
Lễ hội Đình Tử Đình thường được tổ chức vào 2 ngày mùng 9 - 10/2 âm lịch hàng năm
Đình Tử Đình, trước đây thuộc thôn Tử Đình, xã Cổ Linh, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Đến thời Nguyễn là tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tổ 5 Tư Đình, phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Theo thần phả của quan Nghè Hàn lâm viện Đông Các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn ngày 10 tháng Giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) thì: Xưa trời Nam mở vận Thánh tổ xây cơ đồ hơn 2000 năm lấy niên hiệu là Hùng Vương. Các đời sau đều thừa hưởng cơ nghiệp của họ Hùng. Đến triều Nhà Lý, qua 8 đời vua trị vì thiên hạ, vua sáng, tôi hiền nên trời giáng người tài. Bấy giờ ở giáp Đông Đoài, xã Bồng Lai, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây có nhà họ Nguyễn tên Thực và vợ người bản ấp họ Nguyễn tên tự là Năng. Vợ chồng là nhà gia thế, hào phú, phúc hậu nhưng muộn có con. Một hôm bà vợ nằm ở chính tẩm mơ thấy mây đuổi sao tháu âm rơi vào trong miệng - 100 ngày sau, bà mang thai rồi sinh ra một cô con gái xin đẹp, đặt tên là Hạo Nương. Sáu tháng sau, người chồng qua đời, bà Năng đem con đến với người em gái tại Thị Trại (sau đổi là Trại Thuỷ Lệ) thuộc hoàng thành Thăng Long. Năm 17 tuổi, Hạo Nương là một cô gái tài sắc vẹn toàn, một hôm vua lý Thánh Tông ngự du ngoại thành, mọi người đổ xô tới xem, thấy Hạo Nương có dung nhan khác lạ, nhà vua liền đón vào cung, lập làm vương phi thứ 9.
Ở cung được 4 năm thì bà mẹ mất, Hạo Nương xin phép vua Lý Thánh Tông về nhà chịu tang trong hai năm. Một lần nàng đang tắm ở Hồ Tây thì có Giao Long đến cuốn 3 vòng quang người. Từ đó mang thai; 14 tháng sau, Hạo Nương sinh ra một người con trai khôi ngô tuấn tú, to lớn khác thường. Trên lưng đứa trẻ có 28 ngôi sao xếp hàng vẩy nến, sau bụng có hình sao Bắc Đẩu như Ngọc châu thất diện. Vua lú rất mừng liền theo điềm báo đặt tên con là Hoàng Lang.
Giặc phương Bắc lại sai thì tướng Trinh Vĩnh đem binh hùng, tướng mạnh sang xâm lược nước ta. Linh Lang được Vua triệu kiến vào triều nhận được cờ lệnh, voi chiến, Hoàng Lang trở mình đứng dậy thân cao 9 thước, tay cầm cờ lệnh nhảy lên lưng voi, dẫn đầu đoàn quân xông lên đánh giặc, giải phóng đất nước.
Sau khi phá tan quân giặc Trinh Vịnh được vài tháng, Hoàng Lang được vua Cha ban nhiều bổng lộc và phong chức tước cho Ngài. Lại nói trong những năm ở cương vị hoàng tử người hết lòng chu đáo cho muôn dân, được vài ba năm Ngài bị mắc bệnh đậu mùa biết không thể qua được, Ngài xin Vua cha một ngọn cờ hồng, một cây giáo dài, lao cờ lên để nơi nào nhìn thấy được lao cờ này thì lập đền thờ. Đó là Đền thờ Voi Phục là Đền Chính, Đình Tư Đình và 268 nơi được phong thờ. Ngài hoá vào ngày 10/2 âm lịch năm 1072 và được Vua cha phong: Linh Lang Đại Vương - Thượng Đẳng phúc Thần.
Lễ hội Đình Tử Đình thường được tổ chức vào 2 ngày mùng 9 - 10/2 âm lịch hàng năm. Đến với Lễ hội truyền thống Đình Tử Đình ngoài việc thực hiện các nghi thức của phần tế lễ quan viên, dâng lễ diễn ra trong đình, chúng ta còn được thưởng thức những làn điệu dân ca, quan họ của các đàn anh, đàn chị, những câu hát ví, hát xoan của các bà, các cô trong nghi thức đón và dâng lễ của các tập thể, dòng họ, quý khách, thập phương dâng lễ thờ vào Đình, các hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian đặc sắc được khôi phục như chọi gà, cờ tướng, bóng đá... Đặc biệt tổ chức Cờ người và nghệ thuật tổ tôm điếm tại lễ hội. Lễ hội truyền thống Tử Đình hàng năm cũng thể hiện tình đoàn kết, tình làng xưa và nay là không thể thiếu được bữa cơm đại gia đình thể hiện âm cúng, thân thiện, không phân chia sự giàu nghèo của một cộng đồng dân cư Làng, xã chỉ có trong Lễ hội mới thể hiện được. Những nét văn hoá cộng đồng, những phong tục tập quán tốt đẹp, vốn quý của ông, cha ta để lại được kế tục trong việc xây dựng đời sống văn hoá Người Long Biên, Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Một số hình ảnh lễ hội làng Tử Đình:







