồng" bí truyền của võ phái Gồng Trà Kha. Ông vẫn không tiết lộ những bí thuật về võ học của Gồng Trà Kha.

Tháng 5-1976, võ sư Mã Thành Long từ trần mang theo nhiều bí mật của võ phái bí truyền.

Kể từ sau năm 1975, hầu như không ai còn nghe thấy tông tích về các môn đồ võ phái Trà Kha. Bất ngờ, vào những năm thập niên 80, các địa phương phía Nam tổ chức nhiều đoàn võ thuật du đấu giao lưu khắp mọi miền. Một trong những những đơn vị thường xuyên tổ chức du đấu, có một đoàn võ thuật mang tên Bạch Long do võ sư Kim Sơn làm trưởng đoàn. Điểm đặc biệt của đoàn này là có nhiều võ sỹ "minh đồng da sắt". Họ thường tự giới thiệu mình là môn sinh của võ phái Thần Võ đạo do chính trưởng đoàn Bạch Long, tức võ sư Kim Sơn là chưởng môn. Cách đánh của các võ sinh Thần Võ đạo để lộ ra họ chính là môn đồ của Gồng Trà Kha.

Một lần nữa, Gồng Trà Kha lại tạo một cơn sốt nghi vấn. Sau năm 1990, các đoàn du đấu thưa dần rồi mất hẳn. Gồng Trà Kha cũng tuyệt tích trên chốn võ lâm.

Người trong giới võ thuật vẫn thường hỏi nhau: Gồng Trà Kha là võ gì? Không ai có được câu trả lời thỏa đáng. Người ta chỉ đồn đoán rằng đó là một môn võ bí truyền dùng huyền thuật để luyện võ. Các tân võ sinh chỉ cần cúng tổ nhập môn là ngay tức khắc trở thành một sõ vỹ cấp cao có khả năng thực hiện được những bài quyền khó mà các môn phái khác phải luyện tập vài năm.

tra-kha-1636979362.JPG
Văn bằng võ thuật của người nối nghiệp võ sư Kim Sơn

Từ nhiều nguồn thông tin, chúng tôi biết chắc làng võ Trà Kha nằm tại phường 8, thành phố Bạc Liêu. Qua một đồng nghiệp địa phương, chúng tôi tìm đến ngôi chùa cổ Sala Pothy Chum tọa lạc giữa một con hẻm của ấp Trà Kha. Ngôi chùa này được người dân quanh vùng gọi là chùa Trà Kha. Sư Luong - Trụ trì chùa khẳng định rằng: "Trà Kha là tên gọi địa danh chứ không phải tên gọi của môn võ gồng mà người ta thường lầm tưởng. Tra từ điển tiếng Kh'mer cũng như tiếng Pali, không có từ Trà Kha. Hay nói cách khác là nó vô nghĩa. Có thể, ngày xưa, người lập làng này có tên là Kha. Khi ông qua đời, tưởng nhớ đến ông người ta tôn ông thành thần và gọi tên làng là Tà Kha. Người Kinh thường gọi trại âm tà thành trà, ví dụ như Tà Cú gọi thành Trà Cú".

Khi xem xét một số bài chú, hình bùa của võ phái Trà Kha mà chúng tôi sưu tầm được, sư Luong trầm ngâm giây lát rồi phán đoán: "Có một số bài chú viết bằng tiếng Việt theo kiểu phiên âm tiếng Pali hơi giống với một số bài kinh của đạo Ba La Môn. Có lẽ đó chính là kinh trì chú của hệ phái Ba La Môn nhưng do cách phiên âm không chính xác".

Sư Luong nhớ lại, khi đi thụ giáo pháp môn ở một ngôi chùa Thái Lan, ông có trò chuyện với 1 một vị sư am tường về các pháp sư Bà La Môn. Vị sư này có khoe 1 bài kinh chú dùng để kêu gọi thần linh về trợ chiến nếu gặp phải cướp. Sư Luong nhớ bài chú đó như sau: "Sak thi tek mak hak hak, Sak thi tek mak har th' ro, Sak thi tek mak, ha t'rok". Dịch nghĩa: "Cầu xin thần linh đã từng hộ trì con giáng trần cứu độ".

