
Tìm lại tiếng ca, nhịp phách
Mấy năm gần đây, người ta bắt đầu nhớ tên và nhắc nhiều đến CLB ca trù Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bởi những lần “mang chuông” đi đánh ở Liên hoan tiếng hát làng Sen, Liên hoan ca trù toàn quốc… các nghệ nhân đều để lại những dấu ấn đặc biệt.
Nói về công lao xây dựng nên CLB ca trù Diễn Châu phải kể đến thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên (đã mất). Người đã đổ bao tâm huyết làm sống dậy hồn ca trù Kẻ Lứ nổi tiếng một thời, đặt nó vào một sinh mệnh mới mang tên CLB ca trù Diễn Châu, dù còn còn nhiều bỡ ngỡ và lắm gian nan.
Ngày ấy, thầy đã hơn 80 tuổi, vẫn lọc cọc đạp xe tìm đến tận nhà của những nghệ nhân ca trù hiếm hoi vẫn còn sống như bà Trần Thị Bình, Trần Thị Sơ, Phạm Thị Hoa, Đoàn Thị Nguyệt, Đoàn Thị Áng, Trần Thị Bơ, Nguyễn Thị Hạnh… để nghe lại ca trù, và thuyết phục họ quay lại cầm ca.
Vì nếu không, khi thế hệ các bà, các cụ đi theo tổ tiên, thì cả một nền ca trù nức tiếng cũng theo đó mất đi, khó lòng tìm lại được. Cảm cái đức, cái tâm tha thiết đó của ông giáo già Nguyên, mà những nghệ nhân đã từ lâu đánh rơi tiếng phách, tiếng đàn, … bỏ quên giọng hát, điệu ca bắt đầu nhớ lại, lục tìm trong ký ức một thời vàng son rực rỡ.
Thầy Nguyên cũng tìm thấy cụ kép Trần Hải (1910) ở Diễn Liên, Diễn Châu, người đã được kép Quang của Giáo phường nhà tơ đại hàng Kẻ Lứ quê ở Kim Lũy (Diễn Kim), dạy đàn đáy cho lúc mới 12 tuổi. Từ những nghệ nhân già này, thầy đã nhen nhóm gây dựng được một số đào nương trẻ như o Ngọc Mai, Thu Hòa, Bích Loan ở Diễn Liên và Diễn Yên, sau đó phát triển ra các xã Diễn Hoa, Diễn An, Diễn Mỹ.
Năm 2002, CLB ca trù Diễn Châu chính thức được thành lập, thời điểm ấy, số lượng thành viên lên tới 70 – 80 người. Nhưng khó cho thầy Nguyên, và những người nối nghiệp thầy về sau là cái cách để duy trì, để nuôi sống CLB. Bởi ca trù không như những thể loại nhạc dân ca khác, đây là một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, vừa mang tính dân gian, nhưng lại rất uyên bác. Cái không gian của ca trù, không rộng rãi, quần chúng như ví dặm, như quan họ… mà phải có phòng hát, có đào nương với tiếng phách, có đàn, có trống, có lời ca… Kén người hát, kén cả người nghe…

Giữ đam mê để níu lại ca trù
Theo lời ông Cao Xuân Thưởng, một người am hiểu về ca trù, gắn bó trong nhiều hoạt động của CLB cho biết: CLB ca trù bây giờ không thể tổ chức hoạt động theo kiểu giáo phường ngày xưa. Nếu như là một giáo phường, thì nó cũng được coi như một làng nghề, và đào kép, ca nương có thể kiếm sống từ cái nghề đấy. Nhưng câu lạc bộ là tập hợp của nhiều người, ở nhiều nơi, không ở gần gũi nhau, việc nuôi sống nó đã là một điều khó khăn, chưa nói đến việc “làm ra tiền”.
Ca trù Diễn Châu bây giờ, là một câu lạc bộ của thời đại mới, mang trong nó cái mong ước và trách nhiệm bảo tồn một di sản văn hóa dân tộc, trên cơ sở tập hợp những người yêu thích và biết đến ca trù.
Đến nay, sau hơn 10 năm được thành lập, CLB đã 3 lần tham gia liên hoan ca trù toàn quốc có giải, 4 lần tham gia tiếng hát Làng Sen (2 lần được giải A), 2 lần tập huấn ở Nhạc viện Hà Nội và nhiều lần tập huấn cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, số lượng thành viên “sàng lọc” chỉ lại còn khoảng hơn 20 người, đều là những ca nương, tay đàn, tay trống trưởng thành và biểu diễn tốt.
CLB cũng đã “nuôi dưỡng” được đội ngũ trẻ, với những ca nương mới hơn 20 tuổi và trẻ nhất là ca nương đang học lớp 12.
Đó là tập hợp trong đó là những đào, kép xuất sắc nhất còn lại trên mảnh đất này. Khi họ tự ẩn mình trong vội vã cuộc sống đời thường, là bởi vì chưa ai nhớ đến họ. Nhưng khi đã được tìm đến, đã trở lại là một người nghệ sĩ, thì ai cũng muốn được thể hiện, được đứng trên sân khấu.
Ca trù ngày xưa được vua chúa mến mộ. Giáo phường nhà tơ đại hàng Kẻ Lứ của dòng họ Trần được mời đi hát cửa quyền trong cung vua từ thời Lê Trung Hưng đến thời nhà Nguyễn. Rồi đặc quyền phục vụ hát ca trù tại nhiều lễ hội Đền Cờn, Đền Cuông, Đình Cháy…
So với cái không khí của thời vàng son ấy, thì “đất diễn” cho những con người tài hoa này vẫn còn ít ỏi lắm. Ông Trần Cảnh Yên, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Cái khó nhất của CLB bây giờ, là kinh phí hoạt động. Đây một tổ chức tự nguyện, không có nguồn thu, nên mọi hoạt động đều phải tính toán. Chúng tôi mong các ban, ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến CLB, để chúng tôi có thể tiếp tục giữ “di sản văn hóa thế giới cần được bảo tồn gấp” ngay tại quê hương Diễn Châu”.
Đào nương Cao Thị Lâm cũng cho biết: “Học ca trù khó lắm, nhưng khi đã hát được, thì mê, rồi không bỏ được. Mọi người trong CLB đi hát cũng là vì tâm huyết, vì đam mê, chứ nhiều khi còn không đủ tiền xăng đi biểu diễn”.
Có thể dẫu chưa ai thấy hết những nỗ lực của các nghệ nhân, dẫu chưa nhiều khán giả, dẫu còn tự lực rất nhiều, nhưng chỉ cần ca trù được sống lại trong đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân, là những thành viên trong CLB ca trù Diễn Châu đều cố gắng hết mình.