Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín

04/08/2015 09:06

Theo dõi trên

Được công nhận là Di sản Quốc gia, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên.

 
 Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì - Nguồn hagiangonline.net

Được công nhận là Di sản Quốc gia, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên.

Hoàng Su Phì là một trong những hệ thống ruộng bậc thang đẹp nhất ở Hà Giang và Tây Bắc. Vào tháng 10, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lại đẹp hơn khi chúng được bao trùm bởi một màu vàng của lúa chín, màu vàng của lúa ánh lên trong nắng tạo lên một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp làm mê hoặc bước chân của bao du khách. Đây là thời điểm đẹp nhất trên những thửa ruộng bậc thang bởi lúa bắt đầu ngả vàng, lúa chín vàng óng ả tỏa lên mùi thơm phức quyến rũ mọ con người tới đây. Màu vàng óng ả bao chùm lên toàn bộ hệ thống ruộng bậc thang kết hợp chút ánh nắng thu nhẹ nhàng trông Hoàng Su Phì giống như được dát vàng lên. Vào thời điểm mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì, trên khắp các thửa ruộng bậc thang lại nhộn nhịp bước chân của các tay thợ ảnh, những du khách ở mọi miền đất nước. Bên cạnh đó,người dân tộc ở Hoàng Su Phi cũng bắt đầu gặt lúa, các hoạt động gặt, vác lúa, đạp lúa diễn ra tấp lập và nhộn nhịp. Cùng với khách du lịch trong nước, du khách quốc tế cũng không thể bỏ qua nét đẹp của mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì.

Ruộng bậc thang ở đây được đánh giá vào loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử hàng trăm năm khai hoang của bao thế hệ người La Chí, Dao, Nùng. Bà con đã đổ nhiều mồ hôi, xương máu để đổi lấy những thửa ruộng kỳ vĩ uốn lượn theo từng thế núi, thế sông. Nhắc đến ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không thể không nói đến ruộng bậc thang ở hai xã Bản Luốc và Bản Phùng, đây thực sự là một công trình nhân tạo kỳ vỹ khó nơi nào có được. Những thửa ruộng bậc thang nhìn từ dưới lên như những đồng bạc trắng được xếp tầng. Bà con người Nùng, Dao, La Chí sinh sống giữa những cánh đồng “treo” trên lưng chừng núi, trồng lúa nước và cả lúa nương vào mùa khô.

Hiện tại, Hà Giang cũng đã xây dựng kế hoạch bảo tồn ruộng bậc thang sau khi được công nhận Di tích Quốc gia. Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang gắn chặt với cuộc sống, sinh hoạt tín ngưỡng nông nghiệp cũng đã được hình thành và trở thành di sản quý của đồng bào địa phương, gồm 13 dân tộc với khá nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ cúng ma khô của người người Mông; Lễ hội Lùng Tùng của dân tộc Tày; Lễ cúng thần rừng; Lễ mừng cơm mới của người La Chí...

Theo Di Sản Xanh

Bạn đang đọc bài viết "Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.