Tại hội thảo, các nhà quản lý, khoa học, nhà nghiên cứu chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, bảo tồn di sản trong nước và quốc tế tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề về Quy hoạch kiến trúc và phát triển bền vững tại các đô thị di sản và Quản lý di sản và cộng đồng địa phương.
Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản.
Hội thảo nhìn lại “Tuyên bố chung Hội An năm 2009 và 2003 về bảo tồn di tích lịch sử Châu Á”, trong bối cảnh mới với sự phát triển đô thị nhanh chóng tại các đô thị lịch sử ở Châu Á cũng như bối cảnh toàn cầu về huy động tổng thể các nguồn lực để đạt được mục tiêu phát triển bền vững; Khuyến khích những sáng kiến mới từ các chủ thể địa phương và khu vực tư nhân về cơ chế bảo vệ và phát triển bền vững tại các khu đô thị di sản.
Hội thảo lần này cũng ra tuyên bố chung Hội An năm 2017 về bảo tồn phát triển đô thị di sản trong bối cảnh đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Bà Susan Vize, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và vai trò ngày càng quan trọng của các đô thị trong tiến trình phát triển chung, vấn đề bảo vệ các thành phố di sản ở các nước đang phát triển ở châu Á không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức quốc tế
Bà Susan Vize nói: "Trước nguy cơ ngày càng gia tăng của thiên tai, biến đổi khí hậu và áp lực đô thị, đòi hỏi phải xác định các biện pháp bảo tồn di sản văn hóa phù hợp, trong bối cảnh đô thị đòi hỏi phải có sự cân bằng tinh tế giữa bảo tồn và phát triển. Để Hội An và các di sản đô thị khác ở Châu Á tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững, điều quan trọng là công tác bảo vệ di sản địa phương và thúc đẩy tính sáng tạo ngày càng gắn liền với cuộc sống thực tiễn hàng ngày. UNESCO tin tưởng rằng với 2 thành tố này, chúng ta sẽ đạt được sự phát triển lâu dài và sự kết nối về văn hóa".
Bà Susan Vize ,Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam là đại diện điển hình trong quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra ở hầu khắp các thành phố lịch sử của châu Á. Các khu di sản này trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ngành du lịch. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng cũng tạo ra áp lực lớn trong phát triển và bảo tồn di sản, đòi hỏi càng nỗ lực hơn nữa và phải có tầm nhìn dài hạn trong công tác bảo tồn và phát triển di sản.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đô thị cổ Hội An đang đứng trước nhiều thách thức mới do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói lở bờ biển, lũ lụt, áp lực dân số cùng mặt trái của đô thị hóa và phát triển du lịch, ảnh hưởng lớn việc bảo tồn di sản.
"Những nguy cơ thách thức trong thời gian qua đối với đô thị cổ Hội An cũng chính là tình trạng phổ biến của các đô thị cổ khác trên thế giới. Do đó, cần có sự hợp tác tham khảo, học tập chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đô thị và các di sản trong nước và thế giới. Ý kiến đóng góp các các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong công tác bảo tồn các đô thị cổ, sự hợp tác giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm mục đích bảo tồn và phát huy hơn nữa loại hình đô thị di sản này" - ông Đinh Văn Thu cho biết./.