Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): Phát triển nhanh, toàn diện sau 30 năm thành lập

30/12/2022 13:07

Theo dõi trên

Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được chính thức thành lập vào ngày 01/01/1993 theo Quyết định số 337/HĐBT ngày 21/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số 02 xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn, sau đó 2 xã này được đổi tên xã thành An Vĩnh, An Hải và thành lập thêm một xã An Bình. Từ ngày 31/3/2020 huyện Lý Sơn thực hiện chính quyền một cấp, không còn cấp xã theo Nghị quyết 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ban Thường vụ Quốc hội.

2a-trung-tam-huyen-dao-ly-son-01-1672327784-1672380273.jpg
Trung tâm huyện đảo Lý Sơn. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm

Lý Sơn là huyện đảo nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, với diện tích tự nhiên 10,39 km2, dân số trên 22 nghìn người và nằm ngay trên con đường biển từ Bắc vào Nam và ngay cửa ngõ phía Đông của Khu kinh tế Dung Quất, Lý Sơn cách đường hàng hải quốc tế 90 hải lý. Với vị thế này, Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu của đất nước, có vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế trên nhiều phương diện về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên lịch sử văn hóa… ít nơi nào có được.

Giai đoạn đầu mới thành lập, huyện Lý Sơn là một huyện nghèo, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, nông, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ và cơ sở hạ tầng còn yếu kém, lạc hậu. Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 22/9/1997 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”. Nhờ vậy, những năm qua các cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng, đặc biệt là được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm và chính thức đưa vào sử dụng ngày 28/9/2014.

3a-tuong-dai-doi-hoang-sa-kiem-quan-bac-hai-va-nha-trung-bay-tai-ly-son-nsna-nguyen-dang-lam-1672327773-1672380312.jpg
Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và Nhà trưng bày tại trung tâm huyện. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm

Kinh tế nông - ngư nghiệp phát triển

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Trong 30 năm qua, kinh tế của huyện Lý Sơn có sự phát triển rõ nét, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2022, đạt 2.061 tỷ đồng, tăng gần 24 lần so với năm 1993; cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, nông - ngư nghiệp chiếm 46,18%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 7,74%, thương mại dịch vụ chiếm 46,08%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, ngành trồng trọt ở Lý Sơn, cây Tỏi và cây Hành là 2 cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện, để nâng cao giá trị sản phẩm hành, tỏi trên thị trường, tháng 3/2009 huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam về công nhận nhãn hiệu hành, Tỏi Lý Sơn. Hiện nay, thương hiệu Tỏi Lý Sơn đã được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước. Để tiếp tục duy trì và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cây Hành và Tỏi Lý Sơn, năm 2020 Tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Tỏi Lý Sơn.

Đi đôi với ngành trồng trọt, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, năm 1993 toàn huyện chỉ có 193 chiếc tàu thuyền với công suất 5.573 CV đến cuối năm 2022 có 549 chiếc với công suất 87.373 CV; sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản mỗi năm đều tăng lên, năm 2022 đạt sản lượng 28.640 tấn, tăng 13,73 lần so với năm 1993; Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có sự tăng trưởng khá, năm 2022 đạt 186,6 tỷ đồng, tăng 283 lần so với năm 1993.

Hoạt động thương mại - dịch vụ và du lịch không ngừng phát triển, mở rộng về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ: Đến nay toàn huyện có 04 chợ, hàng chục cửa hàng, đại lý được nhân dân quan tâm đầu tư mở rộng; hoạt động giao thông vận tải ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, giao thông vận tải đường biển được đầu tư nâng cấp về cả về phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách, các cảng biển được đầu tư cả về số lượng và chất lượng, Có 07 tàu cao tốc phục vụ tuyến Sa kỳ - Lý Sơn, 16 ca nô phục vụ tuyến đảo Lớn - đảo Bé, 04 cảng biển được đầu tư đi vào hoạt động. Sau khi có điện lưới quốc gia, nhiều doanh nghiệp và hàng trăm gia đình đầu tư xây dựng 17 khách sạn, có nhiều khách sạn 2 - 3 sao, 53 nhà nghỉ và 65 homstay với tổng số gần 1.100 phòng, các khách sạn và nhà nghỉ tập trung ở gần các bến cảng, trung tâm huyện, đảm bảo cho khoảng từ 3.000 - 4.000 du khách lưu trú hàng ngày; giao thông vận tải đường bộ được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, các tuyến đường liên thôn, liên xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện thuận cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân.

14a-ben-dau-tau-thuyen-xa-an-vinh-1672327765-1672380352.jpg
Vũng neo đậu tàu thuyền xã An Vĩnh. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, từ năm 2007, huyện ủy Lý Sơn đã ban hành Chương trình hành động về phát triển du lịch biển đảo Lý Sơn giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2015; thực hiện Quyết định số 2700/QĐ-UBND ngày 21/11/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Lý Sơn đã tổ chức lễ công bố quyết định công nhận tuyến du lịch biển, đảo Lý Sơn, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển đảo Lý Sơn.

