Hội họa Trần Quốc Khánh –Những điều còn lại

09/09/2016 15:29

Theo dõi trên

Ngày 9/9, tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền diễn ra mô%3ḅt triển lãm lạ lùng nhất trong đời sống hô%3ḅi họa sau hàng chục năm nay.

Đó là triển lãm đầu tiên của một họa sĩ chưa ai từng biết đến, và tác giả của nó cũng đã không còn nữa (họa sĩ Trần Quốc Khánh, 1968 – 2015). Nhưng những bức họa của anh để lại làm người xem thực sự giật mình...

Tôi rất xúc động mỗi khi được xem phần sáng tạo tinh thần của một người quá cố, khi họ chưa hưởng trọn tuổi trời. Điều này không hẳn sâu xa là việc khiếp sợ trước cái chết, một động thái bản năng của chúng ta. Mà đơn giản chỉ là việc ta thấy công việc của họ đã dừng lại, mà không thể thêm hay bớt gì nữa. Điều hay thì cũng không thể khuếch trương và phát triển, đi sâu, đẩy tới… thêm, điều dở cũng không thể cất bớt được đi. Tất cả nằm nguyên, chường lồ lộ ra đấy như chính bản thân sự sáng tạo hiện ra dở dang một cách… trọn vẹn! Tất cả những “cái ấy” nó nhìn ta chằm chằm, nó không hỏi ta, ta cũng không đối thoại được với nó nữa, nhưng dường như nó cứ làm trong lòng ta dấy lên một câu chất vấn: Tao thì thế đấy, còn mày, mày đã, đang, và sẽ làm gì? Với cuộc đời mày hả?


Xem hội họa của họa sĩ Trần Quốc Khánh cũng làm trong lòng tôi dấy lên lời chất vấn như vậy. Tôi không thể hình dung được ra con người anh từ những thông tin ít ỏi do người thân anh kể lại, cũng chẳng có ấn tượng gì về anh qua tấm ảnh trên bàn thờ. Sinh năm 1968 tại Hà Nội, từ năm 1986 – 1989 đi lính nghĩa vụ, làm “lính văn hóa” vẽ pa nô, khẩu hiệu và đi chiếu phim ở nhiều vùng Tây Bắc. Năm 1995 từng vào học Khoa hội họa, Đại học Mở ở Bách Khoa, nhưng rồi hình như cũng bỏ dở dang. Từ sau khi xuất ngũ, anh hoàn toàn sống tự do, và từng làm một số công việc như vẽ minh họa cho một số tờ báo, tạp chí; từng cả đi học nấu ăn… Qua các bức tranh kể lại, là anh từng đi “thực tế sáng tác” ở khá nhiều nơi tại vùng cao Tây Bắc và miền Trung. Tính tình của họa sĩ như người thân thuật lại trong vài chữ đơn giản là trầm lặng và khái tính, đam mê vẽ, thích ở một mình… Những lúc thiếu kinh phí mua nguyên liệu vẽ, anh còn tự đóng cả khung sát-xi để căng vải vẽ (bởi những đồ dụng cụ mộc còn lại kể cho ta biết)…

Anh gần như không hề có giao lưu hay thông tin gì từ “giới mỹ thuật”. Có thể anh biết không nhiều họa sĩ Việt Nam, và chẳng ai biết anh vì anh chưa từng “xuất đầu lộ diện” trình làng trong bất kỳ triển lãm nào. Các bức tranh được vẽ miệt mài rồi cất kho, xếp lại chồng đống. Thậm chí, cả người thân trong gia đình cũng không biết anh còn để lại nhiều tranh đến vậy (khoảng 150 bức đã hoàn thành). Động thái đơn giản nhất mà các họa sĩ hiện đại hay chăm chút là ký tên hay đề năm sáng tác, họa sĩ cũng thi thoảng mới thèm ghi. Còn lại số tác phẩm được sáng tác từ khoảng 1995 tới trước 2015, là khi họa sĩ mất, thì đa số họa sĩ không bận tâm ghi, ký gì lên tranh hết. Giấu mình trong căn nhà ở tầng một trong khu tập thể Bưu điện ngõ Thổ Quan giống như một cái hang (vì không có bất kỳ một cửa sổ nào) để vẽ, thậm chí hàng xóm cũng không biết anh là họa sĩ. Hết mình vì hội họa, chưa thèm màng gì hay là chưa màng được gì thì không ai hiểu, thái độ đó, là thái độ lần đầu tiên tôi được gặp trong giới những người thích bôi xanh quệt đỏ với cuộc đời, “đan thanh” lên đi cho đời nhộn nhạo...



Chỉ có những bức tranh của anh nói với tôi rõ nhất về tâm hồn một con người bí ẩn: Hai bức tự họa, vài chục bức sơn dầu, vài chục bức bột mầu, phấn mầu ở ba thể loại cơ bản là chân dung, tĩnh vật và phong cảnh với con mắt hiện thực (tôi không dám dùng chữ “chủ nghĩa” cho nó to tát, và có lẽ họa sĩ cũng không quan tâm tới điều đó). Do không có giao lưu mấy trong giới mỹ thuật và chủ yếu là tự học nên anh yêu và học gián tiếp từ các bậc thầy xa xa của hội họa sơn dầu: Van Gogh (1853 – 1890) và Cezanne (1839 – 1906). Có thể thấy “dấu vết” của các bậc thầy đó trong một số tác phẩm tĩnh vật (ảnh hưởng mầu và bố cục của Cezanne) và “bầu trời Van Gogh” trên một số bức tranh phong cảnh… Có một số bức tranh làm ta liên tưởng đến phẩm chất hiện thực đã từng được định danh trong trường họa lưu động Nga ngày trước. Ở cách bắt hình chắc chắn, ở cách “lọc” ánh sáng trong mầu làm cho sự vật (tĩnh vật) hiện lên một đời sống riêng tư. Ở vài bức tranh phấn, ánh sáng đạt đến sự rung động nội tại và lung linh. Hai bức chân dung tự họa mà người vẽ để lại nói cho chúng ta rõ rệt nhất hai cực thái độ của họa sĩ đối với nghiệp vẽ của mình. Một thì điềm nhiên tự tại, một thì nhăn nhó trăn trở liên tục khôn nguôi… Các bức tĩnh vật của họa sĩ, dù đặt để ở góc khuất của bất cứ bức tường trong bất cứ một khuôn viên hay căn nhà nào, thì ta cũng không thể bàng quan mà đi qua nó. Nó luôn bắt ta dừng lại để trò chuyện, để thầm thì điều gì đó với ta như tự nhiên vốn không lời. Những điều anh để lại, qua các bức họa, như chạm đến được một phần tâm hồn muôn thuở của con người, là nhu cầu cho sự bình an và giản dị, vui sống và cùng đó là việc nâng niu bình thản mỗi thứ mắt ta chạm tới mỗi ngày.

Tôi rất thích cách tưởng tượng về thế giới bên kia qua thuyết vật lý “phản vật chất” hay “phản hạt”. Tức là ở một cõi nào đó vốn được vũ trụ sinh ra để cân bằng với cõi chúng ta, cứ ở đây sinh ra điều gì, thì ở phía bên kia lại mất đi một điều gì đó hoặc ngược lại. Xem hội họa của Trần Quốc Khánh, tôi hình dung ra một ngọn nến nhỏ, nhỏ thôi nhưng khá sáng, đã được thắp lên ở bên kia thiên giới.../.

(Theo VOV.VN)

CTV Vũ Lâm
Bạn đang đọc bài viết "Hội họa Trần Quốc Khánh –Những điều còn lại" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.