Bên cạnh đó, mỗi phường Xoan đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để cộng đồng thực hành thường xuyên. “Lửa” Xoan vẫn sống trong cộng đồng trong suốt 4 năm qua, tạo ra nhận thức đầy đủ về Xoan, về giá trị di sản cũng như tạo ra một lớp công chúng trẻ hiểu, yêu Xoan, tự nguyện thực hành bảo vệ Xoan. Hát Xoan đã được đưa vào nhà trường như một môn học tự nguyện về lịch sử, văn hóa địa phương. Các em có điều kiện biết, hiểu về di sản của quê hương mình và điều quan trọng là có một lớp công chúng, khán giả mới cho Hát Xoan.
Điểm quan trọng nữa là Phú Thọ đã phục hồi được không gian cho thực hành diễn xướng Hát Xoan. Di sản văn hóa phi vật thể phải có nơi để gửi gắm, thực hiện và thực hành. Bởi vậy việc tu bổ lại Miếu Lãi Lèn - nơi tương truyền là mảnh đất cổ xưa kia Vua Hùng dạy cho người dân biết hát múa, sau này trở thành làn điệu Hát Xoan nổi tiếng được phục hồi lại và trao cho cộng đồng làm chủ di tích này. Mặt khác, các không gian khác như: Đình Thét, Đình Phù Đức, Đình An Thái… cũng đã được tôn tạo, đầu tư, bảo tồn một cách cơ bản để có không gian cho cộng đồng thực hành nghi lễ hát thờ, thực hành việc truyền dạy Hát Xoan.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, đến nay, tiến độ xây dựng hồ sơ tình trạng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ đã cơ bản hoàn thiện. Hồ sơ được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tham khảo ý kiến các chuyên gia, cơ quan chuyên môn để hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo Song Nguyên (Làng Việt Online)