Hát văn được hình thành và phát triển trong môi trường tín ngưỡng thờ Mẫu, có ngôn ngữ âm nhạc riêng, không lẫn với loại hình âm nhạc dân gian tín ngưỡng nào khác. Phải khẳng định rằng nói tới lên đồng phải nói tới âm nhạc và hát văn.
Ở mức độ nào đó, ta thấy trong hát văn ít nhiều chịu ảnh hưởng của các loại dân ca của các miền, các dân tộc. Trong đó có bóng dáng dân ca đồng bằng Bắc Bộ như: Làn điệu cò lả, bống mạc; một số làn điệu của âm nhạc thính phòng như lưu thủy, bình bán; của âm nhạc ca trù như phú xuân, phú chênh, phú tỳ bà; ảnh hưởng của hát chèo như phú dầu, lới lơ; của quan họ như đường trường chim thước; của cải lương như xá quảng; của dân ca Huế như hò Huế.
Với khoảng 30 làn điệu chính/giọng như Bỉ, Miễu, Thống, Phú, Dọc, Cờn, Lới Lơ, Cò Lả, Lưu Thuỷ, Kim Tiền, Bình Bán... và trong mỗi điệu/giọng lại gồm nhiều loại khác nhau.
Âm nhạc hát văn có cấu trúc mở. Thường trong cấu trúc giai điệu có một vài nét giai điệu đặc trưng, còn các lời hát thì có nội dung và độ dài có thể thay đổi tùy ý. Trên phương diện diễn xướng, nói có thể ngắt ra từng điệu riêng phù hợp với hành động lên đồng của các ông/ bà đồng. Đền Sòng Sơn – một địa chỉ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh), quần thể đền đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá, thắng cảnh cấp Quốc gia và là một tụ điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân tộc, nơi mà Thánh Mẫu đã đi vào đời sống tâm linh của nhân dân. Cũng chính điều đó, hát Văn ở đền Sòng Sơn là sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng diễn ra thường xuyên.
Và việc thực hành hát văn của các cung văn
Đóng vai trò như một ca sĩ, nghệ nhân chơi nhạc và hát trong các buổi hầu đồng được gọi là cung văn. Họ vừa chơi các loại nhạc cụ như nguyệt, cảnh, phách, trống, thanh la, sáo, nhị, thập lục. Quan trọng hơn, chính lời ca, tiếng nhạc của họ sẽ giữ vai trò mời gọi các vị Thánh về.
Có thể nói hát văn làm cho buổi lễ sống động. Không đơn thuần chỉ là nghi thức lễ, ở đó còn có cả yếu tố hội. Để có thể vừa chơi nhạc, vừa hát, các cung văn không chỉ giỏi ngón đàn, giọng hát ấm, mượt mà, truyền cảm mà họ phải thông hiểu nghi lễ, nắm được lề luật, trình tự hầu đồng, nhanh, nhạy trong phối hợp với các hành động nghi lễ và trình diễn múa của ông/bà đồng. Ngoài ra, cung văn không những là những nghệ nhân giỏi trình diễn đàn hát mà còn có khả năng sáng tác các bài văn, các giai điệu hát văn làm giàu cho kho tàng bài hát và âm nhạc chầu văn.
Người cung văn giỏi là người điều khiển được câu ca tiếng nhạc trong diễn biến của mỗi cuộc hầu đồng. Đặc biệt phải mang tính chất sôi nổi, kích động sự thăng hoa để buổi hầu đồng luôn trong không khí tưng bừng. Mở đầu buổi lên đồng, cung văn hát điệu văn thờ, điệu này tiết tấu nhanh, gấp; sau đó khi Thánh đã nhập đồng thì hát văn hầu để ca ngợi công tích hay sự tích các thánh, sau đó chuyển hát dọc để kích thích khả năng thăng thoát của người ngồi đồng. Khi nhân vật đã nhập vai các thánh và “làm việc thánh” thì chuyển điệu còn là điệu thức cao hơn dọc một cung bậc. Tất nhiên khi người ngồi đồng vào vai thánh nào thì người hát phải chuyển giọng theo ngôi thánh đó cho phù hợp. Trình tự thực hiện nghi lễ hát chầu văn phục vụ hầu đồng có thể chia thành bốn phần chính: 1) Mời thánh nhập ;2) Kể sự tích và công đức ;3) Xin thánh phù hộ ;4) Đưa tiễn. Bài hát thường chấm dứt với câu: "Thánh giá hồi cung!".
Hát văn.
Hát văn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phụ trợ, kích thích sự thăng hoa, giao cảm giữa con nhang đệ tử với thế giới thần linh. Nghệ thuật âm nhạc được đẩy lên cao khi nó là phương tiện không thể thiếu để con người giao tiếp với thánh thần.
