Trong những ngày này, khán giả yêu mến nghệ thuật hò khoan Lệ Thủy có thể được thỏa lòng với hai chương trình nghệ thuật mang dấu ấn của loại hình di sản này như: “Không gian văn hóa dân ca hò khoan Lệ Thủy” (diễn ra từ ngày 25- 27/3) tại Nhà Bát Giác, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội và chương trình “Quảng Bình trong câu hát” với những ca khúc mang âm hưởng hò khoan Lệ Thủy sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Những làn điệu hò khoan Lệ Thủy sẽ được giới thiệu đến công chúng Thủ đô qua "Quảng Bình trong lòng Hà Nội" và "Quảng Bình trong câu hát" (ảnh baoquangbinh.vn)
Chương trình “Không gian văn hóa dân ca hò khoan Lệ Thủy” sẽ dàn dựng một mô hình sông nước Lệ Thủy, ở đó, hơn 20 nghệ nhân sẽ gửi đến công chúng những làn điệu hò khoan gắn bó với bao đời người Quảng Bình.
Chương trình “Quảng Bình trong câu hát” với hoạt cảnh “Hò khoan Lệ Thủy” qua sự biểu diễn của các nghệ sĩ đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Bình sẽ mở màn phần I: Thời hoa lửa trong chương trình. Ngoài ra, âm hưởng của hò khoan Lệ Thuỷ cũng được vang lên giữa Nhà hát Lớn qua ca khúc “Trên biển quê hương” (nhạc sĩ Đức Minh) qua giọng ca của Lê Anh Dũng và “Quảng Bình quê ta” của nhạc sĩ Hoàng Vân qua giọng ca của các ca sĩ: NSƯT Phương Thảo, Thành Lê, Thu Hà.
Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình dân ca của cư dân sông nước tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hò khoan thường được người dân hát trong các dịp chèo đò, giã gạo và các lễ hội làng bên sông Kiến Giang. Hò khoan có đặc trưng sử dụng những lời ăn tiếng nói mộc mạc trong cuộc sống hàng ngày để bày tỏ nỗi lòng cũng như đối đáp. Thông thường các đội hò khoan thường được chia làm hai phe (nam nữ hoặc hai làng khác nhau) để thi đối đáp. Ngày nay, hò khoan Lệ Thủy không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Lệ Thủy mà sức sống của di sản văn hóa phi vật thể này đã lan tỏa đến cả vùng Bình- Trị- Thiên.
Ông Dương Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Quảng Bình là mảnh đất có đủ loại hình văn học dân gian như truyền thuyết, chuyện kể, giai thoại, dân ca, song nổi trội vẫn là dân ca, đặc biệt là hò khoan. Hò khoan có mặt ở mọi ngóc ngách của cuộc sống từ việc lớn đến việc nhỏ. Chèo thuyền, giã gạo, cày bừa, cấy lúa, đạp nước, kéo gỗ, nện đất, giã vôi, cất nhà, kéo lưới, đẩy thuyền… tất tần tật việc gì cũng hò khoan được, ở đâu cũng hò khoan được”.
Hò khoan Lệ Thủy không chỉ hát khi vui mà cả khi buồn, khi lao động mệt nhọc (ảnh baoquangbinh.vn)
Theo nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Tuân, đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình đã được hun đúc trong đấu tranh sinh tồn với chiến tranh, bão lụt, gió Lào bỏng cháy suốt mấy ngàn năm chưa bao giờ yên. Sân khấu cuộc đời đó đã tạo nên hơi thở của dân ca; tâm hồn thi ca của con người đã hun đúc lên kết quả trên gian khó. Chiến tranh và thiên tai mất mùa, trắng tay, đói kém; đồng sâu, nước cả, lao động nhọc nhằn, vậy nhưng con người vẫn phải sống, vẫn phải tròn bổn phận. Những tâm tư đó đã được gửi gắm vào trong dân ca mà than thở, mà san sẻ. Đó chính là cội nguồn cảm hứng của hò khoan Lệ Thủy. Chẳng ở đâu như Lệ Thủy, vui hò hát đã đành, đằng này cái thú được hò hát lên vào cả khi buồn, khi lao động mệt nhọc. Điều đó làm nên cái da diết, cháy bỏng, ray rứt và cả sức sống của những điệu hò khoan.
Còn ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, giá trị của Hò khoan Lệ Thủy, đó là xuất phát từ đời sống lao động sản xuất, sáng tạo, bồi đắp qua thời gian, có sức sống nhiều năm, trải qua các kỳ phát triển, nó gắn vào đời sống tinh thần của người dân, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, cũng có thể lên sân khấu lớn, xuất hiện trong các chương trình lớn. Thu hút đông đảo, lan tỏa nhiều người dân các vùng miền khác yêu thích.
“Hò khoan Lệ Thủy là loại hình âm nhạc rất hấp dẫn, thu hút và ăn vào máu thịt của người Quảng Bình, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với người dân Quảng Bình. Chúng tôi thấy di sản này có những giá trị rất to lớn và mong muốn xây dựng hồ sơ để di sản được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng như đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”- ông Hồ An Phong chia sẻ.
Hò khoan Lệ Thủy- di sản của người Quảng Bình nhiều đời nay, làm phong phú thêm đời sống âm nhạc Việt Nam (ảnh minh họa Báo Nhân dân)
Nhạc sĩ Việt Đức (Học viện âm nhạc Huế) - tác giả kịch bản của chương trình nghệ thuật “Quảng Bình trong câu hát” thì chia sẻ: “Hò khoan lệ thủy hay còn gọi là hò khoan 6 mái là đặc sản, là di sản văn hóa của mảnh đất Quảng Bình. Vì vậy, chương trình nghệ thuật về Quảng Bình không thể thiếu hò khoan Lệ Thủy. Trong “Quảng Bình trong câu hát” có rất nhiều bài hát đã vận dụng hò khoan Lệ Thủy và một hoạt cảnh hò khoan Lệ Thủy mở màn phần I của chương trình”.
“Giá trị của Hò khoan Lệ Thủy đối với Quảng Bình cũng như Huế có hò mái nhì nổi tiếng, miền Nam có hò Đồng Tháp, Bắc Bộ có hò sông Mã…. Hò khoan Lệ Thủy là đặc trưng rất riêng không lẫn vào đâu được. Nói đến Hò Khoan Lệ Thủy, đã là người Quảng Bình thì có thể hò khoan bất cứ lúc nào cũng được. Điều đó chứng tỏ hò khoan Lệ Thủy ăn vào máu thịt của người con Quảng Bình nhiều thế hệ”- Nhạc sĩ Việt Đức cho biết.
Tác giả kịch bản của “Quảng Bình trong câu hát” cũng chia sẻ thêm: “Học viện âm nhạc Huế đã có những công trình nghiên cứu về hò khoan Lệ Thủy và khẳng định, di sản này hoàn toàn xứng đáng là di sản quốc gia cũng như Di sản thế giới, đồng thời khuyến nghị về việc bảo tồn, truyền dạy. Đây là di sản của người Quảng Bình nhiều đời nay, làm phong phú thêm đời sống âm nhạc Việt Nam, minh chứng là rất nhiều bài hát hay của âm nhạc hiện đại mang âm hưởng của loại hình này. Việc giới thiệu hò khoan Lệ Thủy đến rộng rãi người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung qua “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” và “Quảng Bình trong câu hát” là việc làm thiết thực để gìn giữ, phát huy di sản này./.