Hương sắc Hà Nội giữa lòng Sài Gòn

05/02/2015 08:51

Theo dõi trên

Dường như mà như không phải dường như. Những ai đó – Người Hà Nội như hiểu tâm trạng, nỗi niềm người xa xứ, xa quê hương muốn đằm mình trong khung cảnh, thưởng thức hương vị in đậm dấu ấn, phong cách Hà Nội giữa đô thị Sài Gòn ồn ào và vội vã.

I. Hòa chung vào dòng người theo chúa Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) đi mở cõi và theo biến động của lịch sử trong những cuộc “di dân” người Thăng Long - Hà Nội đã định cư ở miền đất phương Nam. Và từ khoảng 100 năm nay, ở Sài Gòn có ba “dòng” người Hà Nội di dân thuộc 3 giai đoạn: trước 1954, năm 1954 và sau 1975. Có thể nói, dù thuộc giai đoạn nào, người Hà Nội trên đất Sài Gòn vẫn có những nét khác biệt. Tiêu biểu là giọng nói, nếp sống thuần hậu, khiêm nhường, thanh lịch. Hòa nhập, an cư ở một thành phố cởi mở với nhiều dòng văn hóa du nhập như Sài Gòn để giữ cốt cách của người Hà Nội là một thách thức không nhỏ. Người Hà Nội sống và làm ăn không quyết liệt đến cùng như người Sài Gòn, không “vô tư” hết mình như người miền Tây Nam bộ nhưng say mê, cần cù và luôn cẩn trọng suy tính trước sau. 
 


Không gian phố cổ tại quán cafe

Hiện ở Sài Gòn, nơi tập trung nhiều cư dân “kinh kỳ Thăng Long” nhất là khu dân cư K300, khu phố 4, phường 12, quận Tân Bình - một Hà Nội tĩnh lặng, lãng mạn và bàng bạc xưa của đất kinh kỳ từ những ngôi nhà mang hồn kiến trúc cũ. Không tiếng nhạc xập xình ồn ào, mà là những giai điệu ca trù văng vẳng. Không hàng quán hào nhoáng cầu kỳ tấp nập người ra vô, mà là những quán nhỏ xinh như hàng nước hay gánh hàng xén được mở rộng thêm. Vào dịp Tết Nguyên đán, ở khu phố này có một phiên chợ rất lạ, truyền rằng đã tồn tại cả mấy trăm năm: Chợ lá dong. Chợ chỉ họp trong vài ngày trước Tết, bán toàn lá dong, lạt giang được mang từ ngoài Bắc vào, dùng để gói bánh chưng “Lang Liêu”. 

Không những vậy, dường như người Hà Nội ở Sài Gòn vẫn sống mỗi ngày với những sợi dây vô hình với gốc gác và quá khứ của mình như: Mặc áo dài lụa may tay ở tiệm chị Chính; may veston thì phải tới nhà ông Quế ở Cầu Kiệu; ăn dưa cà muối ở quán bà Cả Đọi; cá lóc nướng lá chuối thì phải sang quận Tám… và thích lấy tay che miệng mỗi khi cười, thích hỏi han “Cháu là con nhà ai, bao nhiêu tuổi, trước nhà ở phố nào?”. Nhưng rõ nét nhất là phong cách ẩm thực của người Hà Nội đã vào tận bếp ăn của gia đình người Sài Gòn. “Siêu thị Hà Nội” ở Sài Gòn như một cái chợ Hà Nội thu nhỏ, mùa nào thức đó, từ lá “húng Láng”, quả sấu non, tinh dầu cà cuống đến ô mai, bánh cốm… 

