
Mục tiêu của hội thảo là nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân Quảng Ngãi về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; đánh giá tiềm năng và triển vọng xây dựng công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh; thảo luận, nhận dạng giá trị di sản địa chất và văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh; Thảo luận, chia sẻ phương thức quản lý và khai thác hiệu quả thương hiệu Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại hội thảo, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu khai mạc nêu rõ: “Hội thảo Quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được tổ chức vào thời điểm đặc biệt, đánh dấu 110 năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh - nền văn hóa có niên đại hơn 3.000 năm, một trong 3 nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình lịch sử của Việt Nam, được thế giới công nhận. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào các chuyên gia, các nhà khoa học có chuyên môn sâu trong lĩnh vực địa chất, văn hóa; có nhiều kinh nghiệm xây dựng công viên địa chất có thể tư vấn, giúp chúng tôi hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững theo tiêu chuẩn của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”.
Đến nay, nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của các chuyên gia đến từ mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, Quảng Ngãi cơ bản đã hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu, xác định các khu vực địa chất, văn hóa có giá trị, với quy mô công viên khoảng 2.000km2 đất liền, chiếm 39% diện tích toàn tỉnh và 2.600km2 mặt nước biển, bao gồm toàn bộ chiều dài 130km bờ biển, với dân số trên 900.000 người.


Tại hội thảo, sau khi nghe ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu chung về tỉnh Quảng Ngãi và về công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, hội thảo dành thời gian cho 3 phiên hội thảo về giá trị di sản văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh (10 tham luận); về giá trị di sản địa chất (10 tham luận) và về công tác quản lý, khai thác và phát triển bền vững các giá trị di sản (3 tham luận). Trong đó, các đại biểu nghe bài phát biểu của TS. Guy Martini - Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; 110 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi và miền Trung Việt Nam của PGS.TS Bùi Văn Liêm; Các di tích văn hóa Sa Huỳnh trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh - Giá trị lích sử văn hóa trong nền cảnh tiền - Sơ sử miền Trung Việt Nam của TS. Phạm Thị Ninh…; Phần hội thảo về giá trị di sản địa chất, các đại biểu nghe tham luận của GS.TS Nguyễn Xuân Bao về Địa chất tỉnh Quảng Ngãi với triển vọng xây dựng công viên địa chất toàn cầu; TS. Ryu Choon Kil - Viện Môi trường địa chất Hàn Quốc tham luận về Đặc điểm hoạt động núi lử cụm đảo Lý Sơn….; Về công tác quản lý, khai thác các giá trị di sản các địa biểu nghe tham luận kinh nghiệm của ông Hoàng Xuân Đôn về 10 năm Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn - những thành tựu, bài học: Chuẩn bị lớn, thành công tốt; Mạng lưới Hợp tác xã - mô hình kinh tế bền vững công viên địa chất toàn cầu của ông Đoàn Sum… Qua mỗi phần tham luận có thảo luận toàn thể...