Họa sĩ Thành Chương bức xúc vì bị “cướp” tranh

15/07/2016 14:31

Theo dõi trên

Họa sĩ Thành Chương khẳng định bức tranh "Trừu tượng" trong triển lãm về các hoạ sĩ Đông Dương ký tên Tạ Tỵ năm 52 là của mình.

Trong khi những lùm xùm về vụ việc tranh thật – tranh giả tại triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của các danh hoạ Việt Nam thời kỳ Đông Dương diễn ra ngày 10/7 vừa qua tại phòng tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vẫn còn khiến dư luận bức xúc thì mới đây, họa sĩ Thành Chương đã phát hiện ra một sự thật “kinh khủng hơn” từ cuộc triển lãm. Đó là bức tranh mang tên “Trừu tượng” của ông được treo ở triển lãm này nhưng lại được ký tên tác giả là Tạ Ty.


Bức tranh "Trừu tượng" họa sĩ Thành Chương khẳng định do mình vẽ từ những năm 1970-1971.

Họa sĩ Thành Chương đã có phát ngôn chính thức tới báo chí, khẳng định bức tranh "Trừu tượng" ký tên Tạ Tỵ năm 1952 chính là của mình: “Hoạ sĩ Thành Chương chính là tác giả bức tranh đó. Tôi đã vẽ bức tranh đó vào khoảng năm 1970-1971”.

Chia sẻ với PV VOV.VN, họa sĩ Thành Chương cho biết, ngay từ khi ở Hà Nội, ông đã đọc báo về triển lãm này. Trong đó, có thông tin mà nhiều nhà chuyên môn nhận định là có tới 15/17 bức tranh là giả trong triển lãm thực sự thu hút sự chú ý của họa sĩ Thành Chương. Vì vậy, nhân dịp cùng vợ vào TP.HCM để chấm thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu khu vực phía Nam, họa sĩ Thành Chương đã dành thời gian tới triển lãm và thực sự choáng váng khi thấy tranh của mình được treo ở đó nhưng lại ký tên tác giả là Tạ Ty năm 1952.

“Phải nói là ‘dựng tóc gáy’ khi trông thấy bức tranh ‘Trừu tượng’ của mình trong triển lãm. Tôi khẳng định bức tranh đó được vẽ năm 1970-197 và nhớ rõ hoàn cảnh sáng tác, vẽ cái gì, vẽ ra sao, phong cách là gì, chất liệu như thế nào… Thậm chí, người mẫu trong bức tranh hiện vẫn đang còn sống. Tôi không thể nhớ đã bán bức tranh này cho ai. Nhưng thật sự không thể tưởng tượng lại có sự đánh tráo trắng trợn như vậy”, họa sĩ Thành Chương cho biết.



Bức tranh có chữ ký Tạ Tỵ.

Theo họa sĩ Thành Chương, mặc dù vậy, việc ai là nạn nhân hay thủ phạm thì vẫn chưa ngã ngũ, bởi đây là một câu chuyện lớn, liên quan đến đánh giá của chuyên gia quốc tế. Bức tranh này cũng như những bức tranh được trưng bày trong triển lãm lần này được xác nhận bởi chuyên gia quốc tế uy tín về mỹ thuật Việt Nam rằng đó là tranh thật.

Ngay khi phát hiện ra sự việc, họa sĩ Thành Chương lập tức đến gặp Phó giám đốc bảo tàng Trịnh Xuân Yên, họa sĩ Hứa Thanh Bình - phụ trách chuyên môn của bảo tàng, chị Mã Thanh Cao - nguyên Giám đốc bảo tàng để thông tin. Theo họa sĩ Thành Chương, lãnh đạo bảo tàng cảm thấy may mắn bởi “nhân chứng sống” đã vô tình xuất hiện trong lúc này, bởi trước khi bộ sưu tập tranh được trưng bày, phía bảo tàng đã nghi ngờ về bức tranh này rồi. Rõ ràng đây là tranh thật, nhưng lại không phải mang phong cách của Tạ Tỵ. Ngoài ra, chữ ký lại quá mới so với bức tranh.

Bộ sưu tập này thuộc sở hữu của chủ nhân người Việt là ông Vũ Xuân Chung mua từ chuyên gia uy tín của hãng đấu giá Christie/ Hongkong. Với mỗi tranh đều có kèm theo bản chứng nhận tranh thật của chuyên gia từng làm việc cho Christie's là Jean Francoi Hubert từ phía người bán. Chính vì vậy, họa sĩ Thành Chương muốn trực tiếp gặp chủ nhân của BST để trao đổi về vấn đề này.



Họa sĩ Thành Chương và vợ tham dự triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của các danh hoạ Việt Nam thời kỳ Đông Dương tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Sáng 15/7, thông qua Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Thành Chương đã mời ông Chung tới để trực tiếp thông báo một cách đàng hoàng, trực tiếp và khẳng định rằng bức tranh này là của mình. Tuy nhiên ông Chung – chủ nhân bộ sưu tập đã không tới.

Trước đó, họa sĩ Thành Chương cũng đã có thông tin tới Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm về sự việc này. Cục trưởng Vi Kiến Thành coi đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng, đáng quan tâm, bởi không chỉ là việc riêng của họa sĩ Thành Chương mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, liên quan tới chuyên gia quốc tế. Vì vậy, theo họa sĩ Thành Chương, ông Vi Kiến Thành sẽ cố gắng sắp xếp để bay vào TP.HCM xem tranh trực tiếp, đồng thời nhờ cơ quan an ninh vào cuộc điều tra./.

(Theo Báo VOV)

HÀ PHƯƠNG
Bạn đang đọc bài viết "Họa sĩ Thành Chương bức xúc vì bị “cướp” tranh" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.