II. Sài Gòn có rất nhiều quán phở Bắc, nhưng mang đúng hương vị phở Hà Nội có lẽ duy nhất quán phở Phố Nhỏ - hay Phở Thìn Hà Nội ở Sài Gòn, số 170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Khi đến ăn, thực khách không chỉ là ăn phở Hà Nội mà còn được trằm mình trong không gian của Hà Nội xưa. Chủ quán là hai vợ chồng người Hà Nội, chị Bùi Thị Thanh Mai (con gái út của ông Thìn) và anh Đạt, người có tâm hồn nghệ sĩ, đã “biến tấu” quán phở của mình thành “phố Hà Nội”, kiểu Phố Phái: Đường nhựa cũ, cột điện cũ, vỉa hè cũ giữa hai bên dãy phố cổ chạm nổi trên tường, tô, chén, dĩa, muỗng là gốm sứ Bát Tràng chính hiệu. Chị Mai, dù làm ăn lâu năm ở Sài Gòn, nhưng phong thái vẫn giữ nguyên vẹn nét “cổ” của người phụ nữ Hà thành. Đằm thắm và chân tình, chị nói: “Nhập gia tùy tục. Nhưng những gì thuộc nếp nhà là phải giữ, giữ cho mình, cho con, cháu, và cũng là để tạo uy tín, vị trí của mình trong kinh doanh”. Con cái đi thưa về gửi, lên mâm cơm phải giữ nếp lễ phép với người lớn, ngày giỗ, ngày Tết làm cỗ giữ đúng phép truyền thống.

Ngoài “đặc sản” bình dân, dân dã đậm chất kinh kỳ thì tại nhà hàng Góc Hà Nội, hẻm 24, đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, người Hà Nội sẽ được ăn và “thở”  trong không gian yên tĩnh, được chiêm ngưỡng những bộ bàn ghế gỗ xưa, những chiếc bình gốm, những bức tranh Hà Nội cổ kính đến bộ bát, đĩa đều làm từ làng gốm Bát Tràng. Nhưng cái thực sự người Hà Nội muốn đến Góc Hà Nội là món ăn ở đây đậm đà hương vị Bắc, không một chút lai tạp, vì vậy từ cách nêm nếm, thực đơn, đến tất cả các nguyên liệu chính đều từ Hà Nội mang vào như: cá rô kho tương bần, đĩa rau lang luộc xanh mướt và tô canh cua rau đay với cà pháo xanh giòn tan; nhánh rau mùi thơm lừng, vịt om sấu, chả mực Hạ Long, cá chép om dưa, gà rang muối… 

III. Thu mình lặng lẽ trong con phố nhỏ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, Caco Cafe tách biệt hẳn với sự ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị - Người Hà Nội đến đây thưởng thức ly café là để hoài niệm về 36 phố phường Hà Nội. Trong không gian khiêm tốn, một dãy phố cổ Hà Nội hiện lên sống động với những bức tường sờn màu, những trụ đèn cũ kỹ. Điểm son thêm nét cổ kính cho “phố cổ” này là không gian ngồi bệt lại được chăm chút bằng những chiếc bàn gỗ hình khối mộc mạc, đơn sơ như một chiếc rương đã từng gắn bó một thời với các bậc tiền nhân hoặc bạn có thể chém gió cùng bạn bè trên chiếc tàu điện như đang chạy quanh con phố. Đến Caco cafe không chỉ là điểm đến cho những đứa con xa quê, những người yêu Hà Nội mà còn là nơi những bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh chụp cho mình những tấm ảnh đẹp và lãng mạn.

Mỗi người Hà Nội ở Sài Gòn vẫn luôn giữ cho mình nhiều thói quen, phong tục tập quán thuần Bắc và có khi còn đậm chất Hà Nội hơn nhiều người đang sống ở Hà Nội. Tuy nhiên, “nhập gia tùy tục” nên dường như người Hà Nội cũng đã thấm dần phong cách hiện đại của Sài Gòn. Và giờ đây Hà Nội - Sài Gòn gần như không có khoảng cách về nỗi nhớ, cũng là nhờ những dấu ấn kinh kỳ mà người Thủ đô đã trân trọng, thương yêu và gìn giữ trong khi hòa nhập với vùng đất phương Nam.
 
Lê Hoàng

Bạn đang đọc bài viết "Hương sắc Hà Nội giữa lòng Sài Gòn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.