Câu kinh cứu độ mà sư Luong nhắc đến, chính là bài chú thỉnh tổ được cho là của võ phái Gồng Trà Kha có cách viết trong các tài liệu bí truyền như sau: "Sách thi tết mắc ha két ha, sách thi tết mắc ha the rô, sách thi tết mắc ha trót the".

Rời chùa Sala Pothy Cham, chúng tôi cùng đồng nghiệp địa phương đến tận nhà võ sư Kim Sơn - Trưởng môn phái Thần Võ đạo, trưởng đoàn du đấu võ thuật Bạch Sơn những năm thập niên 80. Suốt thời gian dài, võ sư Kim Sơn đã đào tạo rất nhiều vận động viên võ thuật cho tỉnh Bạc Liêu. Các con trai của ông cũng từng nhận được nhiều bằng khen của địa phương về thành tích võ thuật.

Võ sư Kim Sơn thừa nhận: "Võ phái của chúng tôi là Thần Võ đạo. Tôi thụ huấn từ ông bác ruột của tôi là sư phụ Nguyễn Văn Chẩn, còn có tên gọi khác Nguyễn Văn Hai. Sư phụ tôi chỉ kể nửa hư nửa thật là ổng học từ một tu sỹ trên núi Cấm hồi đầu thế kỷ 20. Phái Thần Quyền là môn phái huyền thuật, dùng pháp thuật để luyện võ. Ngày đầu tiên, tân võ sinh sẽ đến trước bàn thờ tổ để sư phụ truyền tâm ấn. Có nghĩa là, sư phụ đọc một bài chú thỉnh tổ về. Khi đó, võ sinh sẽ mê muội, không còn tỉnh táo nữa. Võ sinh sẽ múa bài quyền trong vô thức. Khi múa hết bài quyền, sư phụ sẽ đọc chú để võ sinh tỉnh lại. Khi tỉnh lại, võ sinh cũng không nhớ mình học được những gì. Tôi cũng thụ huấn Thần Quyền theo cách đó. Tôi không giải thích được hiện tượng đó. Sau này, tôi dạy học trò cũng bằng cách đó".

tra-kha-2-1636979403.JPG
Võ sư Ba Chuột đang tra cứu "bí kíp" môn phái

Khi hỏi sâu về những bí thuật thì võ sư Kim Sơn tránh né: "Tôi không còn luyện Thần Quyền từ hơn 20 năm nay nên không còn nhớ nữa. Sau này, tôi luyện Thiếu Lâm Nam Bắc phái và cũng dạy Thiếu Lâm Nam Bắc Phái".

Thấy ông e ngại tiết lộ, chúng tôi tiếp tục đi tìm một sư phụ rất nỗi tiếng về huyền thuật cư ngụ tại ấp Cái Tràm (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) cách xóm Trà Kha khoảng 1 km. Ông được người dân địa phương gọi bằng cái tên rất bình dân: Thầy Ba Chuột.

Thầy Ba Chuột có tên chính thức là Phạm Văn Chuột, sinh năm 1949. Khi biết được ý định sưu khảo về môn võ huyền bí, ông vui vẻ lục tìm rồi đưa cho chúng tôi 1 quyển "bí kíp" chép tay.

Ông cho biết, hồi còn nhỏ, ông đã được đích thân sư phụ là đạo sỹ Phạm Văn Đời, tức Thích Thiện Minh truyền thụ Thần Võ đạo.

Đạo sỹ Phạm Văn Đời là người lập chùa Phạm Hương trên ngọn đồi Bạch Vân trên núi Sam, Châu Đốc từ cuối thế kỷ 20. Không ai biết ông lên núi tu luyện từ khi nào. Thời điểm đó, núi Sam còn hoang vắng.

Thầy Ba Chuột nhập môn học Thần Võ đạo cùng với một số người khác. Trong đó có bà Thạch Thị Thu (vợ của võ sư Mã Thành Long).

Mặc dù sư phụ cấm nhưng e ngại thất truyền nên Thầy Ba Chuột ghi chép cẩn thận những điều mình học được. Và quyển "bí kíp" vẫn được lưu giữ cẩn thận đến ngày nay.

