Huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An: Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn

27/07/2014 20:25

Theo dõi trên

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước đã có không biết bao nhiều người con trên mảnh đất Đô Lương hi sinh để mang lại hòa bình cho tổ quốc.

Có hàng ngàn người mang trên mình thương tật và những vết tích của chiến tranh. Với lòng biết ơn sâu sắc với những cống hiến, hi sinh của thế hệ cha anh, những năm qua huyện Đô Lương đã đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Nhờ những hoạt động thiết thực này đã góp phần thắp sáng và lan tỏa phong trào đền ơn đáp nghĩa trong huyện.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đô Lương có hơn 46.600 người tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Toàn huyện có 4.036 liệt sỹ, gần 5 ngàn thương bệnh binh, trên 1.200 người bị nhiễm chất độc da cam và gần 200 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, 63 Bà mẹ được phong tặng bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thời gian qua, xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của công tác “đền ơn đáp nghĩa” nên các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở đã thực hiện đảm bảo kịp thời, đầy đủ và chính xác các chế độ đối với các gia đình chính sách, coi đây là sự tri ân, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh. Bên cạnh đó còn thường xuyên tổ chức phát động các phong trào như: nhận phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, chăm sóc các thương bệnh binh, người có công gặp khó khăn trong cuộc sống, phong trào áo lụa tặng bà, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia tưởng niệm, thắp nến tri ân... 

Lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những người đi trước được thể hiện rõ nhất qua sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, đoàn thể với các gia đình TBLS, gia đình chính sách, người có công với cách mạng v.v.. bằng những việc làm thiết thực. Năm 2013, huyện đã tổ chức 2 đợt đón và quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào về nghĩa trang liệt sỹ huyện Đô Lương với 168 hài cốt, tổ chức lễ đưa tiễn 14 hài cốt liệt sỹ hi sinh ở Lào về 6 tỉnh miền bắc. Huyện cũng phối hợp với các ban ngành đoàn thể tổ chức thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ huyện vào dịp 27/7. Việc chi trả chế độ cho người có công được thực hiện đúng đủ, kịp thời. Trong năm huyện cũng phối hợp cấp gần 15000 thẻ bảo hiểm cho đối tượng người có công; tặng quà cho các đối tượng chính sách trong dịp tết nguyên đán, các ngày lễ với số tiền gần 5 tỷ đồng; duyệt hồ sơ tăng giảm cho 246 đối tượng người có công với cách mạng và duyệt hồ sơ mai táng phí cho các đối tượng người có công qua đời với số tiền gần 2 tỷ đồng; chi trả chế độ điều dưỡng 2234 đối tượng tại gia và 651 đối tượng điều dưỡng tập trung; chi trả trợ cấp thường xuyên trước ngày 10 hàng tháng với số tiền hơn 105 tỷ đồng; tổ chức chi trả chế độ trợ cấp 1 lần cho thân nhân người hoạt động cách mạng cho 54 đối tượng với số tiền 2,3 tỷ đồng. Cùng với đó việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng cũng được làm tốt. Trong năm huyện đã hỗ trợ cho 567 hộ sửa chữa và làm nhà mới. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, huyện đã phối hợp tổ chức đón 88 hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang huyện. Huyện cũng tổ chức duyệt và cấp quà tết cho 14988 đối tượng người có công với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Các hoạt động khác cũng được triển khai có hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc thương binh, trợ cấp khó khăn, triển khai công tác tu bổ, tôn tạo và chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ… cũng được làm thường xuyên. Đặc biệt, là phong trào vận động, ủng hộ xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Mặc dù, những năm gần đây, do ảnh hưởng tình hình suy giảm kinh tế trong nước và thế giới, đời sống một bộ phận người dân gặp không ít khó khăn, nhưng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, việc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vẫn được duy trì hiệu quả với sự tham gia ủng hộ của đông đảo các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân. Năm 2013, huyện đã huy động được 1.181.249.000 triệu đồng vượt kế hoạch đề ra.

Kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/71947 - 27/7/2014) thời gian qua Huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức, doanh nghiệp… trên địa bàn huyện đã thường xuyên và tiếp tục chỉ đạo tổ chức và thực hiện ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Huyện chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho tất cả cán bộ, công chức viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện về mục đích, ý nghĩa việc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Kịp thời phát hiện, biểu dương khen thưởng những đơn vị, địa phương làm tốt công tác xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, những thương binh, gia đình chính sách khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống; đồng thời kêu gọi những đơn vị, địa phương chưa làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cần phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” để tạo thành một phong trào lan rộng và đồng bộ trên địa bàn huyện.

Kỷ niệm ngày 27/7 bằng nhiều hoạt động thiết thực khác như việc tổ chức thắp nến tri ân, thắp hương tại các nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức thăm và tặng quà các gia đình có công với cách mạng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những hoạt động sôi nổi và thiết thực đó, Đô Lương đã và đang khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây trong đông đảo nhân dân cũng như thế hệ trẻ. Những kết quả đạt được đã thể hiện sâu sắc nhất sự biết ơn của thế hệ hôm nay với những mất mát hi sinh của thế hệ trước.

P.V
Bạn đang đọc bài viết "Huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An: Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.