Năm chiếc áo dài gồm ba áo nam và hai áo nữ, được hoạ sỹ Trần Hữu Nhật hoàn thành trong một tháng. Chiếc áo dài nam thứ nhất được lấy cảm hứng từ con chó đá trong văn hóa Việt Nam. Tục thờ chó đá đã có từ lâu. Ở Huế, dân làng Phổ Đông, Phổ Trung, coi thiên cẩu như các vị thần trấn trạch, lập miếu thờ rất uy nghi, tôn kính. Ở hai chiếc áo dài nam khác hoạ sĩ Trần Hữu Nhật vẽ nhiều con chó đồng hiện theo phong cách hội họa lập thể. Bằng nét vẽ kỷ hà, khỏe khoắn, linh hoạt, anh mong muốn gửi gắm một tâm ước về sự sum vầy, viên mãn, hòa đồng của con người, đất trời và vạn vật. Ở nét vẽ trung tâm là hình tượng con chó rất Việt Nam, được bảo bọc trong ô vuông màu vàng, minh chứng sự chi phối của vũ trụ với mọi sinh thể trong lòng đất. Chiếc áo này thể hiện quan niệm âm dương hòa hợp, sống động viên mãn với những nét vẽ mới mẻ của trào lưu lập thể nhưng vẫn gắn liền với truyền thống.
Còn hai chiếc áo dài nữ, họa sĩ Trần Hữu Nhật dung nét vẽ tả thực được áp dụng cho thêm phần trực quan, phong phú. Sử dụng phép viễn cận của cách vẽ hiện thực, 3 chú chó con từ gần đến xa được nhìn thấy với bản chất con chó rõ nhất.
Sản phẩm của họa sỹ Trần Hữu Nhật
Màu sắc trên áo dài là sự kết hợp của ngũ sắc cung đình Kim (trắng), Mộc (xanh), Thủy (đen), Hỏa (đỏ), Thổ (vàng) thể hiện âm dương hòa hợp, năng lượng hòa hợp với niềm hoan ca của mùa xuân. Sống động viên mãn với nét vẻ mới mẻ của trào lưu lập thể nhưng vẫn gắn liền với truyền thống.
Bằng nét vẻ khỏe khoắn, linh hoạt họa sỹ đã mang cái hồn mùa xuân lên chiếc áo dài. Qua đó thể hiện niềm tự hào con giáp trên quốc phục Việt Nam, mong muốn gửi gắm tâm ước về sự sum vầy, viên mãn, hòa đồng của con người, đất trời và vạn vật.
Sau khi hoàn thành bộ sưu tập độc lạ của mình, họa sỹ Trần Hữu Nhật lại ấp ủ dự định mở buổi trình diễn áo dài ở phố đi bộ Huế, để quảng bá bộ sưu tập về năm con giáp kỳ công của mình đến với đông đảo bạn bè, du khách gần xa…