Họa sĩ Huỳnh Phương Đông qua đời

18/12/2015 16:20

Theo dõi trên

Họa sĩ lão thành cách mạng Huỳnh Phương Đông, bậc đại thụ của mỹ thuật Việt Nam đã qua đời lúc 9 giờ sáng ngày 18-12 tại TPHCM, hưởng thọ 90 tuổi.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông, tên thật là Huỳnh Công Nhãn sinh năm 1925 tại Gia Định, nguyên quán thuộc làng Kế An, huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng. Năm 1940, ông theo học trường vẽ Gia Định, nay là trường Đại học Mỹ thuật TPHCM.

Năm 1945, khi ông chuẩn bị thi tốt nghiệp, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của quân dân ta nổ ra trên khắp Nam bộ, ông trở về Sóc Trăng tham gia cách mạng. Tác phẩm đầu tiên ông đã vẽ trong giai đoạn này là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, ông trở lại Sài Gòn cùng 3 học sinh của trường vẽ Gia Định gồm Hoàng Trầm, Nguyễn Đức Gia và Trần Trung Hiếu hoạt động bí mật, thực hiện vẽ biểu ngữ và viết truyền đơn cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân. Tháng 7-1947, cả bốn người cùng vào khu căn cứ Việt Minh ở Rừng Sác tham gia kháng chiến. Ông được kết nạp Đảng cộng sản Đông Dương năm 1951, sau hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Tại miền Bắc, ông tiếp tục theo học môn điêu khắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, khóa 1957-1963.

Năm 1963, một lần nữa dở dang việc học, ông được lệnh về Nam chiến đấu để lại vợ và 2 con nhỏ ở miền Bắc, cho đến 10 sau gia đình ông mới đoàn tụ tại miền Nam. Ông lấy tên người con trai của mình làm nghệ danh và từ đây, cái tên Huỳnh Phương Đông gắn bó suốt cuộc đời ông và trở thành một cái tên quan trọng của nền mỹ thuật kháng chiến Việt Nam.




Tác phẩm “Ngày vui lịch sử” (1975) của họa sĩ Huỳnh Phương Đông

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông giữ nhiều trọng trách quan trọng: thường trực Hội Mỹ thuật Giải Phóng, ủy viên thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam (1975-1977), Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật Bộ Văn hóa thông tin (1977-1988). Khi đã nghỉ hưu, ông làm giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM… Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trong kháng chiến hay trong thời bình, lúc đang công tác hay khi nghỉ hưu, thời trai trẻ hay ở tuổi xưa nay hiếm, họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẫn luôn say mê sáng tác. Ông đi thực tế nhiều nơi để ký họa hình ảnh quê hương đất nước trong thời bình, đổi mới và đặc biệt dành nhiều thời gian để thực hiện các tác phẩm hoàn chỉnh bằng sơn dầu, sơn mài, lụa… dựa trên ký ức và những ký họa tư liệu thời kháng chiến.



Họa sĩ và vợ tại triển lãm “Huỳnh Phương Đông - Một đời sáng tạo nghệ thuật” tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM năm 2014 (Ảnh: MINH AN)

“Kho sử thi bằng tác phẩm mỹ thuật”- Có thể nói các ký họa chiến trường và tranh của Huỳnh Phương Đông là những tác phẩm sinh động, ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu anh dũng của đồng bào chiến sĩ miền Nam, với bút pháp khỏe khoắn và phóng khoáng làm xúc động lòng người. Xem tranh Huỳnh Phương Đông, người ta thấy cả chất thơ của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, nói đúng hơn đó là chất anh hùng ca ở mảnh đất thành đồng tổ quốc. Qua các ký họa của Huỳnh Phương Đông, người ta phát hiện ra rằng con người miền Nam trong máu lửa vẫn tràn đầy lạc quan, vẫn bình tĩnh xiết bao. Chính nét bút tài hoa của Huỳnh Phương Đông đã toát lên vẻ bình tĩnh lạc quan đó. Những tác phẩm của ông có thể xem là sử thi của đất nước qua hai cuộc kháng chiến anh dũng được chép bằng chì, bằng cọ của người nghệ sĩ- chiến sĩ đã len lỏi từ Rừng Sác âm u đến bưng biền Đồng Tháp Mười, từ trận La Ngà oanh liệt thời chống Pháp đến trận Ấp Bắc vang dội thời đánh Mỹ… Hơn 10.000 tác phẩm là kho tàng đồ sộ ông để lại cho đời chính là gia tài quý báu nhất của người nghệ sĩ-chiến sĩ với gần 70 năm cầm cọ và 30 năm chiến đấu trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã đoạt nhiều giải thưởng: giải Nhất cuộc vận động vẽ tranh cổ động thống nhất đất nước năm 1976 với tác phẩm Chung một ngọn cờ; giải nhất triển lãm mỹ thuật TPHCM năm 1979 cho bộ ký họa Côn Đảo và Ba Son; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cho bộ ba tác phẩm: Trận La Ngà, Trận Ấp Bắc, Trận Bình Giã.

Theo Minh An (SGGP Online)

Bạn đang đọc bài viết "Họa sĩ Huỳnh Phương Đông qua đời " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.