Thanh Chương

Hồn Xoan ĐấT Tổ

30/01/2016 09:37

Theo dõi trên

Nhắc đến hát Xoan là nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Công lao không nhỏ trong bảo tồn thuộc về các nghệ nhân ở những phường xoan cổ. Mới đây, những nghệ nhân này đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Một trong số đó là nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch ở phường xoan cổ An Thái.



Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch
Trùm nữ duy nhất

Cha bà, cụ Nguyễn Tất Thắng, sau khi tiếp nhận phường xoan từ cụ Chìu, đã để những làn điệu Xoan đứt đoạn do chiến tranh, giặc giã, đói kém thời bấy giờ. Cụ Thắng thoát ly đi kháng chiến và công tác trong ngành công an. Mãi đến khi về hưu, cụ Thắng mới gây dựng lại phường xoan An Thái. Cụ đã tập hợp những người biết hát xoan trong làng lại để ôn luyện các làn điệu; sưu tầm các tư liệu về hát xoan để từng bước gây dựng lại phường Xoan. Năm 1996, cụ Thắng đã vận động thành lập Câu lạc bộ hát xoan An Thái chỉ với 20 người tham gia ban đầu. Và phường Xoan An Thái đã hồi sinh từ thời điểm ấy.

Ngay từ nhỏ, bà đã theo ông nội cùng phường Xoan đi hát khắp nơi, Xoan cứ thế ngấm dần vào máu bà. Mười ba tuổi bà đã thuộc hết các quả cách (làn điệu), 15 tuổi tham gia hát chính và trở thành đào nương trẻ tuổi của làng An Thái. Vào cái tuổi đôi mươi đẹp nhất của đời con gái, bà chịu gả cho một kép hát, nhưng chỉ cưới nhau được 17 ngày thì chồng bà nhập ngũ, Nam tiến rồi hy sinh. Và những câu Xoan nhịp phách trong máu, trong tim đã cùng bà vượt qua những năm tháng khó khăn lúc bấy giờ.

Phường Xoan An Thái bây giờ đang phát triển rực rỡ dưới sự điều hành của bà Trùm Nguyễn Thị Lịch. Phường có 85 người, nhỏ nhất là kép “nhí” Bùi Việt Hào (7 tuổi) và lớn nhất là đào “cỗi” Nguyễn Thị Hải (92 tuổi); thường xuyên biểu diễn giao lưu trong – ngoài nước, biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, biểu diễn trên truyền hình, phục vụ khách du lịch quốc tế…




Trình diễn phục vụ du khách tại đình Hùng Lô

Nỗ lực bảo tồn

Gần 70 tuổi, cái tuổi mà người người chỉ muốn vui vầy cùng cháu con, thì nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch vẫn ngày đêm đau đáu với hồn xoan. Trong bà luôn đau đáu một niềm trăn trở vực dậy, phát triển mạnh mẽ hơn nữa môn nghệ thuật dân dã nơi đất Tổ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ, cho đến nay bà đã tham gia giảng dạy, truyền thụ hát xoan cho khoảng 40 lớp cả trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, có lớp số lượng học viên lên đến gần 300 người. Nghệ nhân Lịch tâm đắc: “Số lượng học viên tôi truyền dạy hát xoan có thể lên đến con số hàng ngàn. Học viên có thể là cán bộ quản lý văn hóa, cán bộ tuyên truyền các huyện, thị xã trong tỉnh; các nhà nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân gian; và nhiều cán bộ chuyên môn khác… Trong số học viên tôi truyền dạy, có 3 người đã được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan, hiện là chủ nhiệm các câu lạc bộ hát Xoan trong tỉnh và tiếp tục truyền day cho nhiều học viên khác”.

Không chỉ vậy, nghệ nhân Lịch còn vận động tiếp nhận và truyền dạy nghệ thuật hát xoan cho thế hệ trẻ trong xã Phượng Lâu, chuẩn bị cho lớp nghệ nhân kế cận; không công xá, không phụ cấp, chỉ bằng niềm đam mê. Trước đây, mỗi tuần 2 buổi, đều đặn mỗi cuối tuần nghệ nhân Lịch đều truyền dạy ngay tại nhà; từ năm 2014, được sự quan tâm của xã Phượng Lâu, địa điểm truyền dạy được chuyển ra nhà văn hóa khu 6 xã Phượng Lâu. Không chỉ vậy, để quảng bá mạnh mẽ hơn cho nghệ thuật hát xoan, nghệ nhân Lịch cùng phường xoan An Thái đã nhiệt tình tham gia biễu diễn, mỗi năm hàng trăm buổi.

Năm 2005, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian; năm 2011, được Viện Âm nhạc tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác bổ sung xây dựng hồ sơ hát xoan Phú Thọ; năm 2012, được UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân; năm 2015, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Theo Thanh Hoàng (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Hồn Xoan ĐấT Tổ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.