Thầy Ba Chuột cho biết, khi đến chùa Phạm Hương học võ, ông đã thấy sư phụ đặt bàn thờ tổ nơi chánh điện. Trên bàn thờ tổ có biển Hán tự ghi "Thần Võ đạo". Cùng bàn thờ tổ có ấn phù Tam Thập Lục sư tổ (36 vị tổ sư). Điều đó có nghĩa Thần Võ đạo là 1 chi phái của Thất Sơn Thần Quyền mà vị tổ sư sáng lập là Võ quan Cử Đa.

Trong quyển "bí kíp" chép tay của Thầy Ba Chuột có ghi bài thỉnh tổ bằng phiên âm Việt giống như bài cầu chú phù trợ của Bà La Môn. Thầy Ba Chuột cũng không hề nghe nói đến võ đường nào tại Bạc Liêu lấy tên là "Gồng Trà Kha". Tuy nhiên, ông cho biết trước năm 1945 ở làng Trà Kha này có hàng chục môn phái võ dùng bùa chú.

Có những môn phái không xuất xứ từ Thần Võ đạo (Tức Thất Sơn Thần Quyền) mà xuất xứ từ những pháp sư người Chăm - Ấn Độ theo đạo Bà La Môn đã từng cư trú ở đây. Sau này, những người Chăm ở Trà Kha di trú đi nơi khác. Trước khi di trú, họ đã kịp để lại một số bí thuật luyện cơ thể săn chắc mà người địa phương gọi là gồng (thuộc hệ phái của võ sỹ Vũ Ổn). Bài chú thỉnh tổ của hệ phái này được viết phiên âm tiếng Việt như sau: "Bờ ri ti ti tít nặc, bờ ri tít ti na nặc, thách cu bờ rít nặc, xắc phích lịch phổ nặc".  Kể cả người Kh'mer cũng không dịch được ý nghĩa của bài chú này. Tuy nhiên, theo tài liệu  "Mahola Gadeva" được chép tay lưu truyền trong giới pháp thuật Việt thì bài tổ đó đồng nghĩa với bài thỉnh tổ của Thần Võ đạo.

Ngoài ra, Thần Võ đạo và giới võ huyền thuật Campuchia có 1 số điểm chung như: Luyện cơ bắp săn chắc để chống dao dâm, đao chém; Kiêng ăn các loại thịt trâu, chó, rắn; Khi học trò vừa nhập môn, phải đứng trước bàn thờ tổ đọc những lời thề, đại loại là không phản thầy hại bạn, không làm điều ác, không tà dâm. Sau đó sư phụ hướng dẫn học trò cầu thỉnh tổ về luyện võ; Trong trạng thái vô thức, học trò được 1 đấng thần linh điều khiển tay chân xuất cước ra quyền. Tuy nhiên, phái Thần Võ đạo thì học trò ý thức được bài quyền để ghi nhớ. Phái huyền thuật Chăm, Kh'mer thì võ sinh hoàn toàn mất ý thức.

tra-kha-3-1636979455.JPG
Đạo sỹ Phạm Văn Đời - Tổ sư Thần Võ đạo, chi phái của Thất Sơn Thần Quyền

Từ những chi tiết đó cho thấy, Thiếu Lâm Thủy Phong có xuất xứ từ Thần Võ đạo. Có thể, võ sư Mã Thành Long đã ghi nhớ những bài quyền cước trong lúc "nhập thần" rồi tổng hợp thành những đòn thế đặc dị riêng để dạy học trò. Vốn là người Triều Châu, ông dùng tiếng Tiều đặt tên cho đòn thế.

Vũ Ổn cũng là một hệ phái dùng huyền thuật để luyện võ nhưng có xuất xứ từ các pháp sư Kh'mer hoặc Chăm - Ấn Độ.

Và võ "Gồng Trà Kha" là tên gọi "thương hiệu" chung cho tất cả những võ sỹ được đào tạo từ làng võ Trà Kha chứ không của riêng môn phái nào.

Dù nhận xét từ góc độ nào đi nữa, thì võ "Gồng Trà Kha" cũng là một nét văn hóa dân gian cần được nghiên cứu bảo tồn như một di sản văn hóa truyền thống phi vật thể của Bạc Liêu. Nếu các nhà nghiên cứu chậm chân, e rằng sẽ không còn cơ hội gặp gỡ các nhân chứng sống đang ngày càng hiếm hoi./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Huyền thoại và sự thật về võ phái Trà Kha (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.