
Hồn Việt giữa lòng thành phố
02/02/2017 09:48
Du xuân Đinh Dậu, nếu du khách đến xứ Thanh hãy thử một lần bước chân vào không gian văn hóa Việt tọa lạc giữa lòng thành phố Thanh Hóa đang “thay da đổi thịt” từng ngày… Thời buổi mà đô thị hóa ngày càng nhanh, làng quê ngày một bị thu hẹp thì ở thành phố ồn ào, náo nhiệt có những “khoảng trống” mà bàn tay con người sắp đặt, tạo dựng để có một không gian văn hóa phục vụ cho du khách và cư dân bản địa quả là việc đáng khích lệ.
Khá khen ai đã định danh cho khuôn viên này bằng cụm từ rất hay “không gian văn hóa Việt” gần Khu ẩm thực “ Rừng trong phố” tạo ra không gian cho những ai thích khám phá và thưởng thức những đặc sản về vật chất và tinh thần của xứ Thanh.

Cây đa, giếng nước, ngôi nhà 7 gian ở “Không gian văn hóa Việt”
Tọa lạc cạnh đường Cù Chính Lan, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, trên diện tích gần 10 nghìn m2 với cây xanh bóng mát cùng nhiều sản phẩm văn hóa, hiện vật độc đáo lung linh sắc thái văn hóa Việt, cùng với các sân chơi thể thao… thu hút sự quan tâm của khách lãng du cũng như cư dân thành phố sau những ngày lao động căng thẳng, mệt nhọc. Những ai lần đầu “lạc bước” vào đây sẽ vô cùng thích thú khi ngắm nhìn ao cá được thả bèo tấm như rắc phấn xanh trên mặt ao, làm cho những người nhất là bậc cao niên hồi tưởng lại một thời gian khổ mà bất cứ ao hồ nào của làng quê Việt Nam cũng có! Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, luống rau xanh, con trâu bạc nằm bên đụn rơm vàng cùng nhiều cây xanh được trồng, chăm sóc, cắt, tỉa tạo dáng. Những cối xay lúa, chày giã gạo, quạt lúa, thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia… những nông cụ quá quen thuộc của nhà nông, gợi cho ta nhớ về làng quê thanh bình yên ả của một thời khốn khó.
Thấp thoáng trong vườn cây xanh, là những bức phù điêu bằng đất nung mô phỏng những sinh vật gắn bó với đời sống con người và cũng là những linh vật thể hiện 12 con giáp đã quá quen thuộc với đời sống văn hóa của nhân loại. Các tác phẩm: hòn Vọng Phu, trống đồng Đông Sơn, những phiến đá khổng lồ được bàn tay nghệ nhân mài dũa phẳng lì nặng hàng chục tấn như những sập gỗ cùng các trụ đá trích ra từ các điển tích của đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho, dung hòa, uyển chuyển nhưng chặt chẽ, logic truyền cảm hứng cho người chiêm ngưỡng.
Điêu khắc truyền thống và nghệ thuật dân gian, là điểm nhấn trong không gian văn hóa nơi đây. Một ngôi nhà gỗ 7 gian và ngôi nhà 5 gian dựng lên bằng tre, luồng đặc trưng của miền quê Thanh Hóa. Các cấu kiện kiến trúc như đầu trụ, rường mái, cốn mê, kẻ bẩy đều được trang trí, chạm nổi, chạm lộng, chạm bong các hoa văn từ hoa, lá, tứ bình, vân mây… cân đối, hài hòa và bắt mắt. Bên trong nội thất ngôi nhà được bố trí sắp đặt khoa học, gần gũi phảng phất một chút tâm linh từ gian đặt bàn thờ Bác Hồ, gian trưng bày nghệ thuật dân gian, đến gian tiếp khách... tất cả tạo nên sự hội tụ và lan tỏa giữa truyền thống và hiện đại.
Du khách đến thăm “Không gian văn hóa Việt” như đến với các làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh. Những tác phẩm nghệ thuật phong phú đa dạng làm ra từ đá, thế mạnh của xứ này được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc tinh xảo để có 18 vị La hán ngồi thiền trên đỉnh núi. Tùng, cúc, trúc, mai bộ tranh tứ quý tượng trưng cho mùa xuân, bộ bát biểu của đạo Nho với trân châu ngọc, đồng tiền mao tuyết, phương trượng, ngòi bút, cuốn thư được chạm trổ tinh tế trong các tác phẩm nghề mộc…
Sau những ngày tháng lao động mệt nhọc, những lo toan vất vả của đời thường, những suy tư nhân tình thế sự, những ồn ào, náo nhiệt của thành phố đang dựng xây, chỉnh sửa. Đến với “Không gian văn hóa Việt” được thả bộ, phóng tầm mắt tận hưởng không gian xanh, sạch, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của đá, gỗ, tranh, tre, nứa lá, thả hồn vào âm thanh, giai điệu của nhạc Trịnh, được thưởng thức những đặc sản quê Thanh, tâm hồn mỗi người lại thấy lâng lâng khó tả…
Một mùa xuân nữa đang về, cảnh sắc của những ngày cuối năm thật tưng bừng náo nhiệt. Xứ Thanh bước vào xuân Đinh Dậu với những thành quả gặt hái được rất có ý nghĩa của xuân Bính Thân. Mọi người, mọi nhà du xuân này hãy đến với vùng đất “tam vương, nhị chúa” ghé thăm “Không gian văn hóa Việt”, một địa chỉ du lịch mang đậm hồn Việt nằm giữa lòng thành phố Thanh Hóa.
Bài, ảnh: Cao Ngọ
Bạn đang đọc bài viết "Hồn Việt giữa lòng thành phố" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.