Hầu hết ở các đền thờ lớn, có thờ Mẫu thì đều có một đội cung văn chuyên nghiệp. Khi chúng tôi đến đền Ba Bông, thật tiếc vào ngày không có nhóm, giá hầu nào, nhưng đội cung văn đã trình diễn một vài làn điệu. Chia sẻ với tôi, một cung văn ở đây cho biết: Điều cần thiết là để hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật, cung văn luôn phải chuyển đổi giọng hát. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cung văn là phải vừa đánh nhịp vừa hát, tiêu chuẩn tối đa là phải vừa đàn nguyệt vừa hát. Vì hát văn bao gồm nhiều kỹ thuật khó, trong khi vừa hát, vừa sử dụng nhạc cụ, cung văn phải tập trung cao độ, tôn nghiêm để thỉnh mời các bóng, các giá, các tòa. Vì vậy, cung văn chính là người “nhạc trưởng” tổng hòa các lời hát, làn điệu, nhịp điệu và động tác của thanh đồng thành một thể thống nhất, mang lại hơi thở, sức sống cho giá đồng. Các điệu hát khi hào sảng với các chiến tích lẫy lừng của các Quan Lớn, Quan Hoàng Mười, khi lại ríu rít, quấn quýt như tiếng chim rừng trong giá hàng Cô (Nhạc Phủ).
Cung văn Bùi Văn Hảo dù mới sinh năm 1991, nhưng đã có 15 năm theo nghề. Hiện Bùi Văn Hảo đang là cung văn trưởng 2 đền: Đền Rồng và Đền Nước. Năm 2016, Bùi Văn Hảo là người Thanh Hóa duy nhất được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao bằng chứng nhận nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực hầu đồng. Theo cung văn này thì có rất nhiều người nộp hồ sơ công nhận nghệ nhân dân gian, nhưng tiêu chuẩn cung văn không chỉ biết hát, biết đàn, mà còn thông thạo nhạc lí, hiểu tường tận nguyên do xuất phát các làn điệu, làn điệu gốc và những biến thể của nó.
Cung Văn Bùi Văn Hảo.
Ngày nay, những làn điệu hát văn không chỉ được diễn xướng trong các di tích đền, phủ, miếu linh thiêng để phục vụ tín ngưỡng tâm linh mà còn được biểu diễn trên những sân khấu hiện đại với hình thức ca nhạc dân gian. NSƯT Trương Hải Thọ, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa chia sẻ: Đoàn Chèo chúng tôi đã dàn dựng rất nhiều chương trình giá đồng. Diễn viên của đoàn đã tham gia diễn cả sân khấu và đi hầu ở các đền đình. Hầu đồng khi dựng thành sân khấu biểu diễn là đã được nâng lên một bước còn ở đình đền thì rất nguyên sơ theo phong cách truyền thống. Khi đã sân khấu hóa, nghệ sĩ diễn các giá hầu đã có sự chọn lọc vì thế có sự hấp dẫn hơn nhiều. Cũng cần phải khẳng định, kỹ thuật hát hầu đồng mà cụ thể là chầu văn cần khổ công luyện tập. Nhiều diễn viên hát chèo hay nhưng không hát văn được.
Ông Phạm Văn Tuấn - Trung tâm bảo tồn di sản tỉnh cho rằng: Thanh Hóa là một trong những địa phương mà hình thức đạo mẫu khá phổ biến và đậm đặc các đền thờ Mẫu. Và tục thờ Mẫu là một trong những hình thức tín ngưỡng có rất sớm trong lịch sử. Nhưng đến nay những câu hỏi như: Điểm thờ mẫu đầu tiên ở Thanh Hóa là gì, nằm ở đâu và thờ ai. Trước sau cũng phải được giải mã, nếu không thì các nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian ở Thanh Hóa vẫn còn để lại một khoảng trống. Riêng về hát văn, ông cho rằng đây là nét đặc sắc mà các hình thức tín ngưỡng khác không có. Lời bài hát dài nhưng có sức hấp dẫn, tạo sự sinh động vô cùng.
Từ hát văn chỉ là một bộ phận trong nghi thức thờ Mẫu nhưng là bộ phận quan trọng, bởi khi thiếu âm nhạc, các thanh đồng không thể múa, cũng không thể thăng hoa. Thực tế nghệ thuật hát văn đã vượt ra khỏi các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo; gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát văn trong cách nghe, nhìn mới nhưng vẫn bảo lưu được những làn điệu cổ, những phong cảnh diễn xướng cổ. Điều đó làm cho giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật hát văn này luôn được kế thừa và phát triển trong đời sống cộng đồng. Với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá, mà Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ trong đó có hát văn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.