Trong những năm qua, ngành kinh tế du lịch của huyện không ngừng phát triển, các điểm du lịch được đầu tư, các di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo, các thắng cảnh thiên nhiên từng bước khám phá, các công trình phục vụ du lịch từng bước được đầu tư xây dựng, trong đó nổi bật như: Xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa kiểm quản Bắc hải; xây dựng và nâng cấp Cột cờ Tổ quốc tại đỉnh núi Thới Lới; khôi phục và trưng bày bộ xương cá Ông tại Lăng Tân; xây dựng quảng trường trung tâm huyện…

Để đẩy mạnh và xúc tiến các hoạt động quảng bá du lịch, giữa năm 2018, Huyện Lý Sơn đã tổ chức “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Lý Sơn” lần thứ nhất, trong đó có nhiều hoạt động quan trọng như: Hội thảo phát triển du lịch Lý Sơn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ có quy mô toàn quốc, trong đó có xác lập kỷ lục Việt Nam về số người hát quốc ca và tạo hình lá cờ Tổ quốc đông nhất trên biển. Đến nay, hoạt động phát triển du lịch không ngừng được quan tâm, công tác tuyên truyền quảng bá ngày càng phong phú, đa dạng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quy mô cấp tỉnh, cả nước được tổ chức thực hiện, như: Tổ chức giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài Báo Tiền phòng lần thứ 61, giải Dù lượn Quảng Ngãi mở rộng, giải Bóng chuyền bãi biển nữ, Bơi vượt biển từ đảo Lớn sang Đảo Bé; đua thuyền truyền thống huyện Lý Sơn… Nhờ vậy, số lượng du khách trong và ngoài nước đến với Lý Sơn ngày càng tăng nhanh, năm 2010, số lượng du khách đến Lý Sơn 8.800 lượt khách thì đến năm 2019 lượng khách du lịch đến với Lý Sơn là 265.000 lượt khách, tốc độ tăng trương bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 23,3%, tỷ trọng ngành du lịch đến năm 2022 chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện. Ngành kinh tế du lịch được xác định là mũi nhọn của huyện.

4a-le-khao-le-te-linh-hoang-sa-o-ly-son-nguyen-dang-lam-1672327773-1672380387.jpg
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm tại Lý Sơn. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ

Giáo dục - Đào tạo chất lượng ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của địa phương. Toàn huyện hiện có 09 trường (03 Mầm non, 03 Tiểu học và 02 THCS, 01 trường THPT), trong đó có 07/09 trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ nhà giáo có trách nhiệm, nhiệt tình và chất lượng; hàng năm tốt nghiệp các cấp trung học phổ thông trên 98%; tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao, chiếm từ 70 - 80%.

Công tác chăm lo các vấn đề xã hội và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời; công tác giảm nghèo luôn được triển khai thực hiện, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,12%; việc triển khai thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, kêu gọi xã hội hội hóa hỗ trợ sửa sữa, nâng cấp, hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 400 nhà ở với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được cải thiện, cơ sở vật chất, trang bị được quan tâm đầu tư, năm 1994 Trung tâm y tế Quân Dân y kết hợp huyện được xây dựng và đưa vào hoạt động với 20 giường bệnh và 02 bác sĩ, đến nay đã có 70 gường bệnh và 12 bác sĩ…

Phong trào văn hóa, văn nghệ ngày càng đa dạng, phong phú, đậm nét văn hóa truyền thống; nhiều hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị của huyện được tổ chức thực hiện sôi nỗi. Các thiết chế văn hóa được quan tâm, xây dựng, 100% thôn có nhà văn hóa; các hoạt động thể dục, thể thao có nhiều khởi sắc, đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao có qui mô cấp tỉnh và Trung ương thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng. Công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa luôn được chú trọng, hiện nay trên địa bàn huyện có 06 di tích Quốc gia, 02 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh.

Cùng với việc lãnh đạo tập trung chăm lo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ biên giới biển, đảo của Tổ quốc. Chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Lực lượng vũ trang tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng…

11a-hoi-thao-phat-trien-du-lich-ly-son-1672327767-1672380426.jpg
Hội thảo phát triển du lịch Lý Sơn. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm

Nhìn lại qua 30 năm kể từ ngày thành lập huyện, Lý Sơn đã đạt được những thành tựu đáng kể trên một số lĩnh vực; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; kinh tế - xã hội ngày một phát triển, quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác quản lý điều hành ngày một hiệu quả, chặt chẽ hơn, tạo thuận lợi cho chặng đường phát triển tiếp theo. Những kết quả trên góp phần những thành tựu to lớn, có ý nghĩa trong việc phát triển tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Lý Sơn nói riêng.

Với những thành tích đạt được sau 30 năm thành lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lý Sơn càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, chung sức, đồng lòng xây dựng huyện Lý Sơn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời đưa Lý Sơn trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của miền Trung và cả nước.

Nguyễn Đăng Lâm
Bạn đang đọc bài viết "Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): Phát triển nhanh, toàn diện sau 30 năm thành lập" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.