Chùa Đậu tên chữ là Thành Đạo tự, được xây dựng thế kỷ 11 dưới triều Lý, một trong những ngôi chùa cổ của Việt Nam. Ngoài thờ Phật chùa còn thờ nữ thần Pháp Vũ hay còn gọi là bà Đậu. Đến thế kỷ 17, có 2 nhà sư đã để lại nhục thân của mình bằng phương pháp ướp xác độc đáo đến nay vẫn còn lưu giữ.
Thiền sư Vũ Khắc Minh tu tại chùa Đậu ở thế kỷ 17, trước lúc viên tịch ông dặn các đệ tử, nếu sau 100 ngày không thấy tiếng mõ tụng kinh nữa, mở cửa am ra nếu thi thể còn nguyên vẹn sơn bả lên người, còn nếu thấy mùi hôi thối thì lấp cửa am lại. Khi vào thiền, thiền sư chỉ mang theo chum nước uống và dầu thắp sáng, đúng 3 tháng 10 ngày sau các đệ tử mở cửa am thấy thiền sư vẫn ngồi thiền nhưng đã tịch và không bốc mùi hôi thối. Họ làm theo đúng lời dặn bả sơn ta lên nhục thân và hàng ngày hương khói. Đến nay pho tượng vẫn gần như nguyên vẹn chưa có thay đổi gì lớn, lớp sơn ta ngày càng bóng tạo thêm nét linh thiêng cho pho tượng táng thiền sư Vũ Khắc Minh.
Đến năm 1993, tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ lại với các kỹ thuật như bó, hom, lót… các nguyên liệu vải màn, sơn ta, giấy dó, với tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14, trước khi tu bổ 7kg, sau khi tu bổ nặng 7,5kg. Sơn ta là một loại cây trồng chủ yếu ở Phú Thọ, là cây có tính độc, dân gian thường có câu “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người” ý chỉ cây sơn ta rất độc nhưng tùy người không phải ai cũng có thể bắt độc của cây.
Chính vì vậy việc bả sơn ta lên thi hài cần có sự tính toán, nghiên cứu rất kỹ của các đệ tử cũng như thiền sư là người có thân thể khác thường mới có thể lưu giữ được đến ngày nay. Tượng thiền sư được đặt trong tủ kính, tư thế ngồi thiền, các xương hàm, xương vai, xương sọ nhô ra rõ rệt, toàn thân bóng loáng mầu nâu sẫm thể hiện nét uy nghi của người đắc đạo.
Sau đó, thiền sư Vũ Khắc Trường (đệ tử) tiếp nối thiền sư Vũ Khắc Minh, sau khi qua đời cũng dặn các đệ tử bả sơn ta lên thi hài rồi lưu giữ lại. Nhưng pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường sau đó đã bị hỏng nặng vào năm 1983 do am đặt tượng bị ngập sau trận lũ lớn.
Tượng hồi đó đã được ông Vũ Văn Tuyền, cháu của thiền sư đắp lại bằng đất và sơn ta. Năm 2000, tượng đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại những xương bị gãy, xông thuốc 2 lần và phủ xương bằng dung dịch PVC và đưa lại xương vào trong tượng và bao kín toàn tượng bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dày nhất tới 22 lớp. Toàn bộ pho tượng sau khi tu bổ nặng 31kg. Pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường có bề ngoài mầu trắng, dáng ngồi thiền thẳng lưng, nét mặt tươi tắn tạo cảm giác thân thiện cho du khách hành hương chiêm bái.
Thiền sư Vũ Khắc Trường
Đây là 2 pho tượng nhục thân cổ nhất ở Việt Nam, công thức ướp xác khác hẳn với cách ướp xác của người Ai Cập cổ đại, đơn giản hơn, không dùng đến dao kéo nhưng không hề bị mối mọt hay phai tàn theo thời gian. Theo ông Nguyễn Xuân Tĩnh (người nghiên cứu địa phương), kỹ thuật ướp xác của người Việt Nam không thua kém người Ai Cập, chỉ khác mỗi nơi một phương pháp riêng và dùng những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên ở chùa Đậu chính là cây sơn ta, hiện nay trên thế giới chưa đâu tìm ra cây sơn ta ngoài Việt Nam. 2 pho tượng táng chùa Đậu đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam. Chùa Đậu còn được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa có cuốn sách bằng đồng cổ nhất Việt Nam, chùa được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1964.
Vào các ngày rằm, mùng 1 người dân đến lễ chùa rất đông. Theo một số du khách, chùa Đậu rất linh ứng, hơn nữa cảnh quan chùa xanh mát, thanh tịnh tạo cho người đi lễ cảm giác thư thái, nhẹ nhõm sau những ngày làm việc căng thẳng. Hiện tại, 2 pho tượng được thờ ở hậu cung chùa Đậu và được bảo quản cẩn thận. Ngoài ra, chùa Đậu còn là một ngôi chùa với rất nhiều cây cối, xanh mát quanh năm với hồ nhân tạo vòng quanh chùa rộng khoảng 5 mẫu, ở giữa là một phương đình lớn được bắc qua một chiếc cầu tre, cảnh vật rất nên thơ làm điểm nghỉ chân cho du khách tham quan. Trước cổng chùa là hàng cây Osaka đỏ, hoa nở quanh năm, màu sắc rực rỡ, mùi thơm ngây ngất. Được biết đây là một loại hoa quý có xuất xứ từ Nhật Bản do một số du khách người Thái Lan cung tiến trồng trước cổng chùa cách đây 10 năm.
(Theo saigondautu.com)